Phải để cho các thầy thuốc tự tư duy trên bệnh viện của mình
Trao đổi về giải pháp để các bệnh viện thực hiện tốt cơ chế tự chủ, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Chủ trương đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập và tinh thần tự chủ là chủ trương hết sức đúng đắn được nhấn mạnh trong Nghị quyết 19 của Trung ương.
Nhưng để triển khai hiệu quả cần có bước đi, lộ trình, cách thức và điều kiện. Muốn đặt bệnh viện tự chủ ở nhóm nào thì đầu tiên phải nói đến yếu tố đủ điều kiện. Thứ hai là từ nội tại bệnh viện đó, từ thủ trưởng đơn vị đó, phải quyết định hướng đi của bệnh viện. Đây là hai vấn đề cốt lõi.
"Cũng như Lenin đã nói, phải để người nông dân tự suy nghĩ trên luống cày của họ. Chúng ta cần phải tránh xa quan điểm là đi theo tư tưởng chính trị mà không nghĩ đến điều kiện, đó chính là thất bại. Điều này ví như là một cuộc cách mạng không có điều kiện", TS. Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đến thời điểm này, không có cơ sở vật chất của bệnh viện công lập nào trên đất nước này, từ dưới lên trên, đủ điều kiện để tự chủ hoàn toàn.
Bây giờ chúng ta nói đến điều kiện của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K, những vấn đề cần tập trung để giải quyết tồn tại của hai bệnh viện này khi đã bộc lộ những hạn chế qua đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 chính là cơ hội để các bệnh viện này nhìn nhận lại chính mình.
Tôi rất đồng tình là chúng ta nên tiếp tục đặt hai bệnh viện này tự chủ ở nhóm 2. Tuy nhiên, Nhà nước không thể đầu tư mãi được. Hai bệnh viện này đến lúc đủ điều kiện thì nên tự chủ toàn phần.
Tôi cho rằng, hiện nay hai bệnh viện này là hai vệnh viện thuộc tuyến cuối cùng, và có trách nhiệm chuyển giao khoa học kỹ thuật, có trách nhiệm nâng cao năng lực đội ngũ y bác sĩ. Và cao hơn hết là cần phải thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm được an sinh xã hội.
Bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm trước sức khỏe người dân và trước pháp luật
TS. Nguyễn Huy Quang: Bày tỏ tâm đắc với ý với các kiến của các giáo sư và các nhà quản lý về tự chủ bệnh viện. Tức là hãy để cho các bệnh viện tự quyết định xem họ thuộc nhóm tự chủ nào. Bởi họ sẽ chịu trách nhiệm trước sức khỏe của người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật, Bộ Y tế, Sở Y tế. Do đó, việc đầu tiên là chúng ta cần phải thống nhất nguyên tắc như trên.
Vấn đề thứ hai, đây là các bệnh viện công lập. Chúng ta đã có Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, nhấn mạnh hệ thống y tế của chúng ta là hệ thống y tế hỗn hợp công tư, trong đó, y tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Vì thế, nếu bệnh viện thuộc tự chủ ở nhóm nào thì Nhà nước vẫn phải bảo đảm nguồn ngân sách để chi đầu tư và chi các hoạt động khác trong điều kiện các đơn vị y tế công lập không thể tự chủ được. Ví dụ như chi tiền lương trong thời kỳ chống dịch. Các bệnh viện không thể chi trả được khoản này, thì ngân sách nhà nước phải chi ra. Ở đây, chính là vai trò chủ đạo của Nhà nước.
Vấn đề thứ ba là chúng ta phải tháo gỡ về mặt thể chế. Tôi rất tâm đắc với ý kiến mà TS. Bùi Sỹ Lợi đã đưa ra là chúng ta vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cho quyền lợi của người dân.
Thành lập công ty để quản lý bệnh viện đủ điều kiện tự chủ
Về giải pháp hoàn thiện thể chế, theo tôi cần những giải pháp sau. Nếu bệnh viện nào đủ điều kiện tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì ta nên thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà doanh nghiệp nhà nước vận hành như một doanh nghiệp.
Vấn đề này chúng ta có thể suy nghĩ vì hiện nay có một nước đã thực hiện theo mô hình này và cũng đã thành công. Do đó việc tự chủ hoàn toàn, hay tự chủ một phần, tự chủ chi thường xuyên hay tự chủ đầu tư thì chúng ta cứ xem xét, cân nhắc.
Về giải pháp, theo tôi, thứ nhất là chúng ta cần phải xây dựng thông tư về khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Có như vậy thì tất cả các bệnh viện mới có thể tự chủ được về mặt tài chính.
Tính đúng, tính đủ về giá dịch vụ khám chữa bệnh; hướng dẫn cụ thể về liên doanh, liên kết
Thứ hai là chúng ta cần phải có kế hoạch tính đúng, tính đủ theo 7 yếu tố cấu thành giá. Và để tính đúng, tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá thì chúng ta phải để ý đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sao cho phù hợp. Việc này cần phải có lộ trình.
Vấn đề này Bộ Y tế sẽ trình và Chính phủ sẽ xem xét. Còn nếu như chỉ xem xét 4/7 yếu tố cấu thành giá thì nguồn kinh phí là chưa đầy đủ.
Thứ ba là cần phải có văn bản hướng dẫn về việc liên doanh, liên kết. Văn bản hướng dẫn này phải ở tầm nghị định của Chính phủ, chứ không phải là thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việc liên doanh liên kết như thế nào phải trên cơ sở luật quản lý tài sản công. Chúng ta phải có cơ sở pháp lý để thực hiện việc liên doanh, liên kết một cách rõ ràng thì mới có thể thực hiện được.
Thứ tư là chúng ta phải có hướng dẫn về việc hỗn hợp đầu tư.
Hoàn thiện cơ chế đấu thầu, mua sắm y tế
Thứ năm là phải có hướng dẫn thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay, chúng ta vẫn đang vướng ở việc điều kiện tự chủ là gì, khả năng tự bảo đảm nguồn thu là gì. Trong điều kiện ngân sách bệnh viện đó không tự chủ được và có việc gì bất khả kháng thì Nhà nước cần bảo đảm cho việc tự chủ hay không.
Thứ sáu là cần phải có hướng dẫn về việc thành lập hội đồng quản lý. Mặc dù chúng ta đã có nghị định rồi nhưng vẫn cần phải có hướng dẫn về việc thành lập hội đồng quản lý như thế nào, việc thành lập ban kiểm soát và mối quan hệ giữa các bên ra sao. Và ai là người đại diện pháp luật ở hội đồng quản lý này?
Hiện nay là chúng ta đang thiếu thuốc và thiếu trang thiết bị y tế, chúng ta cần phải hoàn thiện chủ trương, thể chế về đấu thầu trang thiết bị và đấu thầu thuốc. Việc này cần khẩn trương làm ngay.
Cần điều chỉnh bất cập về tiền lương y tế ngay lập tức
Ngoài ra chúng ta cần phải điều chỉnh tiền lương, tiền công theo Nghị quyết 20-NQ/TW. Ngành y tế là một ngành đặc thù, việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng lao động rất đặc biệt nhưng tiền lương thì chưa đặc biệt. Tôi cho rằng chúng ta cần phải điều chỉnh bất cập này ngay lập tức.
Ngoài ra cần phải điều chỉnh việc áp dụng thuế sử dụng đất. Bởi vì hiện nay nhiều bệnh viện, tự chủ thì chưa tự chủ được, nhưng phải đóng thuế đất.
TS. Nguyễn Huy Quang bày tỏ: Tất cả những điều trên, tôi cho rằng thể chế pháp lý cần phải làm rõ. Nếu chúng ta xử lý được tất cả những vấn đề trên thì thể chế là con đường thênh thang rộng mở để cho giám đốc các bệnh viện có thể thỏa sức sáng tạo trên nền pháp chế đó.
Từ đó chúng ta có thể phát triển bệnh viện một cách bền vững và người thụ hưởng chính là người dân. Mà cũng chính là chủ trương mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện đúng chính sách an sinh xã hội, nhân văn, nhân đạo, nhân bản.
Điều này cũng đã được ghi rõ trong Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới./.