CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Dù tự chủ hay xã hội hóa thì y tế nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo

12:14 - 25/10/2022

(Chinhphu.vn) - Mặc dù có xã hội hóa trong y tế nhưng hiện nay, y tế công lập vẫn là chủ yếu, trên 90% vẫn thông qua hệ thống khám, chữa bệnh của Nhà nước. Cho nên, mặc dù tự chủ, mặc dù xã hội hóa trong y tế nhưng vai trò của Nhà nước vẫn là chính, là trọng tâm, là chủ đạo.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một trong 7 dự án Luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rất kỹ, rất cầu thị, tiếp thu tương đối đẩy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi).

Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế là 2 cơ quan đã phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, tài liệu rất kỹ về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) để trình Quốc hội kỳ này.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nêu 3 vấn đề cần được xem xét.

Dù tự chủ hay xã hội hóa thì y tế nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Khải: Dù tự chủ hay xã hội hóa thì y tế nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo

Vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh phải được giải quyết thấu đáo để gỡ khó cho y tế

Thứ nhất: Giá dịch vụ khám chữa bệnh phải được Nhà nước thống nhất quản lý tại Luật giá (sửa đổi). Theo đại biểu Trần Văn Khải, vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh là vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Mặt khác, giá khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp đến Quỹ Bảo hiểm y tế, ngân sách Nhà nước cũng như khả năng chi trả của mỗi người dân chúng ta.

Dự thảo Luật tại Điều 108 đã quy định về chi phí khám, chữa bệnh; các căn cứ để tính giá khám chữa bệnh và được thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Bộ Y tế cần phải phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng những quy định liên quan đến giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dự thảo trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 này.

Quốc hội cần hết sức quan tâm, nghiên cứu, cho ý kiến thật kỹ nội dung quan trọng này khi thảo luận về Luật giá (sửa đổi).

Vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải được giải quyết thấu đáo, hiệu quả để tháo gỡ được nhiều khó khăn, đặc biệt là đảm bảo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, có khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế.

Liên quan đến vấn đề giá, đại biểu Trần Văn Khải lưu ý về vấn đề quản lý giá thuốc, hiện tại Nhà nước chưa có quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh, chỉ mới khống chế giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc của bệnh viện.

Do vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải được Nhà nước thống nhất quản lý tại Luật giá (sửa đổi). Theo đó, ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; Khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế, thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa; Quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh.

Dù tự chủ hay xã hội hóa thì y tế nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo - Ảnh 2.

Y tế nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ hai: Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong khám chữa bệnh cho nhân dân, Xã hội hóa y tế nhưng tránh bị lạm dụng.

Qua nghiên cứu hồ sơ, đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy, sau khi tiếp thu, chỉnh lý nội dung xã hội hóa đã được các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra quy định khá cụ thể tại Điều 107 dự thảo Luật.

Có thể nói, trong thời gian vừa qua chúng ta cũng đã thể hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến nội dung này.

Nghị quyết 20 của Đảng có nói đến xã hội hóa và thực tế cho thấy, hệ thống y tế tư nhân về cơ bản hoạt động tốt, góp phần khám, chữa bệnh, đáp ứng được một phần nhu cầu của nhân dân.

Đây cũng là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, trong khi nguồn lực của Nhà nước dành cho lĩnh vực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân.

Theo đại biểu, mặc dù có xã hội hóa trong y tế nhưng hiện nay, y tế công lập vẫn là chủ yếu, trên 90% vẫn thông qua hệ thống khám, chữa bệnh của Nhà nước. Cho nên, mặc dù tự chủ, mặc dù xã hội hóa trong y tế nhưng vai trò của Nhà nước vẫn là chính, là trọng tâm, là chủ đạo.

Tại Điều 4, Điều 5 dự thảo Luật về các chính sách của Nhà nước, có quy định thể hiện Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, phát triển hoạt động khám, chữa bệnh. Điều 5 có 5 nội dung nói về trách nhiệm quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh.

Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát lại các nội dung để dự án Luật phản ánh đúng trách nhiệm và chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề khám, chữa bệnh đó là vai trò chủ đạo, tính chủ đạo được thể hiện ở những nội dung này, kể cả trong vấn đề xã hội hóa thì vai trò chủ đạo trong xã hội hóa đối với khám, chữa bệnh như thế nào?

Theo đại biểu Trần Văn Khải, Nhà nước luôn phải giữ vai trò chủ đạo trong khám chữa bệnh cho nhân dân, Xã hội hóa y tế nhưng tránh bị lạm dụng.

Dù tự chủ hay xã hội hóa thì y tế nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo - Ảnh 3.

Đề nghị ban hành Luật Khám chữa bệnh đúng tiến độ, đảm bảo chăm sóc tốt hơn nữa sức khỏe của Nhân dân

Thứ ba: Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) là trông chờ của đội ngũ y tế, mong mỏi của nhân dân. Luật Khám, chữa bệnh được xây dựng trong một bối cảnh là chúng ta đang sửa rất nhiều luật khác có liên quan, ví dụ, như Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi).

Tức là chúng ta đang đồng bộ trong quy trình sửa rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác để đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản pháp luật.

Có ý kiến còn băn khoăn về việc thông qua Luật này trong 2 kỳ hay 3 kỳ. Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị nếu dự thảo luật đáp ứng được yêu cầu và đủ điều kiện thì thông qua vào 2 kỳ họp, tạo điều kiện rất tốt để các cơ quan có thời gian thể chế hóa các nội dung trong luật.

Thời điểm luật có hiệu lực, đại biểu Trần Văn Khải thống nhất là vào ngày 01/01/2024.

Có thể nói, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế mong muốn Luật này sớm được ban hành, tạo công cụ pháp lý hỗ trợ, tạo thêm niềm tin cho anh em trong ngành có thể được làm việc trong một môi trường pháp lý đầy đủ và an toàn.

Cử tri, nhân dân và người bệnh mong mỏi, trông chờ luật này ban hành sớm để có thể tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong thực tiến.

Do vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị ban hành luật đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng chăm sóc tốt hơn nữa sức khỏe của Nhân dân./.