Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh.
Tại đây, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Văn Tuấn báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp thứ 6 diễn ra 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 29/11). Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Kỳ họp đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Giám sát tối cao chuyên đề về “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn cùng một số nội dung quan trọng khác.
Góp phần vào sự thành công chung của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã tham gia tích cực vào toàn bộ nội dung chương trình của Kỳ họp.
Tham dự Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã có 22 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 18 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường. Các ý kiến phát biểu thảo luận, tham luận, tranh luận đều thẳng thắn, trách nhiệm, đóng góp vào nội dung các báo cáo, dự thảo luật, nghị quyết, được Chủ tọa kỳ họp, cơ quan soạn thảo, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp thu, giải trình.
Sớm cải cách chế độ tiền lương để tránh tình trạng giáo viên bỏ việc
Tại buổi tiếp xúc, các ĐBQH tỉnh Bắc Giang được nghe cử tri phản ánh, đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận được 15 ý kiến phát biểu tại hội trường. Cử tri Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ sớm cải cách chế độ tiền lương cho viên chức ngành Giáo dục để tránh tình trạng giáo viên bỏ việc, chuyển việc trong khi tỷ lệ giáo viên/lớp của các cấp bậc học hiện nay còn thiếu nhiều so với quy định, gây khó khăn cho ngành Giáo dục.
Cùng đó, xem xét bổ sung biên chế đối với sự nghiệp giáo dục giai đoạn 2024-2030 để bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp và không thực hiện tinh giản biên chế với tỉ lệ 10% đối với ngành Giáo dục trong giai đoạn tới.
Để thực hiện chế độ tiền lương phải thực hiện sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm
Một số cử tri phản ánh, để thực hiện chế độ tiền lương cần phải thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ theo đề án vị trí việc làm và thăng hạng chức danh nghề nghiệp…
Thực tế hiện nay của tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung có một số khó khăn như: Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp và bố trí viên chức theo vị trí việc làm theo quy định phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng một số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp quy định độc quyền do một cơ sở đào tạo bồi dưỡng có thẩm quyền (kế toán), hoặc chưa có chương trình bồi dưỡng (kỹ sư, tuyên truyền viên…).
Bên cạnh đó một số chức danh số lượng công chức, viên chức ít, không đủ tổ chức lớp bồi dưỡng (chức danh nghề nghiệp họa sĩ, kỹ sư…) gây khó khăn cho công chức, viên chức có nhu cầu hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện.
Đề nghị sớm ban hành 5 bảng lương mới theo nghị quyết số 27-NQ/TW
Về vấn đề tiền lương, cử tri Nguyễn Văn Hanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang kiến nghị Trung ương sớm ban hành 5 bảng lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW và có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới để dễ thực hiện.
Đồng thời, cần quan tâm có chính sách để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khối Đảng, đoàn thể tỉnh để khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới không thấp hơn mức tiền lương hiện tại đang hưởng (do cắt giảm các khoản phụ cấp khối Đảng, đoàn thể).
Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để cán bộ được luân chuyển, điều động xuống cơ sở yên tâm công tác và bảo đảm mức thu nhập không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Thực hiện tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Cử tri Nguyễn Văn Hanh nêu ý kiến: Hiện nay, việc tinh giản biên chế vẫn còn mang tính cơ học và chủ yếu giảm từ số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu, chưa xuất phát từ việc sàng lọc, loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.
Trên cơ sở đó, cử tri đề nghị Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý biên chế trong hệ thống chính trị; tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời mở rộng thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan, đơn vị để các đơn vị chủ động sử dụng bảo đảm hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sớm thực hiện trả tiền lương theo đề án vị trí việc làm
Một số cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 theo hướng, thời điểm trả lương cho người lao động hưởng lương theo tháng do hai bên thỏa thuận nhưng không được quá một khoảng thời gian nhất định để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Đồng thời, bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đúng việc trả lương cho người lao động theo thang, bảng lương đã xây dựng.
Các đại biểu mong muốn Quốc hội sớm cho triển khai thực hiện việc trả lương theo đề án vị trí việc làm, vì hiện nay các cơ quan, đơn vị đã thực hiện bố trí việc làm theo đề án được phê duyệt. Việc trả lương theo vị trí việc làm sẽ tạo động lực để đội ngũ công chức, viên chức yên tâm công tác.
Ngoài ra, các cử tri còn kiến nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách dành cho đối tượng là thanh niên tình nguyện; chỉ đạo cơ quan chức năng sớm công bố mức sống tối thiểu hàng năm cho các vùng để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu...
Giữ nguyên biên chế của các hội đặc thù và đưa vào nghị quyết của HĐND tỉnh để có nguồn chi trả tiền lương
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Dương Văn Thái ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các cử tri, đồng thời trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến các câu hỏi của cử tri như: Về tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục, các ĐBQH thời gian tới sẽ tiếp tục có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ để có giải pháp phù hợp trong bối cảnh hầu hết các địa phương đều đang thiếu giáo viên trực tiếp đứng lớp.
Đối với ý kiến về biên chế của các Hội đặc thù, đồng chí Dương Văn Thái cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã bàn và có kết luận vẫn giữ nguyên biên chế của các Hội đặc thù và đưa vào nghị quyết của HĐND tỉnh Bắc Giang để có nguồn chi trả tiền lương; chế độ, chính sách vẫn là công chức, viên chức, vẫn có các quyền lợi như tăng lương, đề bạt, bổ nhiệm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang cũng đã giao cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang cùng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản báo cáo với Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương và Chính phủ để có hướng dẫn cụ thể, thống nhất.
Với các ý kiến thuộc thẩm quyền của Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp thu, tổng hợp, phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế Bắc Giang cao nhất cả nước
Tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Dương Văn Thái cũng thông tin đến các cử tri về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2023. Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả toàn diện. Đặc biệt tăng trưởng kinh tế đạt 13,45%, cao nhất cả nước.
Năm 2024 là năm tỉnh Bắc Giang xác định về đích để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Dương Văn Thái đề nghị sau khi có nghị quyết của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh, các cơ quan, đơn vị phải bám sát, xây dựng kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện.
Bí thư Bắc Giang đề nghị các cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh thời gian tới không ngừng nỗ lực rèn luyện để hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhất là thực hiện tốt các nội quy, quy chế, quy định của tỉnh, của cơ quan, đơn vị, địa phương./.