Đề nghị xây dựng chế độ tiền lương tương xứng với cán bộ, công chức; trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc

15/05/2025 11:52

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu, xem xét có chính sách, chế độ lương và ưu đãi tương xứng với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao cho cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu của tổ chức Đảng, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia cao cấp, công chức xuất sắc ở Trung ương và địa phương tương đương, không thấp hơn khu vực tư để giữ chân nhân tài và là động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Đề nghị xây dựng chế độ tiền lương tương xứng với cán bộ, công chức; trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận.

Thu hút, giữ chân người tài: Không chỉ là vấn đề tiền lương

Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về chính sách tiền lương, cơ chế, chính sách thu hút trọng dụng nhân tài. 

Về chính sách trọng dụng nhân tài, dự thảo quy định: "Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ".

Nhấn mạnh vào "chính sách đặc biệt", ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, cần nhìn nhận rõ, tài năng trong hoạt động công vụ là dạng tài năng rất đặc thù. Không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức, mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.

“Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp, đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công. 

Muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương. Điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng”, đại biểu nhấn mạnh.

Trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài 

Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quy định rõ một số cơ chế then chốt liên quan đến phát hiện và trọng dụng nhân tài. Cụ thể, thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ, chứ không chỉ dựa vào hình thức, quy trình. 

Cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới. Trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài đồng thời phải đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá khách quan.

“Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ, thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hoặc sự đãi ngộ không thực sự đúng đối tượng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thẳng thắn.

Đề nghị xây dựng chế độ tiền lương tương xứng với cán bộ, công chức; trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận.

Xem xét có chính sách, chế độ tiền lương, ưu đãi tương xứng với cán bộ, công chức

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị, khái niệm “người có tài năng” cần được bổ sung vào phần giải thích từ ngữ đối với từng ngành, từng lĩnh vực và có quy định tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, không chỉ dựa trên bằng cấp mà dựa trên sản phẩm cụ thể.

Đồng thời, tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật cần bổ sung, sửa đổi như sau: “Nhà nước có chính sách đặc biệt trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và có chính sách đặc biệt cho các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên sâu cho nền công vụ quốc gia”.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định cụ thể phần trăm chi ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Ví dụ Singapore dành 4% ngân sách hàng năm cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. 

Nghiên cứu, xem xét có chính sách, chế độ lương và ưu đãi tương xứng với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao cho cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu của tổ chức Đảng, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia cao cấp, công chức xuất sắc ở Trung ương và địa phương tương đương, không thấp hơn khu vực tư để giữ chân nhân tài và là động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Tiền lương thấp, không thể thu hút được người có tài năng

Khoản 3, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Căn cứ vào quy định của Chính phủ và định hướng phát triển ngành, lĩnh vực chiến lược, trọng tâm của quốc gia, địa phương, người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan trung ương hoặc HĐND cấp tỉnh xác định những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong từng giai đoạn và chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phù hợp với khả năng ngân sách và thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp".

Cho rằng quy định nêu trên khó khả thi, nhất là trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) nêu thực tế, với hệ số lương 2,34 tương ứng với khoảng 6,8 triệu đồng/tháng cho cán bộ, công chức mới vào làm việc (bao gồm cả 25% tiền công vụ, chưa tính các loại bảo hiểm phải chi trả) thì chưa đủ trang trải chi phí cho cuộc sống tối thiểu; chưa kể có thêm vợ hoặc chồng, con, đặc biệt là sống ở các thành phố lớn thì càng khó khăn. Như vậy, không thể thu hút được người tài năng vào làm việc và cống hiến.

Đề nghị xây dựng chế độ tiền lương tương xứng với cán bộ, công chức; trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc- Ảnh 3.

ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu tại phiên thảo luận.

Xây dựng chế độ tiền lương gắn với vị trí việc làm, hiệu quả công việc

Theo đại biểu, so sánh với mức thu nhập thực tế ở tập đoàn tư nhân và tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp khởi nghiệp thì mức thu nhập ở khu vực công chênh lệch từ 3 - 10 lần, khiến người tài năng dễ dàng lựa chọn làm việc ở khu vực ngoài nhà nước. 

Đại biểu nhấn mạnh, “hệ số lương 2,34 không chỉ là con số mà là biểu hiện cho cơ chế đãi ngộ đã lỗi thời qua 21 năm triển khai thực hiện, thiếu linh hoạt và không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay”.

Chúng ta đã có Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, với định hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và năng lực thực hiện nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra, đến nay việc triển khai thực hiện còn chậm do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là khó khăn về nguồn lực ở các cấp, các ngành. 

Nếu không sớm áp dụng hệ thống tiền lương mới sẽ khó tạo môi trường lành mạnh, cạnh tranh minh bạch, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của bộ máy công vụ.

Đại biểu đề nghị, Quốc hội sớm giám sát chặt chẽ tiến trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, bảo đảm triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để từng bước xây dựng chế độ tiền lương gắn với vị trí việc làm, hiệu quả công việc và năng lực cá nhân.

Đồng thời, cần cải cách tiền lương, chế độ tiền lương phù hợp với bối cảnh hiện nay, song song với việc đổi mới cơ chế tuyển dụng, trọng dụng và phát triển nhân tài trong khu vực công. 

Đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng lấy hiệu quả và sản phẩm công việc là tiêu chí chính. Tạo môi trường làm việc thực sự năng động, minh bạch, đề cao sáng tạo và tinh thần trách nhiệm.

“Người tài năng cần có chế độ, chính sách đãi ngộ riêng, không bị bó buộc bởi quy trình hành chính thông thường, có thể ưu tiên bố trí nhà công vụ, hỗ trợ thuê nhà, có chính sách học bổng cho con em cán bộ có trình độ cao. 

Mạnh dạn trong tuyển sinh, lựa chọn sinh viên xuất sắc từ sớm và đào tạo có định hướng, sử dụng với lộ trình phát triển cá nhân rõ ràng cho đội ngũ kế thừa”, đại biểu đề xuất.

Đề nghị xây dựng chế độ tiền lương tương xứng với cán bộ, công chức; trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề được ĐBQH nêu đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Một quốc gia phát triển là quốc gia biết trân trọng, phát huy giá trị của người tài, chính sách đúng không chỉ đơn thuần là đãi ngộ cao mà cần tạo ra hệ thống công vụ minh bạch, chuyên nghiệp, trao quyền, tạo niềm tin và động lực cho sự cống hiến. 

Nhấn mạnh quan điểm này, đại biểu tin tưởng, với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng trí thức, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng nền hành chính công vụ tinh, gọn, hiệu quả và là điểm đến hấp dẫn của nhiều người tài trong thời gian tới.

Nhấn mạnh một điểm mới của dự thảo Luật là đã luật hóa nguyên tắc coi người có tài là chủ thể đặc biệt trong thiết lập nền công vụ trọng giá trị và đổi mới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chúng ta đã có giải pháp về nhân sự, lựa chọn chiến lược về quản trị quốc gia trong thời đại cạnh tranh bằng tri thức, trí tuệ và số hóa.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng nêu rõ, "sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm về cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. 

Thực hiện quy định rõ ràng hơn về tiêu chí, cơ chế, chính sách đặc biệt cho người tài; tạo môi trường công vụ, văn hóa cho người tài cống hiến…; và sẽ cụ thể hóa bằng Nghị định của Chính phủ”.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
TOÀN VĂN: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

TOÀN VĂN: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp dân tộc

(Chinhphu.vn) - Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết này.

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Theo quy định của Bộ GDĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6.

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2025

LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ Lễ Quốc khánh 2025 kéo dài 4 ngày.

TOÀN VĂN: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

TOÀN VĂN: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi