Cấp bách cải cách chính sách tiền lương; khẩn trương điều chỉnh lương tối thiểu vùng

06/05/2023 07:51

(Chinhphu.vn) - Việc cấp bách đặt ra trước mắt là cần phải đẩy nhanh tốc độ cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu của bốn vùng cũng cần phải được tiến hành khẩn trương, tuân thủ theo nguyên tắc của Bộ luật Lao động.

Cấp bách đẩy nhanh tốc độ cải cách chính sách tiền lương; khẩn trương điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng - Ảnh 1.

TS. Bùi Sỹ Lợi: Việc cấp bách đặt ra trước mắt là cần phải đẩy nhanh tốc độ cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu của bốn vùng cũng cần phải được tiến hành khẩn trương, tuân thủ theo nguyên tắc của Bộ luật Lao động.

 Tiền lương là vấn đề cấp bách và bức thiết hiện nay

Trong thời gian qua, với sự quan tâm, chú trọng của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với từng giai đoạn, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Đây là một công tác quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện cải cách tiền lương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tháo gỡ, giải quyết.

Chia sẻ về vấn đề này trên Quochoi.vn, TS. Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia cao cấp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội, đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV nhấn mạnh: "Trước hết, phải khẳng định rằng tiền lương là vấn đề cấp bách và bức thiết hiện nay".

Theo ông, tiền lương của khu vực có quan hệ lao động phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, phải tạo được động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.

Nếu mức tiền lương quá thấp, sẽ không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất, không đáp ứng được yêu cầu mở rộng, không bù đắp được quá trình đào tạo lao động.

Dĩ nhiên điều đó sẽ làm người lao động không thể toàn tâm, toàn ý vào công việc, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và năng suất lao động.

Khẩn trương điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng

Vì vậy, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu của bốn vùng cần được tiến hành khẩn trương, tuân thủ theo nguyên tắc của Bộ luật Lao động.

Cụ thể là phải có điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm. Tháng 10 năm trước đó, Hội đồng tiền lương quốc gia phải định ra tiền lương tối thiểu vùng của bốn vùng.

"Tiền lương tối thiểu được xác định bằng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, ít nhất là phải nuôi sống được người lao động và người phụ thuộc", TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo ký kết thỏa ước lao động tập thể và thương lượng tập thể của đại diện tổ chức người lao động với người sử dụng lao động để mức lương đó phản ánh được giá trị sức lao động của người công nhân, người lao động.

Với khu vực có quan hệ lao động, phải thúc đẩy việc thương lượng nâng cao mức lương cho người lao động. Mức lương tối thiểu vùng như hiện tại sẽ không đáp ứng được đủ các nhu cầu sống trong thực tế.

Cấp bách đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương

TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh rằng, việc thực hiện cải cách tiền lương cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Đối với khu vực nhà nước, hiện nay tiền lương rất thấp. Bởi sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, chúng ta vẫn chưa đạt được kết quả như yêu cầu.

Ngày 1/7/2023 tới đây, chúng ta điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng. Tuy nhiên, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, với mức điều chỉnh này, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đủ để đáp ứng những nhu cầu cuộc sống, nên rất khó tạo ra đội ngũ công chức chuyên nghiệp, chuyên cần và hiệu quả.

Chính vì vậy, việc cấp bách đặt ra trước mắt là phải đẩy nhanh tốc độ cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được với sự gia tăng của giá cả sinh hoạt trên thị trường.

Đồng thời phải đảm bảo mức lương chi trả tương xứng, thể hiện đúng giá trị sức lao động của cán bộ công chức viên chức. Tiền lương phải thể hiện được giá trị sức lao động bằng giá cả trên thị trường.

Chính vì lẽ đó, trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tốt việc điều chỉnh tiền lương từ ngày 01/7/2023. Đảng và Nhà nước cần tập trung nguồn lực, coi đầu tư cải cách tiền lương chính là đầu tư cho phát triển.

Tinh giản biên chế là yếu tố tiên quyết của cải cách chính sách tiền lương

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi về lâu dài, trong năm 2024, chúng ta cần đối mặt, tập trung phân tích và giải quyết dứt điểm 3 vấn đề:

Một là, cần tiếp tục sắp xếp lại tổ chức, biên chế, bộ máy, tinh giản biên chế và bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phải nhận thức rõ việc tinh giản biên chế là yếu tố tiên quyết của cải cách chính sách tiền lương. Sự phân công lại lao động một cách hợp lý sẽ góp phần tăng năng suất lao động, tạo tăng trưởng xã hội để phát triển đất nước.

Cấp bách đẩy nhanh tốc độ cải cách chính sách tiền lương; khẩn trương điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng - Ảnh 5.

TS. Bùi Sỹ Lợi: Giảm bớt chi đầu tư tăng trưởng để dành một phần nguồn lực cho cải cách tiền lương, vì đầu tư cho cải cách tiền lương chính là đầu tư cho phát triển.

Phải tạo được nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương

Hai là, cần thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng phải thực hiện có chọn lọc, đảm bảo các đơn vị này đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Ba là, phải tạo được nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương.

Muốn cải cách tiền lương thì phải có nguồn lực, nguồn lực đó lấy từ việc tinh giản biên chế, từ việc tiết kiệm chi, từ phòng chống tham nhũng, tiêu cực, từ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ việc tăng thêm nguồn thu của địa phương và trung ương.

Khi nguồn thu tăng lên vượt chỉ tiêu, phần tiền đó phải để dành để thực hiện cải cách tiền lương.

Đồng thời phải giảm bớt chi đầu tư tăng trưởng để dành một phần nguồn lực cho cải cách tiền lương, vì đầu tư cho cải cách tiền lương chính là đầu tư cho phát triển.

Tiền lương phân phối theo lao động là thể hiện sự tiến bộ và công bằng xã hội

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội phát triển và công bằng. Con người là yếu tố quan trọng và mang tính chất quyết định nhất trong quá trình sản xuất để tăng năng suất lao động, biến đổi xã hội, làm xã hội phát triển. Tiền lương phân phối theo lao động cũng thể hiện sự công bằng xã hội.

Sau hơn 30 năm đổi mới và đặc biệt là 10 năm vừa qua, Đảng ta đã xác định rõ nguyên lý: Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, không đánh đổi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội lấy tăng trưởng kinh tế. Con người là trọng tâm, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu, hiện thực hóa được tư tưởng này, việc thực hiện cải cách tiền lương, đảm bảo đời sống vật chất cho người lao động, cán bộ, công chức, viên chức là rất quan trọng.

Chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá kỹ lưỡng tình trạng một đội ngũ, lực lượng công chức cán bộ của khu vực công tràn ra khu vực tư. Có thể khẳng định rằng đó là tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư.

Nếu không khắc phục thì dẫn đến tình trạng đội ngũ công chức của chúng ta không đảm đương được nhiệm vụ đi đầu, định hướng và dẫn dắt và lãnh đạo đối với lực lượng lao động.

Trong bối cảnh đó, TS. Bùi Sỹ Lợi kỳ vọng việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ bảo đảm tiền lương đủ sống cho cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội./.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi