SẮP XẾP ĐVHC: Bố trí nhân sự như thế nào? Vì sao không giữ lại thị xã, thành phố thuộc tỉnh?

28/04/2025 16:20

(Chinhphu.vn) - Tại buổi Họp báo cung cấp thông tin về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, Bộ Nội vụ đã thông tin về tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; bố trí nhân sự sau sắp xếp....

SẮP XẾP ĐVHC: Bố trí nhân sự như thế nào? Vì sao không giữ lại thị xã, thành phố thuộc tỉnh?- Ảnh 1.

Trước ngày 10/5 sẽ trình Chính phủ toàn bộ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã trong cả nước

Tại buổi Họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức, cung cấp thông tin về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, tiến độ thực hiện các công việc để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động hiện đang được các cơ quan tiến hành rất quyết liệt, khẩn trương. Đây là đề án rất lớn, có tác động, ảnh hưởng lớn nhất đến địa phương từ trước đến nay.

"Có thể nói sắp tới đây chúng ta hình thành một bộ bản đồ mới của cả nước và của từng địa phương; đồng thời, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta sẽ tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp", ông Tuấn nói.

Để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các cơ quan của Quốc hội đang khẩn trương sửa đổi các nội dung liên quan trong Hiến pháp, theo lộ trình, dự kiến sẽ thông qua trong tháng 6/2025 và có hiệu lực từ ngày 1/7 bằng một nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. 

Đồng bộ với đó, Bộ Nội vụ cũng đang tham mưu trình Quốc hội Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 lần này, để đảm bảo từ 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động.

Đến thời điểm này, cơ bản 52 địa phương cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp đã hoàn thành việc xây dựng đề án. Các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương cũng cơ bản hoàn thành. Bộ Nội vụ đã nhận được 20 hồ sơ đề án của các địa phương.

Ông Tuấn chia sẻ: "Chúng tôi làm ngày, làm đêm, xuyên lễ, kể cả Bộ trưởng, các lãnh đạo Bộ cũng không có ngày nghỉ lễ, tập trung tối đa để đảm bảo tiến độ Bộ Nội vụ trình các đề án lên Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội".

Bộ Nội vụ phấn đấu trước ngày 10/5 sẽ trình Chính phủ toàn bộ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã trong cả nước. 

Dự kiến ngày 15/5, Chính phủ sẽ trình toàn bộ hồ sơ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã cả nước để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định.

Dự kiến sau sắp xếp còn khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã 

Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm theo định hướng của Trung ương, ông Tuấn cho biết, mới nhận được 20 hồ sơ đề án của địa phương nên chưa có con số chính xác về số lượng xã, phường mới sau sắp xếp. 

Bước đầu tổng hợp, dự kiến sau khi sắp xếp giảm khoảng 67% số xã so với hiện nay, còn lại khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã.

 Con số cấp xã còn lại cuối cùng sẽ có khi Bộ Nội vụ thẩm định các đề án do địa phương gửi lên và trình Chính phủ, sau đó hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Có thể bố trí ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hiện nay về làm Bí thư xã, phường sau sắp xếp

Về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ công chức cấp xã, theo ông Tuấn, hiện nay Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, trong đó đề xuất một hệ thống công cụ thống nhất trong hệ thống chính trị các cấp ở địa phương (cấp tỉnh và cấp xã). 

Sau này sẽ có một hệ tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có công chức cấp xã. 

Sau khi Luật Cán bộ, công chức ban hành, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một nghị định quy định cụ thể của cán bộ, công chức, trong đó có cấp xã.

Về phương án nhân sự, ông Phan Trung Tuấn cho biết, Đảng ủy Chính phủ khi xây dựng đề án đã trình Bộ Chính trị xem xét kỹ lưỡng 3 lần trước khi trình Trung ương. Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, trong đó có vấn đề nhân sự, biên chế, trước mắt cơ bản sẽ giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay. Lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức cấp huyện chuyển về cấp xã sau sắp xếp.

Phương án nhân sự được nêu trong Kết luận 150-KL/TW của Bộ Chính trị, nhưng tinh thần đang thực hiện nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" nên Trung ương chỉ định hướng nguyên tắc chủ trương, còn địa phương toàn quyền quyết định bố trí nhân sự của cấp xã.

Có thể bố trí ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hiện nay về làm Bí thư xã, phường mới. Không chỉ giám đốc sở, tỉnh ủy viên hay thành ủy viên, thậm chí các địa bàn quan trọng có thể bố trí ủy viên Ban Thường vụ cấp tỉnh hiện nay làm người đứng đầu cấp ủy của địa phương.

Bố trí nhân sự ai làm Bí thư, làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch… địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm theo các quy định hiện hành. Trong thời hạn 5 năm Bộ Nội vụ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn mới để định biên biên chế của từng cấp tỉnh và từng cấp xã tới đây.

Vì sao không giữ lại các thành phố thuộc tỉnh?

Liên quan đến ý kiến cho rằng nên giữ lại 87 thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương bằng cách xem các thành phố là một loại hình trong cấp chính quyền địa phương cơ sở, ông Phan Trung Tuấn cho hay, đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một đơn vị hành chính cấp cơ sở.

"Theo đề xuất ban đầu của chúng tôi, khi đó sẽ không còn xã, phường ở dưới nữa, như vậy vẫn bảo đảm việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã", Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương nói.

Theo ông Phan Trung Tuấn, khi trình, cấp có thẩm quyền cân nhắc rất kỹ việc này. Bộ Chính trị 3 lần xem xét, cho ý kiến về đề án này, cân nhắc rất kỹ vì sao không giữ lại tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh. 

Lý do là bởi chúng ta đã thống nhất chủ trương không tổ chức cấp huyện, cấp cơ sở chỉ còn cấp xã. 

Mặt khác, có yếu tố tâm lý sợ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người dân. Họ sẽ băn khoăn vì sao chủ trương không tổ chức cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã hiện đang là cấp huyện.

"Sau khi cân nhắc rất kỹ, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, không tổ chức cấp huyện", ông Tuấn cho hay.

Bộ Chính trị, Trung ương cũng thống nhất tổ chức mô hình tương đối gọn nhẹ, để bảo đảm hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân… 

Theo đó, giữ nguyên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo), tới đây sẽ có khoảng 12-13 đặc khu theo phương án trình của các địa phương./.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Dự kiến bố trí biên chế cấp xã; định hướng biên chế đơn vị sự nghiệp sau sắp xếp đơn vị hành chính

Dự kiến bố trí biên chế cấp xã; định hướng biên chế đơn vị sự nghiệp sau sắp xếp đơn vị hành chính

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để biên chế cấp xã khi sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới.

Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU và THỜI ĐIỂM NGHỈ HƯU

Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU và THỜI ĐIỂM NGHỈ HƯU

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Năm 2025, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 8 tháng; năm 2026, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi 6 tháng, lao động nữ sẽ là 57 tuổi;...

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về DẠY THÊM, HỌC THÊM

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về DẠY THÊM, HỌC THÊM

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.

TOÀN VĂN: Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

TOÀN VĂN: Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử từ 1 triệu đồng trở xuống.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi