Thực hiện tự chủ: Không ít khó khăn, thách thức
Việc áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhờ cơ chế này, các đơn vị sự nghiệp có thêm nhiều quyền tự chủ trong hoạt động, từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai cơ chế này cũng gặp không ít khó khăn và thách thức. Một trong những vấn đề nổi cộm là nhiều đơn vị sự nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc vận hành theo cơ chế mới.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể do hệ thống pháp luật quy định về vấn đề này còn chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu hụt nguồn lực tài chính, năng lực quản lý còn hạn chế. Cụ thể, nhiều đơn vị không có nguồn thu ổn định, gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi phí hoạt động và đầu tư cho phát triển.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý có đủ năng lực và kinh nghiệm để điều hành hoạt động theo cơ chế tự chủ, dẫn đến tình trạng sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả.
Tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, để khắc phục những khó khăn và thách thức trên, cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị.
Các cấp chính quyền cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho các đơn vị sự nghiệp trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ.
Cần xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động một cách khoa học, khách quan, để đánh giá đúng mức đóng góp của các đơn vị sự nghiệp trong công tác sự nghiệp.
Nếu thực hiện tự chủ được, đơn vị tự chủ hoàn toàn có thể tự chủ về tổ chức bộ máy
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nhấn mạnh, tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và ở bệnh viện nói riêng là chính sách đúng đắn, có ý nghĩa lớn trong sắp xếp biên chế, tổ chức, bố trí người làm việc.
Nguồn ngân sách tiết kiệm và số lượng suất biên chế tinh giản được nhờ việc tự chủ các bệnh viện cần được Bộ Y tế sử dụng để tăng cường hệ thống y tế cơ sở, hoặc củng cố bộ phận thuộc về hành chính bắt buộc, để tránh những bất cập của chính sách đồng loạt tinh giản biên chế 10%, giúp giải quyết được những yêu cầu cấp thiết của công việc.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện tự chủ ở các bệnh viện cần được thực hiện ở mức độ hợp lý, có cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tư nhân hóa các bệnh viện công.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, thực hiện được tự chủ trong những lĩnh vực an sinh xã hội là điều kiện rất tốt để có thể tự chủ về tổ chức bộ máy và tự chủ về nguồn thu cho các đơn vị. Đây là những điều kiện sống liên quan đến nhân sự.
Đại biểu cho biết, chúng ta đang giảm số lượng viên chức, công chức trong các hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên quan điểm của Chính phủ và Bộ Nội vụ là giảm số lượng công chức, viên chức được hưởng từ nguồn ngân sách, còn nếu thực hiện tự chủ được, có nguồn thu thì đơn vị tự chủ hoàn toàn có thể tự chủ về tổ chức bộ máy.
Cần cơ chế, chính sách để y tế, giáo dục tự chủ
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, cần có những cơ chế, chính sách và cách làm để chúng ta có thể thực hiện tự chủ được với y tế và giáo dục, vốn là 2 ngành an sinh xã hội rất quan trọng với đời sống người dân.
Theo đó, cần tính được định mức kinh tế kỹ thuật của từng dịch vụ, nhất là trong y tế.
Theo thống kê hiện nay, có tới gần 20.000 dịch vụ, danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh và mỗi dịch vụ, danh mục kỹ thuật cần phải có định mức kinh tế kỹ thuật, đồng thời chưa kể tới những dịch vụ dự phòng, tất cả những dịch vụ dự phòng cũng phải tính định mức kinh tế kỹ thuật để thực hiện việc đặt hàng và chúng ta thực hiện việc tính định mức.
Cần phải có quan điểm rất rõ ràng trách nhiệm xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là trách nhiệm của địa phương hay trách nhiệm của các bộ ngành.
Đại biểu cho rằng, cần phải giải quyết nội dung này một cách triệt để có thể đảm bảo việc tự chủ trong lĩnh vực y tế hay giáo dục hay một số những lĩnh vực khác.
Quan tâm đến vấn đề tự chủ ở các trường đại học, đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết trao quyền tự chủ về tài chính và quản lý cho các trường đại học lớn.
Đại biểu nêu rõ, bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua phát triển các trường đại học có định hướng nghiên cứu đổi mới sáng tạo và đại học khởi nghiệp đang trở thành xu thế.
Nhiều trường đại học trên thế giới, ví dụ tiêu biểu là Học viện Công nghệ Massachusetts của Hoa Kỳ, chính là vườn ươm các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo động lực phát triển rất lớn cho nền kinh tế.
Nâng lương y tế, giáo dục: Từ nguồn ngân sách hay nguồn tự chủ? Cần xem xét kỹ!
Phản ánh ý kiến người dân tại các phiên tiếp xúc cử tri, đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, việc nâng lương đội ngũ y tế và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông công lập là đáng mừng.
Tuy nhiên, cần xem xét kỹ, việc nâng lương cho 2 ngành này từ nguồn ngân sách nhà nước hay từ nguồn thu tự chủ.
Nếu là nguồn thu tự chủ đối với ngành y tế thì người bệnh phải đóng thêm số tiền lớn.
Người không có bảo hiểm sẽ càng gặp khó khăn, thậm chí không có tiền đi bệnh viện, như vậy sẽ không đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Đối với ngành giáo dục, chi phí tự chủ nghĩa là học sinh phải đóng học phí theo quy định của các trường công lập sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, bởi hầu hết là con em cán bộ, công chức, viên chức, lương phụ cấp hiện tại rất thấp.
Đối với bậc đại học tự chủ như hiện tại, nhiều học sinh có năng lực cũng sẽ phải bỏ giấc mơ vào đại học để đi kiếm sống, vì gia đình không có điều kiện đóng học phí, như vậy đất nước sẽ gặp khó khăn về thu hút nhân tài.
Cùng chia sẻ về những khó khăn trong thực hiện tự chủ ở các trường đại học, đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, với các trường đại học thực hiện tự chủ, nguồn thu chính thì vẫn là học phí, các nguồn thu thì còn lại không lớn.
Khi Nhà nước cắt giảm chi thường xuyên, chi đầu tư thì các trường cũng phải tự trang trải kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trả lương cho giáo viên, dẫn tới phải tăng học phí.
Học phí tăng cao sẽ trở thành rào cản đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm kiểm soát sự tăng thu, mức học phí của các trường đại học, có chính sách hợp lý để việc tăng học phí được thực hiện theo lộ trình, tạo thêm các gói hỗ trợ cho sinh viên gặp khó khăn trong tài chính, để mở rộng hơn cánh cửa cơ hội cho các em thực hiện giấc mơ của mình.
Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh, phải có những chính sách để chủ động hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho các trường đại học thực hiện tự chủ./.