CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Bệnh viện K chỉ còn 5 máy xạ trị, bệnh nhân phải thức cả đêm để chạy xạ

08:23 - 15/11/2022

(Chinhphu.vn) - Trước đây, Bệnh viện K có 9 máy xạ trị. Bây giờ chỉ còn 5 cái hoạt động. Gần như bệnh nhân phải thức cả đêm để chạy xạ. Hiện bệnh viện vẫn đáp ứng được, nhưng phải cố. Tuy vậy, bệnh viện cũng không biết là có thể cố đến bao giờ vì tuổi thọ của máy cũng chỉ có giới hạn.

Chỉ còn 5 máy xạ trị hoạt động, bệnh nhân phải thức cả đêm để chạy xạ, Bệnh viện K không biết có thể cố đến bao giờ - Ảnh 1.

GS.TS Lê Văn Quảng: Tự chủ bệnh viện có rất nhiều cơ hội, nhưng cũng có không ít thách thức. Ảnh VGP/Quang Thương

Không phải bệnh viện xin dừng mà là xin chuyển sang hình thức tự chủ phù hợp

Chia sẻ về vấn đề tự chủ tại Bệnh viện K, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nêu rõ: Không phải 2 bệnh viện xin dừng tự chủ mà chuyển từ hình thức tự chủ này sang tự chủ khác.

Ông lý giải, Nghị quyết 33 yêu cầu có 4 bệnh viện tự chủ thì mới có 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K tự chủ toàn diện. Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 33 nói là sau 2 năm thí điểm tự chủ thì 2 bệnh viện sẽ chuyển sang thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ về tự chủ.

Ngày 21/6/2021, Chính phủ đã có Nghị định 60 về tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập. Giữa Nghị quyết 33 và Nghị định 60 có những điểm tương đồng. Do vậy, chúng tôi muốn chuyển sang thực hiện Nghị định 60 sẽ dễ hơn vì đã có Thông tư 56 hướng dẫn chứ không phải chúng tôi dừng tự chủ.

Tuy nhiên, mức độ tự chủ ở Nghị định 60 rất rõ ràng: Tự chủ toàn diện gần như theo Nghị quyết 33 bây giờ. Mức hai là tự chủ chi thường xuyên, tức là không phải đầu tư. Mức ba là một phần chi thường xuyên thì chúng tôi chỉ lo 1 phần lương. Còn mức 4 là Nhà nước phải chi trả. Chúng tôi muốn chuyển sang thực hiện Nghị định 60.

GS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ: "Tôi có biết là Bệnh viện Bạch Mai đang đề xuất chuyển sang nhóm 2.

Bởi vì các anh ấy có nói Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như Bệnh viện Bạch Mai là hai bệnh viện đặc biệt ở miền Nam, miền Bắc. Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển sang tự chủ nhóm 2 thì Bạch Mai cũng muốn sang nhóm 2. 

Bệnh viện Việt Đức cũng vậy, cũng là bệnh viện chuyên khoa. Chúng tôi cũng là bệnh viện chuyên khoa nên cũng mong muốn tự chủ theo nhóm 2".

Tuy nhiên theo quy định tại Điều 40 Nghị định 60, nếu bệnh viện nào đang thực hiện tự chủ thì tự động chuyển sang tự chủ nhóm 1. Rất may là gần đây, Bộ Y tế có công văn xem các bộ ngành, các bệnh viện có đề xuất sửa đổi, góp ý để sửa đổi Nghị định 60 cho phù hợp hay không.

Bệnh viện K đã làm công văn đề nghị sửa đổi Điều 40 Nghị định 60 theo hướng khi chúng tôi hết tự chủ không phải tự động chuyển sang nhóm 1. Rất nhiều người bảo bệnh viện xin dừng tự chủ là không đúng mà chuyển sang hình thức khác phù hợp hơn.

Tự chủ bệnh viện: Cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất nhiều

GS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ, ông đã nghiên cứu, khi thực hiện tự chủ, cơ hội rất nhiều, 6-7 cơ hội. Ví dụ, giải phóng được những cản trở do cơ chế gây ra. Về chuyên môn, bệnh viện được thực hiện tự chủ về chuyên môn, tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, nhưng thực thế những cái này đang còn vướng một chút. Thực hiện tự chủ sẽ thu hút được nguồn lực xã hội vào đầu tư. Đó là ưu điểm của tự chủ. Hoặc sử dụng nhân sự linh hoạt hơn cũng như lãnh đạo có nhiều quyền hơn và thậm chí nhiều tiền hơn. Thứ hai là đời sống nhân viên được nâng lên.

Nhưng thách thức cũng rất nhiều. Đầu tiên là vốn ở đâu để đầu tư nâng cấp trang thiết bị và công nghệ. Thứ hai là tính đúng, tính đủ vào giá dịch vụ y tế. Bảo hiểm y tế thì với mức đóng như thì với 7 yếu tố, liệu có đủ để chi trả không. Chắc chắn bệnh nhân sẽ phải chi trả nhiều hơn. Đấy là việc khó.

Thách thức nữa dù Bệnh viện K không gặp phải là cạnh tranh với tư nhân, vì không tự chủ thì bệnh nhân vẫn đến đông. Các bệnh viện khác cần tự chủ để người ta phải cạnh tranh. Muốn cạnh tranh với Bệnh viện Bạch Mai hay Bệnh viện K thì người ta phải đầu tư cái gì đấy mới mẻ, phải năng động và tốt hơn để nếu Bệnh viện Bạch Mai quá tải thì chuyển sang các viện kia.

Thứ hai là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Cơ hội là khi tự chủ thì bệnh nhân đến đông hơn. Nếu Bệnh viện K đến đông hơn thì chúng tôi cũng quá tải vì cơ sở chỉ có thế, con người cũng theo mức độ như vậy. Ngay cả vừa rồi chúng tôi tăng 30-40% so với thời kỳ trước dịch thì cũng là quá tải rồi.

GS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ: "Còn nhiều thách thức nữa. Nói vui, cũng có khi mất đoàn kết nội bộ vì tôi thấy ai không làm được việc thì tôi phải chuyển chỗ khác. Thậm chí có người phải văng ra ngoài vì tôi tự chủ, tôi cần con người làm được việc cho tôi.

Có làm được việc ấy không thì đây chỉ là tiểu tiết nhưng cũng là thách thức. Một số cá nhân không làm được việc, tôi phải giảm lương. Đấy cũng là thách thức. Tôi tìm hiểu thấy có 18 thách thức chứ không phải ít".

Chỉ còn 5 máy xạ trị hoạt động, bệnh nhân phải thức cả đêm để chạy xạ, Bệnh viện K không biết có thể cố đến bao giờ - Ảnh 3.

Trước đây Bệnh viện K có 9 máy trị xạ, giờ chỉ còn 5 cái hoạt động. Ảnh minh họa

Trước có 9 máy trị xạ, giờ chỉ còn 5 cái hoạt động, Bệnh viện K không biết có thể cố đến bao giờ

Ông Quảng cho biết, Bệnh viện K cũng gặp những thách thức như ở Bệnh viện Bạch Mai, nhưng khác ở chỗ các máy xã hội hóa vẫn hoạt động bình thường vì đã thanh tra, kiểm tra, không có vấn đề gì. Nguồn thu của bệnh viện cũng có nhưng không được nhiều. Đặc biệt năm vừa qua, do dịch COVID-19 đã giảm đi 1/3.

Tuy nhiên, Bệnh viện K gặp thách thức: Một là, bệnh viện đang xây dựng cơ sở K1, mới chỉ xây phần thô đã rất tốn kém. Cho nên nếu tự chủ thì chắc chắn không thể lo được. Để đi vào hoạt động được cũng là 1 bài toán rất khó cho lãnh đạo cho bệnh viện.

Hai là, với chuyên ngành của ung thư thì máy móc phục vụ điều trị rất đắt tiền. Trước đây, Bệnh viện K có 9 máy xạ trị. Bây giờ chỉ còn 5 cái hoạt động. Cái thì hết thời hạn khấu hao, cái thì sử dụng hết niên hạn. Hiện tại, bệnh nhân ung thư phải chạy máy xạ trị, mỗi máy ít nhất 2-3 tiếng, có máy 24 tiếng. Gần như bệnh nhân phải thức cả đêm để chạy xạ.

Đấy là cái khó khăn và để đáp ứng được nguồn bệnh nhân xạ trị như hiện nay thì Bệnh viện K phải cần 10 máy nữa. Nếu tự chủ nhóm 1, 2, dựa vào công thức thì tương đối vì để dành được 200 tỷ đồng, mua 1 cái máy xạ trị đã mất 130 tỷ đồng, 10 máy 1.300 tỷ đồng. Không biết đến bao giờ mới đầu tư xong?.

Do vậy, trước mắt Bệnh viện K rất muốn Nhà nước đầu tư cho 3-4 năm đầu, sang năm thứ 5, khi bệnh viện đủ nguồn vốn thì tự chủ toàn diện, lúc đấy không có vấn đề gì cả.

Nhưng nhu cầu trước mắt có đáp ứng được không? Nếu bỏ hết tiền ra để đầu tư một lúc thì cũng không có khả năng. Còn nếu mỗi năm đầu tư được 1 cái, đầu tư được cái tiếp theo thì cái trước đã hỏng vì chạy 24/24 thì không máy nào chịu nổi.

Ông Quảng cho biết, máy chụp cắt lớp của Bệnh viện K cũng phải làm đến 23h đêm. Máy CT chạy từ 6h-18h mới hết. Bệnh viện phải chia ca để đảm bảo cho bệnh nhân. Hiện bệnh viện vẫn đáp ứng được, nhưng phải cố, nhưng cũng không biết là có thể cố đến bao giờ vì tuổi thọ của máy cũng chỉ có giới hạn. Máy hoạt động thế thì không thể đảm bảo được nhu cầu phục vụ. 

Bệnh viện K vẫn mong muốn khi chuyển sang Nghị định 60 thì tương đồng với Nghị quyết 33 được Nhà nước đầu tư, sẽ rất dễ cho bệnh viện hoạt động trong thời gian trước mắt và sau khoảng 3-5 năm nữa sẽ chuyển sang hình thức tự chủ toàn diện thì vừa đẹp.

Chỉ còn 5 máy xạ trị hoạt động, bệnh nhân phải thức cả đêm để chạy xạ, Bệnh viện K không biết có thể cố đến bao giờ - Ảnh 4.

GS.TS Lê Văn Quảng và PGS.TS Đào Xuân Cơ. Ảnh VGP/Quang Thương

 Chính sách rõ ràng là điều kiện tiên quyết để các bệnh viện tự chủ hiệu quả

Chia sẻ thêm về nội dung này, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng: Đúng là trong Nghị quyết 33 của Chính phủ, tự chủ toàn diện thì được tự chủ về giá. Tuy nhiên chúng ta chưa có luật về giá. Giá dịch vụ khám, chữa bệnh ở bệnh viện công lập vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật. Bệnh viện công lập phải phục vụ an sinh xã hội chứ không thể nâng giá lên để thu được.

PGS.TS Đào Xuân Cơ phân tích: Vì sao những năm 2019 trở về trước Bệnh viện Bạch Mai không khó khăn về tài chính? Vì trước đây bệnh viện thực hiện liên doanh, liên kết nên thu theo giá liên doanh, liên kết. Nhưng khi kiểm tra thì bị vướng vì không có văn bản hướng dẫn thu giá liên doanh, liên kết rõ ràng. Do vậy khi làm rất dễ vướng và dễ sai phạm.

Theo ông, xã hội hóa y tế là chủ trương hoàn toàn đúng. Chúng ta cần những văn bản pháp quy rõ ràng về vấn đề này. Bây giờ tự chủ toàn diện bệnh viện thì chắc chắn phải xã hội hóa.

Trong xã hội hóa, các vấn đề liên doanh liên kết, thuê địa điểm, thuê máy móc thiết bị y tế… phải có văn bản pháp quy hết sức chặt chẽ để có hành lang pháp lý chuẩn.

Nếu chúng ta không có hành lang pháp lý rõ ràng thì cái khó nhất của tự chủ bệnh viện là ngại làm, không dám làm. Vấn đề là chưa có văn bản pháp quy, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để hoạt động.

Nếu làm sẽ rất dễ vướng vào những sai phạm. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện. Chúng ta phải có luật khám chữa bệnh, luật giá, luật bảo hiểm y tế… những văn bản pháp quy phải hết sức rõ ràng.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta rà soát lại văn bản pháp quy chưa ổn. Ngay cả Thông tư, Nghị định… chúng ta cũng phải rà soát lại trước khi thực hiện./.