Nghiên cứu, tham vấn một loạt nội dung về đất đai
Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã liên tiếp tổ chức các cuộc họp với những nhóm chuyên môn, tham khảo các chuyên gia để nhanh chóng hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) kịp với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng như đáp ứng với tình hình phát triển thực tiễn của xã hội.
Để xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ban hành Quyết định số 1257/QĐ-BTNMT về Kế hoạch xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong các cuộc họp, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thảo luận và chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thiện nội dung dự thảo Luật theo nội dung được phân công. Trong đó có các nội dung cần phải nghiên cứu, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham gia trong quá trình soạn thảo về: Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Bên cạnh đó, tập trung vào nội dung: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.
Nguồn lực đất đai phải được quản lý, khai thác sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất
Trên cơ sở các ý kiến xây dựng của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các nội dung nêu trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bám sát Nghị quyết số 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hướng tới mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Nguồn lực đất đai phải được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.
Đối với nội dung chính sách mới, phức tạp mà trong quá trình soạn thảo còn có ý kiến khác nhau, nhạy cảm thì phải báo cáo Bộ trưởng trước khi đề xuất trong dự thảo luật.
Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi hoàn thiện sẽ được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến góp ý của nhân dân.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tổ chức các buổi làm việc, hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đoàn Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).