Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang do Văn phòng Chính phủ chuyển đến với nội dung:
“Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hướng: Bổ sung đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trong giai đoạn từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2006 được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội”.
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, kể từ ngày 01/01/1995, Quỹ bảo hiểm xã hội tách độc lập khỏi ngân sách nhà nước, chính sách bảo hiểm xã hội thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng và thời gian (người lao động, người sử dụng lao động) đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội thì mới được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng bảo hiểm xã hội.
Tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, quy định: Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ đóng bằng 15% so với tổng quỹ tiền lương của những quân nhân, công an nhân dân hưởng lương; trong đó 10% để chi các chế độ hưu trí, tử tuất và 5% để chi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; đóng bằng 2% mức lương tối thiểu theo tổng số quân nhân, công an nhân dân thuộc diện hưởng sinh hoạt phí để chi 2 chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và chế độ tử tuất.
Tại điểm 2 Công văn số 993/BHXH-CĐCS ngày 26/4/2002 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tính thời gian công tác hưởng bảo hiểm xã hội đối với hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội sau ngày 15/12/1993, quy định: “Kể từ ngày 01/01/1995 trở đi theo quy định tại Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ, đối với hạ sĩ quan, binh sĩ hưởng sinh hoạt phí bản thân không phải đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, thời gian phục vụ tại ngũ không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội”.
Căn cứ các văn bản quy định nêu trên, việc nghiên cứu, sửa đổi khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ theo hướng bổ sung đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trong giai đoạn từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2006 được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội là không phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.