Công chức, viên chức nghỉ việc là thực trạng hết sức đáng lo ngại
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đặc biệt trong ngành y tế và giáo dục và đề nghị Chính phủ cần khẩn trương, quyết liệt có giải pháp cho vấn đề này.
Thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó phần lớn là cán bộ trong ngành giáo dục và y tế.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Đây là thực trạng hết sức đáng lo ngại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân bởi rất khó tìm được người thay thế vì có đặc thù riêng, ảnh hưởng đến học sinh và đến người bệnh.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vấn đề nào cũng có nguyên do xuất phát từ những khó khăn trong cuộc sống, nhất là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, giống như "giọt nước tràn ly".
Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận định đối với những người làm công tác trong ngành giáo dục hay y tế, mục tiêu đầu tiên không phải là kiếm tiền mà với lòng yêu nghề họ luôn mong muốn đóng góp cho xã hội để lo cho người bệnh và học trò.
"Tuy nhiên, công bằng đánh giá có thể thấy chế độ đãi ngộ cho cán bộ của ngành y tế và giáo dục chưa xứng đáng", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ.
Cán bộ mới ra trường, tiền lương mỗi tháng trên dưới 3 triệu đồng, các bạn ấy sống kiểu gì?
Là người công tác trong ngành y tế nhiều năm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ: "Mỗi tháng ký bảng lương cho nhân viên tôi thấy rất đau lòng! Cán bộ mới ra trường chỉ nhận được tiền lương mỗi tháng trên dưới 3 triệu đồng. Các bạn trẻ sống kiểu gì?".
Lý giải câu hỏi tại sao nhân viên y tế nghỉ việc, đại biểu đã lý giải câu hỏi tại sao nhân viên y tế nghỉ việc, đại biểu cho biết, học để trở thành bác sỹ mất 6 năm nhưng chỉ nhận được bằng tốt nghiệp đại học.
Còn muốn hành nghề trong bệnh viện phải trải qua rất nhiều bậc học, khóa học như nội trú chuyên khoa và trài qua thời gian thực tập mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Thế nhưng bảng lương cho nhân viên y tế không khác so với công chức, viên chức khối hành chính.
Đại biểu cho rằng, ai cũng có gia đình, nhiều việc cần lo toan, nhưng với mức lương như vậy làm sao có thể nuôi sống được bản thân.
Đợt dịch COVID-19 vừa qua càng làm cho đời sống cán bộ ngành y thêm khó khăn, đặc biệt đối với các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính.
Bên cạnh đó, môi trường để cán bộ ngành y làm việc không đủ, máy móc, trang thiết bị thiếu thốn, khiến những kiến thức đã được đào tạo để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân không được sử dụng, cũng tạo thêm áp lực cho cán bộ trong ngành.
Trong khi đó, nhiều cán bộ ngành y có tay nghề, có kinh nghiệm được cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng mời về hợp tác với mức lương cao hơn và môi trường phát triển nghề nghiệp tốt hơn.
Khi chưa cải cách được tiền lương cần ưu tiên tăng lương cho những người thu nhập quá thấp
Có ý kiến cho rằng nếu cán bộ y tế nghỉ việc ở cơ sở công lập để làm việc tại cơ sở y tế tư nhân cũng là phục vụ cho xã hội, tuy nhiên theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, việc cán bộ y tế nghỉ việc sẽ thiệt thòi cho đại đa số những người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người nghèo, người yếu.
Đại biểu lo ngại, nếu chúng ta không khẩn trương, không có giải pháp quyết liệt hệ thống y tế có khả năng sụp đổ.
Đại biểu cho rằng chúng ta cũng cần thông cảm, chia sẻ trong điều kiện nguồn thu ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng đề nghị trong thời điểm chưa tiến hành cải cách tiền lương cần ưu tiên tăng lương những người có mức lương quá thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống, nhất là trong ngành giáo dục và y tế để giữ chân người lao động./.