CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Tự chủ bệnh viện là hết sức cần thiết, phải cố gắng hết sức để làm cho được tự chủ

10:28 - 15/11/2022

(Chinhphu.vn) - Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, tự chủ bệnh viện rất cần thiết, rất quan trọng và phải cố gắng hết sức để làm cho được tự chủ.

Tự chủ bệnh viện: Phải cố gắng hết sức để làm cho được, vấn đề là ở mức nào - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Tự chủ bệnh viện là rất cần thiết, rất quan trọng và phải cố gắng hết sức để làm cho được tự chủ. Vấn đề là tự chủ ở mức nào. Ảnh VGP/Quang Thương

Tự chủ bệnh viện là rất cần thiết

Từng nhiều năm làm quản lý bệnh viện công lập, chia sẻ về vấn đề tự chủ bệnh viện, GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, ông về làm Viện trưởng từ năm 2003, chỉ 2-3 năm sau thì thực hiện Nghị định 10.

"Tôi đọc Nghị định 10 cảm thấy rất thú vị. Một người làm quản lý cần nhất là cơ chế. Cần cơ chế nhiều hơn cần tiền. Tiền Bộ Y tế cấp về Viện cùng lắm mỗi năm 20-30 tỷ, mà chúng tôi cần vài trăm tỷ mỗi năm. Cho nên sau đó chúng tôi nghiên cứu và xin phép được làm tự chủ.

Nhưng nhớ là lúc đó làm tự chủ một phần. Vài ba năm sau, chúng tôi xin tự chủ toàn phần – tự chủ chi thường xuyên, dừng ở mức đấy và chúng tôi không gặp khó khăn gì nhiều lắm. Chúng tôi duy trì khoảng 10 năm như thế", GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết.

"Sau khi tôi kết thúc Viện trưởng, Viện trưởng kế cận tôi tiếp tục làm tự chủ toàn phần, tương ứng ở mức 2 là tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60. Tôi cảm thấy công việc phát triển được, anh em đoàn kết.

Một nhiệm kỳ viện trưởng nữa qua và người đang làm vẫn tiếp tục tự chủ như vậy",  nêu dẫn chứng từ thực tiễn, GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định: Tự chủ rất cần thiết, rất quan trọng và phải cố gắng hết sức để làm cho được tự chủ.

Nhưng nếu tự chủ bệnh viện quá mức sẽ sai định hướng

Vấn đề là các bệnh viện công nên thực hiện cơ chế tự chủ ở mức nào? GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng nếu quy qua theo Nghị định 60 thì nên ở mức 2, mức 3, không thực hiện mức thứ nhất là tự chủ toàn diện, bao gồm cả đầu tư. Bởi mấy lý do sau:

Thứ nhất, nếu thực hiện tự chủ toàn diện, ngoài Nghị quyết 33 thì cần một loạt hệ thống văn bản pháp quy phục vụ cho việc đó, nhưng hiện nay chưa có, chưa hoàn thiện.

"Tôi đã gặp các đồng chí, đồng nghiệp… nói rằng anh em chưa làm được, làm rất dễ bị sai phạm. Và các anh cũng nhận thức được điều đó ngay. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng", GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Ý thứ hai, phải nói thật rằng tự chủ là chủ trương rất đúng, là cơ chế rất hay nhưng vấn đề là tự chủ đến đâu? Nếu tự chủ quá mức vô tình mình tư nhân hóa… Cái này là sai định hướng XHCN, sai đường lối của Đảng.

Hôm nay tôi nói chính thức luôn là tôi không ủng hộ tự chủ đến mức cao nhất, nhiều nhất, vì nó sai định hướng XHCN của chúng ta.

Bệnh viện Bạch Mai đang rất yên ổn, chuyển qua tự chủ theo mức cao nhất thì vướng mắc

Đi cụ thể vào vấn đề của Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm "người ta đang rất yên ổn thực hiện tự chủ theo Nghị định 43 - làm tự chủ toàn phần, tức là tự chủ mức chi thường xuyên, đời sống anh em vẫn rất dễ chịu. Nhưng khi chuyển qua Nghị quyết 33 là tự chủ theo mức cao nhất thì bị mắc 3 cái vướng.

Thứ nhất là các văn bản pháp quy tháo gỡ chưa có và rất nguy cơ nếu làm là bị sai. Thứ hai là đúng vào dịch COVID-19, bệnh viện bị phong tỏa. Thứ ba là một loạt giám đốc vướng vào vòng lao lý. Đây là thời kỳ nặng nề nhất, khó nhất nói về cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai. "Ba lý do dồn lại một lúc nên Bệnh viện Bạch Mai không thể thực hiện tự chủ được", GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

"Tôi rất ủng hộ Bệnh viện Bạch Mai, kể cả Bệnh viện K trong việc tự chủ toàn diện, nhưng tự chủ ở mức cao nhất thì tôi không ủng hộ. Tôi ủng hộ và đề nghị rất nhanh chóng quay trở lại tự chủ ở mức 2 hoặc mức 3, tốt nhất là ở mức tương ứng trong Nghị quyết 60. Đó là tự chủ có chi thường xuyên", GS.TS Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm./.