Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 2 ngày làm việc sôi nổi, đã có 85 đại biểu phát biểu, 8 ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận, 40 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng chưa có thời gian phát biểu, 10 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ đã tham gia phát biểu, giải trình làm rõ nhiều vấn đề được cử tri, của các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhìn chung, không khí thảo luận, xây dựng, thẳng thắn, trách nhiệm và khách quan.
Các ý kiến phong phú, toàn diện, hiểu biết sâu sắc và thể hiện tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự sâu sắc, cố gắng, quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các ngành, các cấp.
Các đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận đóng góp to lớn của cộng đồng Kiều bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế góp phần kiểm soát dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2022.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện; chính sách xã hội, quốc phòng, an ninh được tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Đây là tiền đề và điều kiện để xây dựng và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung nêu trong Báo cáo của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và việc tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời các đại biểu Quốc hội chia sẻ, nêu nhiều khó khăn, thách thức rất lớn từ bên ngoài và tác động vào nước ta năm 2023 và đề nghị phân tích cụ thể có giải pháp ứng phó để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cân đối thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các cân đối lớn trong điều kiện bất định; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra.
Các đại biểu đề nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân, phục vụ sản xuất… và các giải pháp để triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phòng chống dịch, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các Bộ trưởng đã tham gia, tập trung phát biểu về một số vấn đề nổi lên thuộc các ngành, các lĩnh vực phụ trách.
Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên chưa thể trả lời đầy đủ các vấn đề mà đại biểu đã nêu, đề nghị Chính phủ, các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành ghi nhận để tiếp tục trả lời, giải trình tại phiên chất vấn của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ và đưa vào các nội dung quan trọng về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước vào Nghị quyết của Quốc hội; đưa nội dung tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh vào Nghị quyết chung của kỳ họp gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.