Sáng 26/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tháng Công nhân năm 2024 và là hoạt động tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).
6 điểm rút ra từ các tham luận tại Diễn đàn
Phát biểu tổng kết Diễn đàn và truyền thông điệp đến cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất vui mừng được tham dự sự kiện này, hoà chung không khí phấn khởi của cả nước trong những ngày tháng 5 lịch sử.
Diễn đàn này càng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024).
Thủ tướng cho biết nhân Diễn đàn quan trọng này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và toàn thể người lao động cả nước.
Đồng thời thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể các đồng chí lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.
Thủ tướng đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lựa chọn chủ đề rất đúng, rất trúng, rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, đánh giá cao báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các đại biểu, đại diện người lao động, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu.
Trong đó, có nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, rất tích cực, phản ánh rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong nâng cao năng suất lao động (NSLĐ); đưa ra những mô hình tốt, cách làm hay; đặc biệt là đề xuất, kiến nghị những giải pháp sâu sắc, cụ thể.
Thủ tướng cho biết, cá nhân ông nhận thấy 6 điểm chung trong các tham luận: Yêu nghề, yêu lao động; luôn học hỏi, đề cao kiến thức và tay nghề; tuân thủ kỷ luật, vệ sinh, an toàn lao động và xây dựng môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng; luôn đổi mới sáng tạo; được đãi ngộ thỏa đáng về vật chất, tinh thần, nhất là về tiền lương, phúc lợi xã hội, khen thưởng, tôn vinh, người lao động; Chính phủ, Công đoàn và các chủ thể liên quan phải xây dựng hệ sinh thái lao động tốt.
Điều xuyên suốt là: Con người là trung tâm, chủ thể của tăng NSLĐ, của sự phát triển; con người vừa là mục tiêu, vừa là nguồn lực, động lực của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, như Đảng và Nhà nước ta đã đúc kết.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của đoàn viên, người lao động; tập trung rà soát, tiếp thu tối đa để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện.
Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu và có giải pháp cụ thể đối với những ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để triển khai trong thời gian tới; tạo môi trường sinh thái tốt nhất cho người lao động phát huy tính sáng tạo, đổi mới, yêu nước, yêu nghề.
Theo Thủ tướng, NSLĐ là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.
Lịch sử kinh tế thế giới chứng minh NSLĐ là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của từng quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển.
Nhà Lãnh tụ cộng sản vĩ đại Karl Marx đã từng khẳng định: NSLĐ là cái đảm bảo cho sự thắng lợi của trật tự xã hội này đối với một trật tự xã hội khác. Gần đây, Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: "Năng suất không phải là tất cả nhưng nó gần như là tất cả".
Trong thế giới ngày nay, tăng NSLĐ là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Thủ tướng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến NSLĐ và chú trọng những giải pháp tăng NSLĐ.
Tăng NSLĐ xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng. Cụ thể, Đại hội XII đề ra chỉ tiêu tăng NSLĐ xã hội bình quân khoảng 5%/năm cho giai đoạn 2016-2020; Đại hội XIII đề ra mục tiêu tăng NSLĐ xã hội bình quân trên 6,5%/năm cho giai đoạn 2021-2025.
Để tăng NSLĐ, từ Đại hội lần thứ XI đến nay, Đảng ta đã xác định rõ phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược (cùng với thể chế và hệ thống kết cấu hạ tầng).
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - đây chính là những nhân tố căn bản, cốt lõi và tạo nền tảng để tăng NSLĐ nhanh và bền vững.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, trong đó có nhiệm vụ: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để cụ thể hóa những chủ trương theo Nghị quyết Đại hội Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến nâng cao NSLĐ.
Đặc biệt, ngày 08/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1305 phê duyệt "Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ đến năm 2030" với mục tiêu đặt ra là: Đến năm 2030, NSLĐ trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
NSLĐ của nước ta tăng trưởng tích cực và liên tục
Thủ tướng chỉ rõ: Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, NSLĐ của nước ta tăng trưởng tích cực và liên tục trong suốt gần 40 năm đổi mới và hội nhập.
Từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.
Theo WB, tính theo sức mua tương đương (PPP), trong giai đoạn 2021-2022, NSLĐ Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của thế giới là 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á (NSLĐ bình quân của Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Philippines lần lượt là 5,8%, 3,7%, 3,3%, 2,2%, 1,9% và 1,2%; trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng lần lượt 3,5%, 1,7% và 1,5%).
Tăng NSLĐ đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Chúng ta khẳng định: Đạt được những kết quả quan trọng trên đây là nhờ chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự nỗ lực của từng người lao động, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn bộ đội ngũ công nhân, người lao động trên cả nước trong việc hăng hái thi đua lao động sản xuất, tăng NSLĐ, đóng góp cho thành tựu chung của đất nước.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, việc thực hiện mục tiêu tăng NSLĐ ở nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, như nhiều đại biểu đã nêu.
Mặc dù đã có sự cải thiện nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp; trong giai đoạn 2021-2023, tỉ lệ tăng NSLĐ thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm.
Xét theo giá trị tuyệt đối, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực: NSLĐ của Việt Nam năm 2022 chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.
Khoảng cách về NSLĐ và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn. Các yếu tố nền tảng cho tăng NSLĐ nhanh và bền vững vẫn còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, chưa thực sự có bước đột phá…; như hạ tầng, chuyển dịch lao động từ nông thôn sang thành thị, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức…
Theo Thủ tướng, thời gian tới, bối cảnh tình hình quốc tế dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, như nhiều đại biểu đã nêu. Trong đó có thể khái quát, về tổng thể thì hoà bình nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hoà hoãn nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định nhưng cục bộ lại có xung đột. Kinh tế thế giới gặp những cơn gió ngược cho sự phát triển.
Đất nước ta vẫn còn những khó khăn, thách thức do một thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, xuất phát điểm thấp, năng lực nội tại còn hạn chế, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao, độ mở lại lớn nên chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ phát triển bùng nổ, thay đổi hàng ngày, nâng cao NSLĐ trở thành một vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng NSLĐ
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng NSLĐ.
"3 đẩy mạnh" bao gồm:
(1) Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
(2) Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
(3) Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng NSLĐ.
"3 tiên phong" bao gồm:
(1) Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
(2) Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
(3) Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng NSLĐ, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng NSLĐ.
"3 bứt phá" bao gồm:
(1) Bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề.
(2) Bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, hydrogen…
(3) Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Sáu nội dung trọng tâm
Về các nhiệm vụ, giải phát trọng tâm tăng NSLĐ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp cùng chung tay tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng NSLĐ theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng NSLĐ (xuất phát từ công thức: NSLĐ xã hội = GDP/Lao động bình quân trong năm). Trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn.
Năm là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nâng cao tỉ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hoá nông nghiệp.
Sáu là, chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về đãi ngộ, tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là về nhà ở, triển khai tốt chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng NSLĐ
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng NSLĐ.
Phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, phát triển kĩ năng nghề cho người lao động.
Cùng với đó, thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động, nhà nghiên cứu và kiến nghị giải pháp phù hợp. Chú trọng công tác thương lượng, đối thoại, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc. Đổi mới công tác khen thưởng, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng NSLĐ, tôn vinh người lao động.
Có chế độ tiền lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp - chủ thể chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ xanh.
Tăng NSLĐ, tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp, xanh.
Có chế độ lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt
Phát huy hơn nữa vai trò của người lao động
Thủ tướng đề nghị toàn thể anh chị em công nhân, người lao động phát huy hơn nữa vai trò của người lao động - chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra của cải, vật chất và tinh thần cho xã hội.
Không ngừng trau dồi, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng, hiệu quả.
Nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc với nhận thức sâu sắc rằng NSLĐ gắn liền với thu nhập, chất lượng cuộc sống của chính bản thân, gia đình và mang lại lợi ích cho đất nước.
Kết thúc bài phát biểu, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Nâng cao NSLĐ là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
"Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, với tinh thần "Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước", nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam, toàn thể đoàn viên, người lao động cả nước sẽ chung tay, chung sức, đồng lòng cùng cả nước, phát huy truyền thống của dân tộc ta, đất nước ta "càng áp lực lại càng nỗ lực", huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao", Thủ tướng phát biểu./.