Cụ thể, chiều 4/11, sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, từ 14.40' đến 17.00' Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ. Nội dung chất vấn gồm:
Một là, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.
Ba là, nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…).
Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.
Bốn là, giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Sáng thứ 7, ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 2.
Sau khi, lãnh đạo Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ 3, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Thanh tra. Người trả lời chất vấn và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Phía trước ngành Nội vụ còn rất nhiều việc phải thay đổi, bổ sung, giải quyết
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gửi lời cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện lĩnh vực quản lý nhà nước mà ngành Nội vụ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng và xây dựng nền hành chính nhà nước.
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn các đại biểu Quốc hội, Nhân dân và cử tri cả nước luôn dành sự quan tâm, ủng hộ, theo dõi, chia sẻ đối với hoạt động của ngành Nội vụ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách và phối hợp triển khai đồng bộ toàn diện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành liên quan tới tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Nhất là về tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ đã đạt được kết quả bước đầu.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, phía trước ngành nội vụ còn rất nhiều việc phải thay đổi, bổ sung, đổi mới, hoàn thiện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, đòi hỏi toàn ngành Nội vụ phải quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Quốc hội và của cử tri cả nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, được chọn chất vấn là cơ hội để lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói của cử tri và được tiếp thu, giải trình những vấn đề lớn mà đại biểu và cử tri quan tâm để ngành Nội vụ tiếp tục khắc phục khó khăn, hạn chế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Làm rõ nguyên nhân để tháo gỡ vấn đề tiền lương; công chức, viên chức bỏ việc, thôi việc
Theo Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang), chính sách tiền lương, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức bỏ việc, chuyển việc đang là một trong những vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trả lời và đưa ra một số giải pháp.
Vấn đề quan trọng nhất là phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ Nội vụ đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội.
Tất nhiên có nguyên nhân chủ quan, khách quan. Tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Nam kỳ vọng, qua chất vấn sẽ giúp Chính phủ, Bộ Nội vụ và cả Quốc hội nhìn nhận rõ hơn những vấn đề căn cốt để có những giải pháp đồng bộ, khả thi với vấn đề này.
Với sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự chung tay, chung sức của toàn xã hội, đại biểu tin rằng sẽ sớm tháo gỡ được vấn đề mà lâu nay chúng ta rất băn khoăn.
Tinh giản biên chế phải gắn với cải cách tiền lương
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cử tri và người dân đang quan tâm đến việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc tăng lương; tạo điều kiện để cho đội ngũ cán bộ yên tâm trong thực hiện nhiệm vụ ở bối cảnh đất nước vừa trải qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Trong đó có vấn đề về việc tăng biên chế cho ngành giáo dục, y tế... đều rất cấp thiết mà các địa phương đang gặp khó khăn trong tuyển dụng, cũng như sử dụng biên chế hiện có không bảo đảm yêu cầu thực tiễn của công việc.
Cũng như cử tri cả nước, nhiều cử tri tỉnh Hòa Bình gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội mong muốn có những giải pháp căn cơ, phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gắn với công nghệ thông tin, phát triển công nghệ số đạt chất lượng, hiệu quả.
Thời gian qua, cử tri và Nhân dân thấy rõ quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản sau các vụ án tham nhũng, tiêu cực hiện còn gặp khó khăn.
Cử tri, đại biểu Quốc hội mong muốn Thanh tra Chính phủ, một số bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng phương thức, cách thức phù hợp, bảo đảm tất cả những tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có đều phải được thu hồi về cho ngân sách nhà nước...
Làm rõ vì sao công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc
Liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) mong rằng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà sẽ phân tích rõ nguyên nhân sâu xa và thực chất dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong thời gian vừa qua.
Qua đó, tìm giải pháp căn cơ để phát huy cho được nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết tình trạng cán bộ, công chức viên chức nghỉ việc do những khó khăn trong môi trường làm việc, hay chính sách tiền lương chưa thỏa đáng để khuyến khích giữ người tài ở lại khu vực công.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn dại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên quan tâm đến các vấn đề thuộc quản lý của ngành Nội vụ, nhất là tình trạng công chức, viên chức bỏ việc, nghỉ việc phản ánh vấn đề gì? Trách nhiệm của ngành Nội vụ nói riêng và của Chính phủ đến đâu trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại khu vực nhà nước.
Đại biểu mong muốn Bộ trưởng Bộ Nội vụ phân tích rõ cơ cấu, tính chất của tình trạng nghỉ việc của công chức, viên chức thời gian qua.
Theo đại biểu, trách nhiệm của ngành không chỉ đơn thuần là thống kê số liệu cán bộ, công chức, viên chức chuyển việc mà cần làm rõ vì sao công chức, viên chức trong đó có nhiều người có kinh nghiệm rời bỏ khu vực công.
Giải pháp mà ngành nội vụ đề ra trong thời gian tới, trách nhiệm của ngành hỗ trợ khắc phục sự thiếu hụt nhân lực trong hai ngành then chốt là y tế, giáo dục để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc cho tương lai và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân./.