ĐBQH: Tăng lương ngay lập tức cho nhóm thu nhập thấp; ban hành ngay Nghị quyết cải cách tiền lương

29/10/2022 08:10

(Chinhphu.vn) – Trước mắt những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 01/01/2023. Đồng thời, ban hành ngay Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình.

Đề nghị tăng lương ngay lập tức cho nhóm thu nhập thấp; ban hành Nghị quyết về cải cách tiền lương - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Trước mắt những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 01/01/2023. Đồng thời, có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Chúng ta đã vượt qua cơn bão KTXH cấp độ mạnh trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ

Phát biểu thảo luận về kinh tế xã hội, đại biểu Trương  Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM) bày tỏ đồng ý với những đánh giá tích cực trong báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022.

Ông cho rằng, Quốc hội, Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị với sự ủng hộ và đồng hành của Nhân dân đã vượt qua cơn bão kinh tế - xã hội cấp độ mạnh trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, để lại nhiều bài học quý báu về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước và truyền thống đoàn kết nhân văn của nhân dân ta khi đất nước hoạn nạn.

Đại biểu cũng nhất trí với những khuyến cáo, khuyến nghị dựa trên những đánh giá khoa học khách quan trong báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế. 

Đồng thời đại biểu đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng quan tâm sâu hơn những ý kiến này và có sự chỉ đạo đúng mức để có giải pháp vừa duy trì được ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, vừa không bị bất ngờ, bị động trước những rủi ro, nguy cơ đã được cảnh báo.

Tăng lương ngay lập tức cho nhóm thu nhập thấp; ban hành ngay Nghị quyết cải cách tiền lương - Ảnh 2.

Tập trung tháo gỡ ngay những vướng mắc trong mua sắm y tế và chính sách đãi ngộ nhân viên y tế

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nêu một số việc cấp bách mà ông tin rằng đại đa số cử tri đang chờ đợi và muốn được Quốc hội, Chính phủ hành động ngay. 

Trước tiên, đại biểu cho rằng phải có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành y tế khôi phục được năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ COVID-19.

"Những giải pháp này cần đồng bộ từ các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như các tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.

Nếu hệ thống y tế không được củng cố ngay cả về con người và cơ sở vật chất thì chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay là phát sinh mới", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh. 

Đề nghị tăng lương ngay lập tức cho nhóm thu nhập thấp; ban hành Nghị quyết về cải cách tiền lương - Ảnh 2.

Tăng lương ngay lập tức cho người thu nhập thấp từ 1/1/2023

Cùng với đó, đại biểu đề nghị khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời có ngay Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức theo nguyên tắc tăng lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình.

"Xin lưu ý là mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày 3 bữa cơm và một 1 năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp.

Trước mắt để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức từ ngày 1/1/2023 và đề nghị ưu tiên quan tâm đến 2 ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp, thu nhập thấp.

Các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật Về lương tối thiểu.

Nếu không có biện pháp này thì việc vượt thu ngân sách 202.000 tỷ đồng hay là tăng GDP bình quân đầu người từ 3.900 lên 4.075 USD cũng như các thành tích khác của năm 2022 sẽ không có nhiều ý nghĩa với người dân", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm. 

Tăng lương ngay lập tức cho nhóm thu nhập thấp; ban hành ngay Nghị quyết cải cách tiền lương - Ảnh 5.

Nghiêm trị hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường; cấp bách khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị

Nhiều vấn đề phải "có ngay" cũng được đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ như: Đẩy mạnh kiềm chế lạm phát và nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường, đồng thời kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tài sản công.

Có ngay chủ trương, chính sách khuyến khích xây và bán, trả góp, cho thuê, mua nhà ở cho người thu nhập thấp, trước mắt ưu tiên cho người lao động, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức chưa có nhà ở, qua đó bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền kinh tế và khu vực công. 

Có ngay biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị, là những vấn nạn đang gây thiệt hại lớn về người và của, cản trở cuộc sống và hoạt động hằng ngày của hàng chục triệu người dân, trong đó có một bộ phận là lao động cấp cao đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của địa phương và ngân sách quốc gia. 

Tăng lương ngay lập tức cho nhóm thu nhập thấp; ban hành ngay Nghị quyết cải cách tiền lương - Ảnh 6.

Quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước, cho dù Chính phủ không bảo lãnh các khoản nợ này.

Vừa qua, nợ tư nhân phi tài chính có số lượng rất lớn, khoảng 140% GDP, trong đó tỷ lệ không nhỏ là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành.

Nợ trái phiếu này tăng nhanh, lãi suất cao, không có bảo lãnh và không công khai nên khó kiểm soát, có tính rủi ro cao, có nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động về thị trường hay năng lực thanh toán.

Các bộ ngành trung ương tuyệt đối không thể là "trạm gác" quan liêu, vô cảm

Đặc biệt, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng "phải tăng cường kỷ luật hành chính từ cấp bộ xuống cấp xã".

Theo ông, các bộ, ngành trung ương phải là cầu nối thông suốt giữa Thủ tướng với chính quyền các tỉnh, thành phố; là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp và tuyệt đối không thể là các "trạm gác" quan liêu vô cảm, thậm chí nhũng nhiễu.

Đẩy mạnh đầu tư công phải được coi là kỷ luật hành chính, tỷ lệ giải ngân là thước đo có năng lực, bản lĩnh và đạo đức cán bộ lãnh đạo theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.

Đề nghị tăng lương ngay lập tức cho nhóm thu nhập thấp; ban hành Nghị quyết về cải cách tiền lương - Ảnh 4.

Đại biểu Trần Khánh Thu: Nhân lực y tế chưa có được chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công.

Chưa được đãi ngộ hợp lý, cán bộ y tế ồ ạt rời khỏi khu vực công

Theo đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình), bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại, nhất là trong lĩnh vực y tế.

Đại biểu chỉ ra rằng, hiện nay, nhân lực y tế chưa có được chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều bất cập; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc.

Để hoàn thành các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tiếp tục chia sẻ những khó khăn, thách thức với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục.

Trong lúc chưa thể sửa đổi các văn bản pháp luật, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp cấp bách, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ ngay.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh đang chưa được thanh toán do chưa được do vượt tổng mức thanh toán.

Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương đôn đốc giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, kiến nghị Quốc hội cho việc phân bổ ngân sách nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành y tế ổn định và phát triển.

Đề nghị tăng lương ngay lập tức cho nhóm thu nhập thấp; ban hành Nghị quyết về cải cách tiền lương - Ảnh 6.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho bệnh viện tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.

Nền y tế đang chao đảo

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Việt Nam đã đạt được 3 thành công lớn trong 9 tháng vừa qua.

Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thứ hai, kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng mạnh trong hoàn cảnh khó khăn. Thứ ba, bối cảnh thế giới nhiều biến đổi khó lường, nhưng đất nước ta vẫn giữ được ổn định với đường lối ngoại giao mềm dẻo của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", đường lối ngoại giao Cây tre, giữa những mâu thuẫn, Việt Nam không chọn phe, mà chọn lẽ phải, chọn chính nghĩa.

Tuy nhiên, đất nước vẫn còn những vấn đề đáng lo lắng, quan ngại. Trước hết, về y tế, đại biểu cho biết, nền y tế đang chao đảo, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho bệnh viện đang đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện còn rất nhiều khó khăn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho bệnh viện tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.

Đại biểu cũng cho biết, gần đây, xảy ra nhiều vụ việc thương tâm cho thấy nền tảng đạo đức, văn hóa, giáo dục của một bộ phận xã hội đang băng hoại, suy thoái. Việt Nam cần một nền giáo dục tôn sư trọng đạo, một nền văn hóa nhân văn sâu nặng tình người, một xã hội có đạo đức với nền tảng sống và làm việc tuân thủ pháp luật. Đại biểu đề nghị các Bộ, ngành có giải pháp cho các vấn đề suy thoái đạo đức này. 

Về vấn đề còn những cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, đại biểu bày tỏ tin tưởng tinh thần chống tham nhũng quyết liệt của Đảng, của Nhà nước, tuy nhiên, số lượng cán bộ công chức vi phạm vẫn là con số đáng buồn. Đại biểu đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Cần chú ý hơn việc tự rèn luyện, đào tạo của cán bộ, cần nâng cao chất lượng và tính thực chất của việc giám sát từ nhân dân đối với các cán bộ, công chức.

Đề nghị tăng lương ngay lập tức cho nhóm thu nhập thấp; ban hành Nghị quyết về cải cách tiền lương - Ảnh 7.

Đại biểu Tô Văn Tám: Nguyên nhân công chức, viên chức rời khỏi khu vực công là do tiền lương, thu nhập và môi trường làm việc.

Nguyên nhân công chức, viên chức rời khỏi khu vực công là do tiền lương, thu nhập và môi trường làm việc

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng công chức, viên chức rời khỏi khu vực công là tiền lương, thu nhập và môi trường làm việc.

Tiền lương và thu nhập trong khu vực công thường thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài, thường phản ứng chậm trước yêu cầu tăng thu nhập.

Ngoài ra, nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc không phải chỉ vì thu nhập thấp mà còn bởi áp lực của công việc quá lớn.

Trong khu vực công ngoài trách nhiệm trong công việc còn là trách nhiệm trước Nhân dân - đối tượng mà cán bộ, công chức phải phụng sự. Với yêu cầu này thì sự hài hòa giữa thu nhập và việc thực hiện vai trò là công bộc của dân là hết sức cần thiết.

Từ đó có thể thấy hiện tượng chuyển dịch này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Chính phủ đánh giá và hoàn thiện hoạt động quản trị của mình, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính. Đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục áp lực công việc.

Bổ sung và hoàn thiện cơ chế giải quyết công việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến, công bằng và minh bạch. Hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.

Đồng thời, quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế tiền lương thích hợp và linh hoạt, trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Từ 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau

Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau

Người dân góp ý

(Chinhphu.vn) - Bộ Quốc phòng trả lời cử tri kiến nghị công dân đỗ các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau.

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6-14 tuổi

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6-14 tuổi

(Chinhphu.vn) - Hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi qua Cổng dịch vụ công.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi