Chủ động tăng cường luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ
Trước phiên chất vấn ngày 20/3, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội Báo cáo một số nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực kiểm sát tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo đã phân tích, làm rõ nhiều nội dung quan trọng trong công tác của ngành kiểm sát nhân dân, trong đó có công tác cán bộ.
Báo cáo cho biết, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao luôn coi trọng công tác cán bộ; trong đó việc lựa chọn đúng và phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cấp Kiểm sát sẽ quyết định chất lượng công tác của toàn Ngành.
Từ nhận thức trên, Ban Cán sự đảng và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thống nhất ban hành các Nghị quyết cho một số chủ trương, biện pháp cụ thể như: Chủ động rà soát nguồn quy hoạch hiện có trên cơ sở đó có điều chỉnh, bổ sung các nhân tố mới và đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp còn hạn chế hoặc hết tuổi.
Có chủ trương tăng cường luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ và qua đó lựa chọn cán bộ thực sự nổi trội trong danh sách quy hoạch để bố trí, phân công nhiệm vụ ở các địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng hoặc lĩnh vực cần phải đổi mới, đột phá...
Trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp chủ động đổi mới phương pháp, hình thức đào tạo.
Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tập trung xây dựng kế hoạch dài hạn, tăng cường chất lượng đào tạo cho các cơ sở đào tạo của ngành.
Viện luôn coi trọng việc tự học, tự đào tạo, đào tạo qua phân công, kèm cặp cụ thể trong công việc; đào tạo theo chuyên đề chuyên sâu bằng hình thức trực tuyến từ cấp tối cao đến các cấp kiểm sát;...
Điều động, luân chuyển, biệt phái một loạt vụ trưởng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
Kết quả trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quy hoạch, đào tạo và báo cáo cấp có thẩm quyền bổ nhiệm 6 Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ nguồn tại chỗ, trong đó có 2 đồng chí trong nguồn quy hoạch Trung ương.
Đã điều động, luân chuyển, biệt phái nhiều Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và ngược lại Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh về giữ chức vụ Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao.
Chỉ riêng 2 năm 2021, 2022 đã có 32 cán bộ trong diện nêu trên được luân chuyển, điều động, biệt phái.
Hầu hết các cán bộ được lựa chọn, phân công đều phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ; các đơn vị có cán bộ được điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí đều phát huy năng lực, kết quả công tác của đơn vị được nâng lên, khắc phục được tồn tại, hạn chế trước đây.
Đề nghị tăng số lượng kiểm sát viên trong biên chế được giao
Báo cáo nhấn mạnh, để đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Ngành, VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội một số nội dung sau:
Thứ nhất: Xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, đáp ứng các yêu cầu kỷ luật, kỷ cương, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn tạo điều kiện cho cán bộ năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ nhằm tạo động lực phát triển đất nước.
Thứ hai: Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.
Đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.
Thứ ba: Tăng cường sự chỉ đạo, giám sát của Quốc hội đối với các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng pháp luật, giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan tư pháp.
Thứ tư: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng căn cứ vào nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế để giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành Kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra tội phạm như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Thứ năm: Đề nghị tăng số lượng Kiểm sát viên trong biên chế được giao, đảm bảo cho ngành Kiểm sát có đủ cán bộ có chức danh tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao./.