Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, tại phiên khai mạc kỳ họp, lãnh đạo chính phủ đã báo cáo, đề cập tương đối rõ ràng về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Ban hành, thực thi hiệu quả nhiều chính sách vượt trội, chưa có tiền lệ
Cùng với các thành tựu kinh tế, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, chính sách với người có công, người yếu thế, người nghèo… đều được quan tâm, thông qua việc nhà nước ban hành nhiều chính sách, thể chế trong đó có nhiều chính sách thực sự vượt trội.
Việt Nam đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con, trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhất là trẻ mồ côi.
Nhiều chính sách chưa có tiền lệ đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quyết định.
Từ kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 42 năm 2020, các cơ quan đã rút kinh nghiệm để ban hành nhiều chính sách mới nhanh nhất, thủ tục hồ sơ đơn giản nhất và triển khai quyết liệt, đem lại hiệu quả nhất.
Bộ trưởng dẫn chứng, sau Nghị quyết 30, liên tiếp các Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và Quyết định 08 lần lượt được ban hành, đã hỗ trợ 87.000 tỷ đồng tới 56 triệu lượt người dân và trên 730.000 người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung so sánh, bình thường mỗi năm, ngoài các hoạt động thường xuyên thì cả nước chỉ hỗ trợ đột xuất được cho thêm 1 triệu người. Trong khi giai đoạn dịch bệnh, con số người được chăm lo, hỗ trợ lên tới 56 triệu. Ông nhấn mạnh, đó là những việc chưa có tiền lệ.
Với một quốc gia đang phát triển còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam, theo Bộ trưởng LĐTBXH, đó là nỗ lực phi thường. Không như các nước, tiền được phát đại trà, tại Việt Nam, đối tượng hướng đến của các chính sách đa dạng, lĩnh vực bao quát lại rộng lớn, kinh phí đòi hỏi phải triển khai nhanh.
"Cách làm này cho đến nay đã góp phần rất quan trọng để ổn định lòng dân, động viên, thu hút người lao động sớm quay trở lại làm việc. Tôi cho rằng những chính sách này đã góp phần rất quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, cho kết quả ngày hôm nay", Bộ trưởng nhận định.
Thu nhập của người lao động đã tăng lên
Về tình hình hiện tại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đời sống người dân đã được cải thiện một bước, dù vẫn còn một bộ phận khó khăn.
Bình quân thu nhập của người lao động quý III tăng lên 7,6 triệu đồng, cao hơn 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, khu vực dịch vụ - lực lượng lao động đạt tới 19,2 triệu người, thu nhập khu vực dịch vụ trên 8 triệu đồng là rất cao.
Bộ trưởng nhấn mạnh, những con số cho thấy cuộc sống và thu nhập của người dân, người lao động đã dần trở lại bình thường, thu nhập tăng, đời sống người dân được cải thiện. Một số vấn đề như nhà ở, nhà trọ, các chính sách an sinh, các nhu cầu thiết yếu cũng được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm hơn.
Riêng về chương trình giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng LĐTBXH đánh giá, đây là chương trình được hoàn thiện sớm nhất, nhanh nhất và đồng bộ nhất trong số 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện.
Cơ quan quản lý đã sớm hoàn thành các văn bản thể chế và 48 địa phương thuộc nhóm đối tượng đều được phân bổ, cân đối các chương trình, dự án. Các chỉ tiêu về giảm nghèo cơ bản đạt được.
Đặc biệt, trong tháng 10 - tháng "vì người nghèo" này, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã rất quan tâm để khơi lên phong trào cả nước chung tay chăm lo cho người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Lực lượng lao động phục hồi nhanh hơn so với dự báo khoảng 6 tháng
Về lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người đứng đầu ngành cho biết, nhìn tổng quát, lực lượng lao động đã phục hồi nhanh.
Cách đây 1 năm, cả nước đang phấp phỏng lo ngại vì dịch bệnh tấn công vào các khu vực công nghiệp, khu chế xuất - thành trì của phát triển kinh tế, lo ngại trước làn sóng 3 triệu người lao động di chuyển từ các cực tăng trưởng về các địa phương, lo sợ về việc đứt gãy chuỗi cung ứng…
Nhưng thực tế có thể khẳng định Việt Nam đã không để xảy ra việc đó và trở lại trạng thái bình thường nhanh hơn dự báo. Sức phục hồi được đánh giá là nhanh hơn so với dự báo khoảng 6 tháng.
Hiện thị trường lao động đạt quy mô 51,9 triệu người, tăng cao hơn 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp đến thời điểm này chỉ 2,28%. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Bộ trưởng dẫn con số so sánh với Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại là 3,5%.
Kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được cải thiện
Công tác giáo dục nghề nghiệp cũng có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô và chất lượng. Tỷ lệ người học nghề tăng hơn. Nhận thức của xã hội, gia đình người học có chuyển biến. Chất lượng đào tạo được nâng lên.
Điều đáng mừng, theo Bộ trưởng, kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam đã được cải thiện. Tỷ lệ người lao động làm việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo tăng lên.
Lao động Việt tham gia vào nhiều khâu quản lý tại các doanh nghiệp FDI, đảm nhận nhiều vị trí, việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài phụ trách, nhất là trong các lĩnh vực Cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí…
Tại cuộc thi tay nghề thế giới tổ chức tại Đức với gần 100 quốc gia tham gia vừa qua, lần đầu Việt Nam giành được 2 huy chương bạc. Đó là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
Việt Nam đang thiếu lao động cục bộ, nhất là lao động chất lượng cao
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn thừa nhận không ít điểm còn hạn chế trong lĩnh vực quản lý của mình.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thách thức. Cả nước còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm trên 9% số hộ gia đình.
Theo tiêu chí mới, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Lưới an sinh xã hội thực chất còn thấp. Các thiết chế văn hóa xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thiếu và có nhiều hạn chế.
Lao động có chứng chỉ, bằng cấp cũng chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thực tế, Việt Nam đang thiếu lao động cục bộ, nhất là lao động chất lượng cao nên năng suất lao động chưa cải thiện nhiều. Lao động khu vực phi chính thức cũng vẫn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động còn thấp.
Kết quả giảm nghèo năm 2022 tuy đạt chỉ tiêu nhưng ở mức thấp, thấp nhất trong những năm qua…
Theo Bộ trưởng, đó là những vấn đề cần nhận đầy đủ và xác đáng.
Tiếp cận phương thức đào tạo chất lượng cao của những nước hàng đầu thế giới
Thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và phát triển.
Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng thị trường lao động theo các định hướng đó mà nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung - cầu lao động, tăng cường các chương trình đầu tư công, phát triển các trường, các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao.
Mục tiêu đề ra với hoạt động này là tiếp cận với phương thức đào tạo chất lượng cao của những nước hàng đầu thế giới, như Đức, Nhật, Australia, phấn đấu vào top ASEAN 4 và có được số trường đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế, góp phần dẫn dắt và lan tỏa với thị trường.
Định hướng được vạch ra là thực hiện đào tạo kép, áp dụng cơ chế nhà nước và người học cùng tham gia, mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành, nhất quán chủ trương phân luồng đào tạo sớm, mạnh; nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề.
Sẽ tháo gỡ vướng mắc về việc công nhận học sinh cấp 2, cấp 3 trong các trường nghề ngay trong kỳ họp này
Cũng tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu vấn đề vướng mắc với việc công nhận học sinh cấp 2, cấp 3 trong các trường nghề. Theo ông, đây là vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu, chất vấn ở rất nhiều kỳ họp.
Gần đây, phiên chất vấn tại Quốc hội khóa 14 với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, vấn đề cũng đã được đặt ra, Chủ tịch Quốc hội đã có kết luận bằng văn bản nhưng thực tế những vướng mắc hiện vẫn chưa được tháo gỡ.
Bộ trưởng nêu con số, hiện cả nước có 63 địa phương đều tiến hành cho các trường nghề dạy văn hóa, 625 trường nghề vừa tổ chức học nghề vừa học văn hóa, có trên 400.000 học sinh đang theo học chương trình như vậy.
Vừa học nghề vừa học văn hóa được xác định là việc phù hợp với luật Giáo dục và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho áp dụng nhiều năm qua. Nhưng mới đây, một cơ quan quản lý nhà nước đã dùng văn bản để khống chế, yêu cầu các địa phương không được thực hiện việc này.
Bộ trưởng cho biết, thông lệ quốc tế, tại các nước như Mỹ, Nhật, Singapore… các trường nghề đều thực hiện mô hình vừa học nghề vừa học văn hóa và khẳng định đó là chủ trương đúng.
Phần lớn người học chọn học trường nghề vừa tiếp tục học văn hóa là vì không có nhu cầu học cao hơn hoặc gia đình khó khăn. Việc này giúp các cháu sớm tiếp cận thị trường lao động, không nên cản trở.
"Tôi đã báo cáo Thủ tướng và tối qua Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTBXH, Bộ NNPTNT cùng tập trung tháo gỡ vấn đề này. Sau đó tôi cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để kết thúc kỳ họp nhất định gỡ xong vướng mắc này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quả quyết.