CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Cần có chính sách nâng mức đãi ngộ nhân viên y tế, thu hút nhân lực phục lâu dài trong hệ thống y tế công lập

06:06 - 28/02/2023

(Chinhphu.vn) - Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị với Đoàn giám sát của Quốc hội cần có chính sách nâng mức đãi ngộ đối với nhân viên y tế, thu hút nhân lực phục vụ lâu dài trong hệ thống y tế công lập, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Rất cần chế độ đãi ngộ tương xứng đối với bác sĩ, nhân viên y tế - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh Hoàng Ngọc

Điểm sáng của Quảng Ninh là chính sách luân chuyển cán bộ, nhân viên y tế

Qua giám sát thực tế tại tỉnh Quảng Ninh, Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" ghi nhận, Quảng Ninh là một trong những địa phương gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch COVID-19. 

Với đặc thù có biên giới đường bộ với Trung Quốc, có cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng biển, đối mặt với nguy cơ lây lan dịch COVID-19 rất cao, nhưng tỉnh đã chủ động, quyết liệt, giữ vững địa bàn an toàn để duy trì sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; không ngừng nâng cao năng lực của y tế cơ sở, nhất là y tế dự phòng, y tế học đường bảo đảm có đủ khả năng xử lý kịp thời, ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống.

Điểm sáng của tỉnh Quảng Ninh theo ghi nhận của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh là đã triển khai chính sách luân phiên với bác sĩ từ đơn y vị y tế tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và từ tuyến huyện xuống tuyến xã làm việc có thời hạn, nhằm bổ sung ngay bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở, triển khai hoạt động chuyên môn theo vị trí việc làm. 

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã bổ sung hơn 50 lượt bác sĩ luân phiên từ các trung tâm y tế xuống xã còn thiếu bác sĩ, để bảo đảm mỗi trung tâm y tế đều có bác sĩ làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá, đây là một trong những hình thức đào tạo, chuyển giao và đúc rút kinh nghiệm, rèn luyện, quy hoạch cán bộ. 

Tuyến trên chuyển giao kỹ thuật và thu được kinh nghiệm trong công tác chuyên môn và quản lý từ cơ sở; tuyến dưới lên tuyến trên được tiếp nhận kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn, nhiệm vụ do tuyến trên chuyển giao.

Quảng Ninh rất sáng tạo trong phòng, chống dịch; đi đầu cả nước về ứng dụng CNTT trong y tế

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường cũng đánh giá tỉnh Quảng Ninh rất sáng tạo trong cách phòng, chống dịch. 

Cụ thể là, Quảng Ninh không mua sắm quá nhiều trang thiết bị phục vụ cho phòng chống dịch, mà tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, như mượn giường của các trường học làm giường bệnh. 

Y tế dự phòng không quy định cứng, bất cứ trường học nào cũng phải có y tế trường học. Căn cứ trên điều kiện của nhà trường, tỉnh cho phép, trường học ký hợp đồng với trạm y tế xã để thực hiện chăm sóc y tế cho học sinh. 

Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đầu tiên trên toàn quốc triển khai hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm trên phần mềm đến trạm y tế xã, cùng với việc triển khai phần mềm quản lý sức khỏe người dân và phần mềm khám, chữa bệnh tại trạm y tế. 

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng chỉ ra, vướng mắc tại tỉnh Quảng Ninh là hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử mới chỉ thực hiện cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế, chưa quản lý tới người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế, người dân khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế tư nhân.

Thu nhập, phụ cấp quá thấp khiến cán bộ, nhân viên y tế không muốn gắn bó với nghề

Bên cạnh những điểm sáng, tỉnh Quảng Ninh cũng gặp những vướng mắc như các địa phương khác đó là năng lực y tế cơ sở còn hạn chế. 

Tham gia Đoàn giám sát, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế Trần Thị Mai Oanh cho biết, ngay tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, có 11 trạm y tế xã nhưng năng lực cung ứng dịch vụ chỉ đạt 50% theo quy định. 

Số lượng thuốc ở các trạm y tế này cũng rất ít. Sắp tới, tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm, có giải pháp mở rộng các dịch vụ ở trạm y tế xã.

Từ thực tiễn giám sát tại trạm y tế xã Điền Xá, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, Đoàn giám sát cũng nhận thấy, khó khăn lớn nhất là thu nhập của cán bộ quá thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế. 

Theo quy định, chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế, tiền trực ngày thường cán bộ y tế cơ sở được hưởng là 18.750 đồng/ngày; trực thứ 7, chủ nhật hưởng 47.500 đồng/ngày; ngày lễ tết hưởng 60.000 đồng/ngày, bao gồm cả tiền ăn. 

Thế nhưng, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Điền Xá Lô Thị Tần chia sẻ, thực nhận còn thấp hơn quy định (trực ngày thường chỉ 17.800 đồng/1ngày). 

Phụ cấp thấp cũng là một trong những lý do khiến cán bộ, nhân viên y tế không muốn gắn bó với nghề, không nhiệt tình với công việc.

Tiền lương thấp không tuyển được nhân lực vào phòng y tế huyện

Đối với Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bị giảm sút, kéo theo thu nhập tăng thêm giảm sút, 2 bác sĩ đã nghỉ việc. 

Trong khi đó, cán bộ, công chức tuyển dụng vào làm việc ở phòng y tế cấp huyện phải có trình độ chuyên môn đại học về y hoặc dược, với chế độ tiền lương thấp, cơ hội việc làm và chế độ tiền công ở cơ sở y tế ngoài công lập, các bệnh viện cao hơn rất nhiều, nên không tuyển dụng được công chức vào làm việc tại phòng y tế cấp huyện.

Trước thực tế này, tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị với Đoàn giám sát của Quốc hội, cần có chính sách nâng mức đãi ngộ đối với nhân viên y tế, thu hút nhân lực phục vụ lâu dài trong hệ thống y tế công lập, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. 

Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/QĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. 

Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/201/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế.

Khẳng định sẽ tiếp thu các kiến nghị của tỉnh và xem xét đưa vào Báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội nêu rõ, để các trạm y tế thực hiện tốt vai trò “người gác cổng” chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, rất cần có chế độ đãi ngộ tương xứng, động viên đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, từ đó thu hút họ làm việc và cống hiến nhiều hơn./.