CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Chương III dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ vị trí, vai trò của bản đồ địa chính trong quản lý đất đai

13:11 - 14/08/2022

(Chinhphu.vn) - Nội dung Chương III Luật Đất đai sửa đổi đã hoàn thiện các quy định bổ sung làm rõ vị trí, vai trò của bản đồ địa chính trong quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai tại Điều 32 của dự thảo Luật.

Chương III dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ vị trí, vai trò của bản đồ địa chính trong quản lý đất đai - Ảnh 1.

Bản đồ địa chính là cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Chương III: Bản đồ địa chính là cơ sở để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

Tại Chương III Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai, dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường.

Chương III Luật Đất đai năm 2013 quy định lập, chỉnh lý bản đồ địa chính:

+ Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính được thực hiện chi tiết đến từng thửa đất theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

+ Việc chỉnh lý bản đồ địa chính được thực hiện khi có sự thay đổi về hình dạng kích thước diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính.

+ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, chỉnh lý và quản lý bản đồ địa chính trong phạm vi cả nước; điều kiện hành nghề đo đạc địa chính.

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc lập, chỉnh lý và quản lý bản đồ địa chính ở địa phương.

Còn tại Chương III dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, quy định bản đồ địa chính:

+ Bản đồ địa chính là cơ sở để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính được thực hiện chi tiết đến từng thửa đất theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

+ Bản đồ địa chính phải được chỉnh lý khi có sự thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính và đồng thời được cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai.

+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc lập, chỉnh lý và quản lý bản đồ địa chính ở địa phương và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

+ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, chỉnh lý, quản lý bản đồ địa chính.

Như vậy, nội dung Chương III đã hoàn thiện các quy định bổ sung làm rõ vị trí, vai trò của bản đồ địa chính trong quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai tại Điều 32 của dự thảo Luật.

Chương III: Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp định kỳ 5 năm một lần

Tại Chương III, Khoản 1 Điều 33 Điều tra, quan trắc, đánh giá đất đai bổ sung quy định điều tra, đánh giá ô nhiễm đất.

Dự thảo Luật cũng bổ sung các khoản 2, 3, 4 Điều 33. Cụ thể, quan trắc, giám sát tài nguyên đất gồm: Quan trắc ô nhiễm đất; quan trắc sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Hoạt động điều tra, quan trắc, đánh giá đất đai: Thu thập thông tin, tài liệu; khảo sát, điều tra, lấy mẫu tại thực địa; tổng hợp xử lý phân tích thông tin, tài liệu và kết quả điều tra thực địa; xây dựng bản đồ và báo cáo theo chuyên đề.

Định kỳ điều tra, quan trắc, đánh giá đất đai:

+ Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai (chất lượng đất; thoái hóa đất; ô nhiễm đất; phân hạng đất nông nghiệp; tiềm năng đất đai) thực hiện theo định kỳ 05 năm một lần.

+ Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề thực hiện theo yêu cầu đột xuất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai,

+ Hoạt động quan trắc ô nhiễm đất; quan trắc sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển được thực hiện hàng năm hoặc đột xuất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.

Dự thảo Luật bổ sung quy định về xử lý cải tạo, nâng cao chất lượng, phục hồi đất đai tại Điều 35 nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phục hồi chất lượng đất.