Nhiều hạn chế, thiếu sót tại các đơn vị được thanh tra
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố công khai kết luận thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Sở GDĐT Hòa Bình.
Theo Thanh tra Bộ GDĐT, dù Sở GDĐT Hòa Bình đã ban hành các văn bản triển khai, tổ chức, hướng dẫn thực hiện đối với các phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục trực thuộc việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng việc thực hiện quy định về lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa và biên soạn, phát hành, sử dụng tài liệu giáo dục địa phương, nhưng qua thanh tra vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót.
Năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thiếu 769 giáo viên, thừa 36 giáo viên mầm non, 14 giáo viên THCS; có 2 huyện, TP không thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2023-2024, thừa 37 giáo viên mầm non; có 4 huyện, TP chưa thực hiện việc mua sắm, trong đó 2 đơn vị không được giao dự toán là huyện Kim Bôi và TP Hòa Bình.
Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình chưa kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chế độ kinh phí cho hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tiểu học; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh; ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực GDĐT…
Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình có ban hành kế hoạch riêng về kiểm tra công tác quản lý tài chính, thu, chi các nguồn kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp, nhưng kế hoạch kiểm tra của các phòng chuyên môn thuộc Sở trong các năm học chưa tập trung vào vấn đề nóng được xã hội quan tâm (vấn đề thu chi trong nhà trường, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018...).
Phòng GDĐT TP Hòa Bình, đến thời điểm thanh tra chưa mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 7, 8 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; thiếu giáo viên và thiết bị dạy học môn Tin học tại các trường học (số máy tính tại phòng Tin học còn ít)…
Phòng GDĐT huyện Yên Thủy năm học 2022-2023, 2023-2024 còn thừa 14 giáo viên THCS, thiếu 3 giáo viên tiểu học, thiếu 25 nhân viên.
Năm học 2022-2023 không ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đối với các khoản thu, chi ngoài ngân sách đối với các cơ sở giáo dục… Chưa cập nhật văn bản mới về thanh tra, kiểm tra.
Trường THPT Lạc Long Quân thời điểm thanh tra, đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ; chưa được cấp, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018, không có phòng học bộ môn (trừ phòng Tin học).
Trường Lạc Long Quân cũng thiếu thiết bị dạy học phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đặc biệt là các thiết bị, hóa chất phục vụ cho dạy học môn Khoa học tự nhiên; chưa có kế hoạch thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2020-2025…
Trường THPT Yên Thủy B năm học 2022-2023, 2023 - 2024 không có giáo viên dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc; thiếu nhân viên văn thư, kế toán; còn thiếu và chưa mua sắm thiết bị dạy học các môn Vật lý, Công nghệ, Sinh học, Lịch sử lớp 10, lớp 11… Đến thời điểm thanh tra chưa tổ chức kiểm tra nội bộ theo kế hoạch đề ra.
Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ trình Sở GDĐT phê duyệt kế hoạch vận động, tài trợ của các trường trực thuộc chưa có dự toán chi tiết đối với một số nội dung vận động tài trợ để làm căn cứ, cơ sở phê duyệt mức vận động, tài trợ.
Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) tại thời điểm thanh tra không nắm được thông tin mức thu của hội cha mẹ học sinh các lớp thu đối với mỗi học sinh.
Trường Tiểu học Hữu Nghị (TP Hòa Bình) không hạch toán kế toán các khoản thu do trường thu vào hệ thống sổ kế toán chung của nhà trường; chưa thực hiện công khai về các khoản thu vi phạm quy định.
Trường Mầm non Phương Lâm (TP Hòa Bình) không có văn bản thống nhất ý kiến của toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường về việc sử dụng kinh phí; không có báo cáo quyết toán thu - chi kinh phí Ban đại diện cha mẹ học sinh trường cuối năm học.
Trường THCS Yên Trị (huyện Yên Thủy) năm học 2023-2024 không có văn bản phê duyệt các khoản thu và định mức thu của phòng GDĐT; các nội dung thu của trường chưa có phê duyệt của phòng GDĐT.
Có xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ, tuy nhiên biện pháp tổ chức thực hiện trong kế hoạch chưa rõ. Đến thời điểm thanh tra chưa tiến hành kiểm tra theo kế hoạch đề ra.
Trường TH Đa Phúc (huyện Yên Thủy) năm học 2022-2023 và 2023-2024 không hạch toán kế toán các khoản thu do trường thu vào hệ thống sổ kế toán chung của nhà trường; các khoản thu không có trong Nghị quyết số 164 và Hướng dẫn số 2242 vi phạm quy định.
Đối với việc thực hiện quy định về lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa và biên soạn, phát hành, sử dụng tài liệu giáo dục địa phương, theo Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, phiếu đánh giá lựa chọn sách giáo khoa lớp 7 môn Lịch sử, Địa lí với biên bản tổng hợp kết quả của các tổ chuyên môn tại Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Hòa Bình không trùng khớp.
Việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế, tỷ lệ giáo viên chưa bảo đảm theo quy định thiếu giáo viên tiểu học, giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Thể dục theo quy định.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục, nhất là thiết bị phục vụ dạy học môn Tiếng Anh và Tin học.
Thiết bị dạy học tối thiểu chưa được cung cấp cho việc tổ chức dạy học lớp 4 theo Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT.
Thanh tra yêu cầu tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý vi phạm (nếu có)
Theo Thanh tra Bộ GDĐT, trách nhiệm dẫn đến hạn chế, thiếu sót trên thuộc về Giám đốc Sở, Phó Giám đốc phụ trách, các phòng liên quan thuộc Sở; trưởng các phòng giáo dục và hiệu trưởng các trường được thanh tra.
Với những hạn chế, thiếu sót trên, Thanh tra Bộ GDĐT kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện rà soát, tăng cường, bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng theo thẩm quyền để có đủ giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy học các môn học, nhất là giáo viên dạy học các môn Tin học, môn Tiếng Anh bảo đảm 100%...
Đối với Sở GDĐT Hòa Bình, tham mưu HĐND, UBND ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý cho việc bảo đảm cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học và kinh phí cho việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên thông qua tập huấn, kiểm tra và hỗ trợ về chuyên môn, tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên đề nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.
Tiếp tục thực hiện rà soát, tham mưu các cấp chính quyền tăng cường, bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Chỉ đạo các phòng GDĐT, hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát lại hồ sơ đề xuất lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm theo đúng quy định tại Thông tư số 25.
Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về việc tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục để kịp thời phát hiện những khó khăn, thiếu sót để có phương án chỉ đạo, xử lý kịp thời theo thẩm quyền…
Thường xuyên hướng dẫn kiểm tra chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm về công tác quản lý sử dụng các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý.