Ngày 26/8, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ tư, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Hội đồng Dân tộc đã cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai. Theo đó, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, nguồn lực đất đai đã được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất; bước đầu khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, tràn lan. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm.
Thiếu quy định phù hợp với phong tục, tập quán của một số dân tộc thiểu số trong sử dụng đất
Các đại biểu cũng chỉ rõ, nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp.
Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa tốt, thiếu quy định phù hợp với phong tục, tập quán của một số dân tộc thiểu số trong sử dụng đất.
Thu hồi đất của các nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho biết, theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, cả nước có 24.532 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, 210.400 hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất.
Tình trạng thiếu đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn diễn ra ở nhiều địa phương. Việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào di cư tự phát chưa được giải quyết thấu đáo, kéo dài.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai phải giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; rà soát, thu hồi đất của các nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả để tạo quỹ đất hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số.
Các đại biểu cũng đề nghị, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ với các luật có liên quan. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 chưa thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, dẫn đến công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ rừng gặp nhiều vướng mắc, một số quy định chưa tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế phù hợp, thu nhập ổn định và gắn bó với công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đây là những nội dung quan trọng, cần được thảo luận kỹ lưỡng trong quá trình sửa đổi, bổ sung.