PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ điều này tại tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn", do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 14/11.
Vướng cơ chế, máy móc đắp chiếu, tự chủ bệnh viện rất khó khăn
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ: Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 2 bện viện thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về tự chủ bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai và rất nhiều bệnh viện thực tế đang thực hiện tự chủ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây mức độ tự chủ, chi thường xuyên khác nhau, chưa có bệnh viện nào tự chủ toàn diện cả.
Năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là 2 trong 4 bệnh viện được Chính phủ chỉ định thí điểm tự chủ toàn diện.
Về tình hình tự chủ toàn diện thời gian qua, thứ nhất, Bệnh viện Bạch Mai bắt tay tự chủ toàn diện trong điều kiện hết sức khó khăn. Trước hết là vướng vào dịch bệnh như tất cả các bệnh viện khác phải trả qua.
Thứ hai, câu chuyện của Bạch Mai đặc biệt hơn. 15 năm qua, bệnh viện thực hiện tự chủ theo Nghị định 43 của Chính phủ, tức là tự chủ chi thường xuyên.
Tuy nhiên, hầu hết thiết bị y tế trong Bệnh viện Bạch Mai thực hiện theo đề án liên doanh liên kết.
Năm 2019, Bệnh viện được thanh tra, kiểm tra toàn diện, phát hiện thiếu sót, sai phạm tới công tác liên doanh liên kết tại Bệnh viện.
Điều này ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng bởi khi Bạch Mai bắt tay vào tự chủ thì với toàn bộ thiết bị y tế của bệnh viện, thứ nhất là những đề án đã hết hợp đồng thì được dừng lại, thứ hai là các đề án còn hợp đồng thì vướng vào các thủ tục pháp lý, vướng vào sai phạm.
Có 11/27 đề án được Thanh tra Chính phủ kiểm tra thì có sai phạm và đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.
Đây là vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, khi thực hiện thì các văn bản pháp quy của việc xã hội hóa, liên doanh liên kết chưa chuẩn. Do vậy 11/27 đề án vướng, dẫn đến các thiết bị y tế trong Bệnh viện Bạch Mai thiếu trầm trọng.
Nhưng 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ chính thức là 2020, 2021 không bộc lộ ra việc thiếu này do số lượng bệnh nhân trong hai năm này giảm rất nhiều vì dịch nên rất ít người bệnh đến khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, bắt đầu đến quý II/2022 khi dịch bệnh được kiểm soát thì số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến, lúc đó bộc lộ tình trạng thiếu trang thiết bị rất nhiều, ví dụ như toàn bộ hệ thống thiết bị siêu âm, nội soi...
Tại Bệnh viện Bạch Mai, có thể nói dù không phải bệnh viện chuyên khoa ung thư nhưng từ năm 2019 trở về trước là một trong số những bệnh viện sớm có thiết bị đồng bộ cho chẩn đoán ung thư.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, toàn bộ thiết bị này là "số 0 tròn trĩnh".
Tức là toàn bộ thiết bị như cộng hưởng từ, máy xạ trị gia tốc, máy phẫu xạ hiện tại có những cái đã hết hợp đồng, có những cái vướng vào thủ tục pháp lý.
Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai đang rất vướng. Cả hệ thống thiết bị y tế phục vụ phẫu thuật như robot Rosa, kính hiển vi phẫu thuật, hệ thống phẫu thuật nội soi hoặc không hoạt động hoặc hết hợp đồng liên doanh liên kết, phải đắp chiếu.
Nguyên nhân do cơ chế ký kết các hợp đồng liên doanh liên kết còn lỏng lẻo, văn bản pháp quy chưa rõ ràng, nên khi được các cơ quan kiểm tra thì có những sai phạm. Do vậy không có nhà đầu tư nào tiếp tục ký kết hợp đồng.
Vậy Bệnh viện có ngân sách để mua không? Bệnh viện hết sức khó khăn trong ngân sách để mua.
Hơn 2 năm qua khi thực hiện thí điểm tự chủ và ảnh hưởng của dịch bệnh, toàn bộ nguồn ngân sách của bệnh viện hiện tại rơi vào tình trạng thiếu, vô cùng khó khăn. Những mục như chi thường xuyên, chi lương thưởng cho cán bộ, nhân viên không đủ.
Cán bộ đi làm từ 3-4 giờ sáng, bệnh viện không đủ tiền chi lương thưởng
Do thiếu thốn trang thiết bị, Bệnh viện phải bố trí lại ca kíp làm việc. Số bệnh nhân ngoại trú tăng lên đột biến 6.000 đến 8.000 người đến khám, có ngày 10.000 người đến khám nên Bệnh viện phải bố trí lại ca kíp.
Cán bộ y tế ở nơi xa phải ra khỏi nhà lúc 3-4h sáng, 5h sáng phải đến Bệnh viện. Các máy chiếu chụp tập trung ngoại trú ca sáng, nội trú ca chiều, để đảm bảo không từ chối bệnh nhân nào. Đấy là giải pháp Bệnh viện ứng phó trước tình trạng thiếu thiết bị.
Khó nhất bây giờ là nguồn tài chính chênh lệch thu chi để duy trì hoạt động của Bệnh viện là rất thấp do Bệnh viện mặc dù thí điểm tự chủ toàn diện nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế Bệnh viện thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế.
Mặc dù được tự chủ toàn diện nhưng Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ được tự chủ về giá. Hoàn toàn thực hiện theo quy định pháp quy, bởi bệnh viện xác định mình là bệnh viện công lập, tuyến cuối với nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận người bệnh tuyến cuối từ tất cả các tỉnh phía bắc chuyển về, các bệnh viện ở Hà Nội chuyển đến.
Trên 90% bệnh nhân là người hưởng BHYT, trong số này có nhiều người nghèo, người có công, người vùng sâu vùng xa. Cho nên, bệnh viện không thu thêm bất cứ nguồn thu nào, giá thu đúng bằng giá bảo hiểm y tế, thực hiện nghiêm túc văn bản pháp quy hiện tại của Chính phủ, Bộ Y tế.
Chênh lệch thu chi không có, bởi giá BHYT chúng ta xây dựng cũng khá lâu rồi, chỉ thu 1 phần viện phí, tức là chỉ thu 4/7 yếu tố cấu thành viện phí. Bệnh viện mặc dù đông bệnh nhân nhưng tất cả các khoản phải chi tất, từ chi cho con người, chi đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, duy trì bảo dưỡng. Thu không đủ để chi.
Đãi ngộ không xứng đáng, nhiều cán bộ ưu tú, chuyên môn giỏi thôi việc
"Chúng tôi rất buồn khi có người ưu tú chuyên môn nghiệp vụ tốt, tay nghề cao đã rèn luyện ở bệnh viện 5-10 năm được các bệnh viện tư nhân mời sang làm việc.
Trong năm 2020-2021, số lượng khoảng 200 cán bộ. Từ tháng 1/2022 đến nay, có 110 cán bộ giỏi, kể cả khối hậu cần, kế toán chuyển đi do chi trả, đãi ngộ không xứng đáng.
Mỗi cán bộ thôi việc, từ chính quyền, công đoàn, lãnh đạo khoa giữ lại, nhưng cũng chỉ được 1-2 tháng. Họ nói Giám đốc chưa lo được cho đời sống của anh em", PGS.TS Đào Xuân Cơ giãi bày.
Ông cho biết, có cán bộ chuyển đi vì thu nhập, nhưng cũng có những cán bộ cần các thiết bị y tế để làm việc. Họ thôi việc vì không có thiết bị để làm việc. Ví dụ như Trung tâm Ung bướu trước đây có rất nhiều anh em, giờ nhiều người nói là không có thiết bị thì không làm được nữa. Mà đầu tư cho Trung tâm ung thư là rất lớn, hàng trăm nghìn tỷ. Đấy là những bài toán khó.
Một cái khó nữa là Bệnh viện đã trải qua 2 cuộc chiến tranh, các tòa nhà đã hơn 100 tuổi, đã xuống cấp rất nhiều, không thể duy tu bảo dưỡng đơn thuần, phải xây mới, hết nhiều nghìn tỷ. Chúng tôi rất mơ có nguồn tài chính xây mới để phục vụ người dân tốt nhất. Tuy nhiên, nguồn tài chính không có.
Quay lại cơ chế, khó là khó ở cơ chế. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế rằng chúng tôi cần cơ chế hoạt động làm sao công khai, minh bạch để thực hiện nhiệm vụ chính trị với 3 nhiệm vụ: Tiếp nhận những bệnh nhân nặng từ các tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu và ứng dụng đề tài khoa học, cập nhật kỹ thuật mới hiện đại trước khi chuyển giao cho tuyến sau. Chúng tôi cần cơ chế chính sách phù hợp./.