Tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 8%, vượt mục tiêu là 6-6,5%
Báo cáo của Chính phủ về kết quả KTXH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho biết, năm 2022, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%.
Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6-6,5%). Tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,99%, công nghiệp và xây dựng đạt 9,44%, dịch vụ đạt 10,57%; khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Thu NSNN 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD. Năng lượng đáp ứng đủ cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Lương thực, thực phẩm được bảo đảm, trong 9 tháng xuất khẩu trên 5,4 triệu tấn gạo, xuất khẩu nông sản đạt 40,8 tỷ USD. Thị trường lao động phục hồi nhanh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 12,5%; vốn FDI thực hiện đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3%.
Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, trong 9 tháng có hơn 163 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và giao kế hoạch vốn chi tiết 03 Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92 nghìn tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia; cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km.
Phấn đấu trong tháng 12/2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực.
Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được đặc biệt quan tâm chỉ đạo; chủ động, tích cực xây dựng, trình Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh, cơ bản bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Công tác xây dựng quy hoạch được chú trọng thúc đẩy; đã lập, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, một số quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương.
Việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả.
Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.
Từng bước hoàn thiện hệ thống dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, tiết giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Công tác phát triển văn hóa được quan tâm, chú trọng hơn; tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai tích cực Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Nhận thức về vai trò của văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy; các sản phẩm văn hoá ngày càng đa dạng, phong phú…
Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh; giảm nghèo bền vững được chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo ước giảm khoảng 1%, riêng các huyện nghèo giảm 4 - 5%; đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện.
Đã tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Các chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới được quan tâm chỉ đạo sát sao.
Tổ chức thành công SEA Games 31, tham dự và đạt thành tích cao tại nhiều sự kiện thể thao lớn ở khu vực và thế giới.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; nhờ đó đã kiểm soát tốt dịch trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp so với trung bình chung của thế giới. Đồng thời, chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh khác, không để "dịch chồng dịch" và bảo đảm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Kịp thời nghiên cứu, điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và khai giảng năm học mới 2022 - 2023; nhiều học sinh Việt Nam đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế và có 06 trường đại học trong bảng xếp hạng đại học thế giới. Công tác dạy nghề được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được chú trọng; thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) có bước phát triển; chất lượng nguồn nhân lực KHCN được nâng lên; nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới vinh danh.
Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cùng xu hướng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được hình thành và bước đầu phát triển.
Các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện. Các nguồn lực đất đai, tài nguyên được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.
Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng, nhất là chuyển đổi năng lượng xanh, tăng trưởng xanh.
Công tác phòng chống thiên tai được chỉ đạo sát sao; chủ động ứng phó, kịp thời khắc phục hậu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra, nhất là các cơn bão số 04, số 05 vừa qua.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân.
Thông tin, truyền thông có nhiều đổi mới; đấu tranh ngăn chặn, phản bác kịp thời thông tin giả, xấu, độc...
Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tăng cường, góp phần củng cố, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của nước ta và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.
Năm 2023 phấn đấu GDP tăng khoảng 6,5%
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh.
Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu: Có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...
Mười hai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ ba, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ tư, tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Thứ sáu, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác quy hoạch.
Thứ bẩy, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp.
Thứ tám, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Thứ chín, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ mười, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thứ mười một, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ mười hai, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội./.