
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp
Tăng lương tối thiểu phải phù hợp với chi phí sinh hoạt
Tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội; cơ bản thống nhất với các nội dung trong hai Báo cáo này.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cải cách tiền lương là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị.
“Chúng ta xây dựng hệ thống lương trên cơ sở minh bạch và công bằng. Bởi vậy, mất nhiều thời gian để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024". Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị quan tâm tăng lương tối thiểu cần phải phù hợp với chi phí sinh hoạt; đồng thời cần khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để thưởng, để tăng thúc đẩy việc làm.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thời gian tới cần tính đến việc giảm phụ thuộc vào phụ cấp; đảm bảo tăng quyền lợi của người lao động trong đơn vị Nhà nước, trong các doanh nghiệp sao cho hài hòa, hợp lý; đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia.
Lưu ý về nguồn lực tài chính trong Báo cáo của Chính phủ về thực hiện cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, phải gắn cải cách tiền lương với cải cách tài chính công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Vì vậy, cần triển khai từng bước thí điểm ở một số ngành hoặc khu vực khi áp dụng rộng rãi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp
Đợt tăng lương năm 2024 là một thành tựu rất đáng ghi nhận
Đồng tình với ý kiến nêu trên và cơ bản thống nhất Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng trình Quốc hội. Quốc hội đã rất khẩn trương ban hành những cơ chế, chính sách được Chính phủ triển khai thực hiện toàn diện trên cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trong điều kiện đất nước ta còn nhiều khó khăn, đợt tăng lương, điều chỉnh lương năm 2024 vừa qua là một thành tựu rất đáng ghi nhận và được cán bộ, đảng viên, nhân dân và những người hưởng lương, kể cả đối tượng chính sách lương hưu đánh giá rất cao. Báo cáo của Chính phủ cơ bản đã thể hiện được nội dung này.
“Tuy nhiên, để thấy rõ đây là thành tựu, là sự cố gắng, quan tâm của Đảng, Nhà nước và được đội ngũ những người hưởng lương rất ủng hộ, rất hoan nghênh. Qua tiếp xúc cử tri ở các địa phương, nhân dân và cử tri cũng đánh giá rất cao. Do đó, cần làm đậm thêm về thành tựu này”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng góp ý về một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Các ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương để triển khai triệt để định hướng tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội, trong đó lưu ý việc thực hiện tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm một cách thực chất, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận Phiên họp
Dự báo những khó khăn, thách thức trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ đã cụ thể hóa và tích cực triển khai các nội dung về cải cách chính sách tiền lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp người có công và trợ cấp xã hội theo Nghị quyết 142 của Quốc hội.
“Trong 4 lần điều chỉnh lương đối với khu vực công từ khi có Nghị quyết 27 đến nay, đây là lần điều chỉnh có mức tăng cao nhất và thực hiện tăng đồng bộ cho tất cả các đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách, mang lại sự phấn khởi trong nhân dân, cán bộ, đảng viên về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, quá trình triển khai gần 1 năm đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Trung ương và Quốc hội, nhất là trong bối cảnh tập trung cao độ cho việc ưu tiên thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, phải rà soát, sửa đổi, bổ sung số lượng rất lớn các văn bản pháp luật, tạo lập khung khổ pháp lý để thể chế hóa kịp thời các nghị quyết của Trung ương.
Trong bối cảnh đó, khó tránh khỏi một số hạn chế, bất cập như đã nhận định trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội.

Các đại biểu tham dự Phiên họp
Trên cơ sở phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung này sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Đây là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.
Để bảo đảm đầy đủ thông tin báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các cơ quan tham gia thẩm tra để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo, trong đó có lưu ý một số nội dung sau đây:
Một là, rà soát, cập nhật thông tin, số liệu để đảm bảo tính chính xác và thống nhất.
Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung những kết quả, những bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, làm rõ nguyên nhân và có những đề xuất, kiến nghị, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ba là, dự báo những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bốn là, giao Ủy ban Văn hóa và Xã hội hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra chính thức để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.