CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Ở các nước tiên tiến mớ rau, con lợn,… cũng 'chạy' qua sàn giao dịch, còn ta thì 'mua dấm, bán dúi', ép giá nhau

16:11 - 05/08/2022

(Chinhphu.vn) – Hiện các giao dịch ở Việt Nam hiện nay nói vui là mua dấm bán dúi thôi, ép giá nhau, không công khai. Do đó, cả về trước mắt và lâu dài, chúng ta phải tính một "bài toán dài hơi" để đảm bảo hoạt động thương mại, dịch vụ nhộn nhịp nhưng đi vào trật tự và văn minh hơn.

Ở các nước tiên tiến mớ rau, con lợn,… cũng 'chạy' qua sàn giao dịch, còn ta 'mua dấm, bán dúi', ép giá nhau - Ảnh 1.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Cả về trước mắt và lâu dài, chúng ta phải tính một bài toán dài hơi để đảm bảo hoạt động thương mại dịch vụ nhộn nhịp nhưng đi vào trật tự và văn minh hơn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Mười bó rau sạch, chín bó phải bán với giá rau không sạch

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú: Trong câu chuyện quản lý giá, quản lý chuỗi cung ứng hiện nay có vấn đề hạ tầng thương mại.

"Tôi điểm mấy chục chợ đầu mối ở Việt Nam thì chưa có chợ đầu mối nào có những sàn giao dịch. Tất cả những giao dịch của mình hiện nay nói vui là mua dấm bán dúi thôi, ép giá nhau, không công khai".

Ông cho biết: "Ở các nước tiên tiến họ có sàn giao dịch công khai. Mớ rau muống cũng chạy, con lợn cũng qua,… sàn giao dịch.

Còn siêu thị thì người ta đến đấy để mua về kinh doanh chứ không phải đến để xin siêu thị cho gửi hàng vào.

Như thế là hệ thống phân phối của chúng ta chưa phát triển. Cho nên mười bó rau sạch thì chúng ta mới có một bó vào siêu thị thôi, chín bó làm cho sạch cũng phải đi ra thị trường bán với giá rau không sạch. Rõ ràng cái giá trị của người nông dân bị suy giảm. Cái này là bài học các nước làm rồi.

Tôi nhớ, ông Đại sứ Pháp mới sang đây mấy năm thôi nhưng ông ấy cũng hiến kế tạo những sàn giao dịch cơ mà. Cho nên tại sao chúng ta không làm? Một bó rau muống của nông dân bán ngoài thị trường 2.000 nhưng vào sàn giao dịch lên 6.000. Như thế nông dân được hưởng thêm, người tiêu dùng cũng mua bán hết sức thoải mái, không bị ép giá và rõ ràng là điều có lợi cho xã hội".

Vấn đề giá là hết sức quan trọng

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú: "Vấn đề giá là vấn đề hết sức quan trọng, động chạm đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ cần xây dựng thương hiệu của mình, trong đó có thương hiệu về đạo đức, giao dịch, chia sẻ lợi nhuận hợp lý, không giành phần thắng cho mình.

Tôi cho đó là tâm đức cao nhất của người kinh doanh và như vậy sức sống của doanh nghiệp sẽ bền lâu".

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: Chúng ta không làm ăn chộp giật. Bàn tay hữu hình, vô hình của chúng ta phải can thiệp những lúc cần thiết. Như Malaysia, Singapore vừa rồi giá thịt gà có vấn đề thì lập tức phải có giá trần. Giá trần không phải là vĩnh viễn mà phải có thời gian để những người lợi dụng tỉnh ngộ lại, phục vụ cho người tiêu dùng tốt hơn và đừng vượt quá giới hạn.

Theo ông Vũ Vinh Phú: Phục vụ thị trường 97 triệu dân hiện nay là hết sức quan trọng. Vừa qua chỉ số giá chúng ta tương đối thấp so với các nước. Giá hàng nông sản của chúng ta tự túc được, tổ chức lưu thông tốt, giảm đứt gãy của chuỗi cung ứng và rõ ràng chúng ta xây dựng đạo đức kinh doanh. Như vậy góp phần cho chỉ số giá của chúng ta tốt hơn.

Cả về trước mắt và lâu dài, chúng ta phải tính một bài toán dài hơi để đảm bảo hoạt động thương mại dịch vụ nhộn nhịp nhưng đi vào trật tự và văn minh hơn, ông Vũ Vinh Phú bày tỏ.