ĐBQH Nguyễn Văn Thuận đồng tình và đánh giá cao việc kịp thời bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Việc xây dựng và ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng QĐND tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong tình hình mới, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tế triển khai thi hành Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam hiện hành.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc trình và cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây, ĐBQH Nguyễn Văn Thuận đề nghị một số nội dung trong Dự án Luật cần giải trình thêm về căn cứ pháp lý và làm rõ một số nội dung về mục tiêu, nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách trong Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cụ thể, về chính sách nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, việc Cơ quan soạn thảo đề nghị tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan từ 01 đến 04 tuổi tương ứng với cấp bậc quân hàm từ cấp úy đến Đại tá để cân đối với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và mức hưởng lương hưu tối đa 75% theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Về chính sách này đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ trong Dự án Luật một số vấn đề sau:
(1) Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan cấp úy 50 tuổi, Thiếu tá 52 tuổi nếu tính học xong lớp 12 nhập ngũ hoặc vào năm thứ nhất các học viện, nhà trường quân đội thì đến hạn tuổi cao nhất cũng chưa đủ 35 năm công tác để khi nghỉ hưu được hưởng 75% lương. Cơ quan soạn thảo có giải pháp gì? Đề nghị giải trình cụ thể;
(2) Trong 6 cấp bậc quân hàm có 4 bậc cấp hàm hạn tuổi nam và nữ bằng nhau, còn Trung tá, Thượng tá và Đại tá nữ lại kém 01 tuổi. Cần nêu rõ căn cứ có tính pháp lý;
(3) Nếu thực hiện cơ cấu, số lượng đội ngũ cán bộ không giữ được ổn định như hiện nay mà sẽ gây ùn tắc, dư thừa cán bộ, do số cán bộ cấp phân đội biến động nhanh, hằng năm vẫn phải đào tạo bổ sung, nếu tăng hạn tuổi thì số chuyển ra giảm (nhất là những năm đầu tăng tuổi) dẫn đến thừa cán bộ, cần giải trình, giải pháp cụ thể thế nào để giải quyết vấn đề này?
(4) Ở các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu sẽ khó đáp ứng về mặt sức khỏe trong thực hiện nhiệm vụ khi tăng hạn tuổi đối với từng cấp bậc quân hàm. Cơ quan soạn thảo cần giải trình cụ thể vì sao trước đây cho rằng hạn tuổi ở các đơn vị chiến đấu như quy định Luật Sĩ quan hiện tại và quy định tại Thông tư số 08/2020/TT-BQP ngày 17/01/2020 của Bộ Quốc phòng là phù hợp, nay trong Dự án Luật lại tăng?
Đề nghị xem xét cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện
Thông tin từ Quochoi.vn, cũng theo ĐBQH Nguyễn Văn Thuận, trong chính sách về quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan QĐND Việt Nam có giải trình nhiều căn cứ để quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh.
Tuy nhiên, tại Dự thảo 2 Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của Cục trưởng Cục Thi hành án là Thiếu tướng trong khi tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ của ngành thi hành án dân sự trong Quân đội không có thay đổi. Đề nghị cơ quan soạn thảo nêu căn cứ có tính thuyết phục và giải trình cụ thể hơn.
Đối với cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện chưa thấy đề cập trong Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét?
Cần đề xuất quy định cụ thể và có căn cứ, giải trình cụ thể, rõ ràng có tính bắt buộc về quy định nhà ở, tiền lương
Về một số nội dung trong Dự án Luật liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan như: Về nhà ở; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở cho Quân đội nhân dân; tiền lương... ĐBQH Nguyễn Văn Thuận đề nghị: Cơ quan soạn thảo cần đề xuất quy định cụ thể và có căn cứ, giải trình cụ thể, rõ ràng có tính bắt buộc về quy định này không nên quy định chung chung là “ưu tiên...”
Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Dự án Luật có đề cập nhiều khó khăn đối với quân nhân liên quan đến thu nhập, công tác xa nhà,..nhưng chưa thấy cơ quan soạn thảo đề xuất giải pháp khắc phục?
"Hiện tại những vấn đề mà quân nhân tại chức đang chờ quy định của Luật là: Khi được điều động công tác (thuyên chuyển - nhưng không nhiều) đến đơn vị mới nếu đưa vợ con cùng đi thì chưa có quy định địa phương phải bố trí công việc phù hợp cho vợ sĩ quan chuyển đến và bắt buộc phải nhận con sĩ quan vào trường, lớp học...
Hoặc khi có vướng mắc trong cuộc sống về đất đai, nhà cửa, tài sản, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính... mà sĩ quan đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo hoặc đơn vị đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu thì hầu như không có điều kiện và thời gian tham gia để giải quyết vụ việc.
Ngay trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 trong 14 đối tượng người được trợ giúp pháp lý không có đối tượng là quân nhân. Cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét những vấn đề này". ĐBQH Nguyễn Văn Thuận đề nghị.