Phát sinh nhiều vấn đề về bảo hiểm xã hội khi cải cách tiền lương
Báo cáo các đại biểu Quốc hội chuyên trách về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, cơ quan thâm tra là Ủy ban Xã hội phân tích rõ tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến quy định trong dự thảo luật này.
Cơ quan thẩm tra cho biết, khi Chính phủ trình Quốc hội dự án luật đã chưa tính đến thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, nên chưa dự liệu hết được tác động của việc thay đổi này đến các quy định có liên quan trong dự thảo luật.
Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ “bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới”.
Như vậy, từ ngày 1/7, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến dự thảo luật.
Đầu tiên, theo Ủy ban Xã hội chỉ rõ, do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu; không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội và một số chế độ quy định ở các luật khác.
Thêm nữa, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, dẫn đến tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng lên đáng kể. Điều này sẽ làm tăng phần chi ngân sách Nhà nước đóng cho những đối tượng này.
Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra, việc cải cách tiền lương sẽ làm phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024, nếu không thực hiện điều chỉnh cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm này khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Theo đó, nếu nghỉ hưu sau thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương (1/7/2024) từ 4 đến 6 năm, lương hưu của người nghỉ hưu sau khi thực hiện chính sách tiền lương đã tăng 40-50% so với những người nghỉ hưu trước khi thực hiện chính sách tiền lương mới.
Làm rõ căn cứ để tính và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Từ thực tế những tác động này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận định còn nhiều vấn đề Chính phủ cần phải làm rõ.
Theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần làm rõ căn cứ để tính quy đổi thành mức tiền tuyệt đối khi chuyển xếp lương mới (bỏ “mức lương cơ sở” và hệ số), mức sàn an sinh xã hội tối thiểu và căn cứ tính.
Cạnh đó, làm rõ căn cứ để tính và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Cơ cấu tiền lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định, theo cơ quan thẩm tra, cũng cần làm rõ bao gồm các khoản phụ cấp nào.
Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ những vấn đề phát sinh cụ thể về lương hưu, các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với lượng vũ trang (công an, quân đội), do nhóm đối tượng này có những đặc thù khác với khu vực dân sự (hệ số lương 1,8; tuổi nghỉ hưu thấp hơn...) và biện pháp xử lý.
Rà soát đầy đủ và báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả quy định việc thay thế “mức lương cơ sở” hiện hữu trong nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan, cũng là nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị.
Phải sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu
Báo cáo cho thấy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi những quy định về cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần; việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và các quy định liên quan đến “mức lương cơ sở” trong dự thảo luật.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đề xuất phương án sửa đổi cụ thể trên cơ sở giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
“Cải cách tiền lương là vấn đề lớn và khó, tác động đến nhiều đối tượng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ cụ thể của bảo hiểm xã hội”, Thường trực Ủy ban Xã hội nêu ý kiến.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến Quốc hội sẽ bấm nút thông qua tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới đây./.