CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

'Đánh trúng huyệt' chứ không dàn trải

16:56 - 05/08/2022

(Chinhphu.vn) – TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không nên phản ứng thái quá với câu chuyện giá cả vì đấy là câu chuyện của thị trường. Trong điều hành giá cần tập trung quản lý các nhóm mặt hàng làm CPI tăng nhanh. Đây là điểm rất quan trọng, vì chúng ta phải tập trung chứ không thể xử lý dàn trải được.

'Đánh trúng huyệt' chứ không dàn trải - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta cũng không nên lo lắng thái quá, sợ hãi với lạm phát mà không dám làm gì, vì như thế thì kinh tế lại đình trệ, dẫn đến thiếu nguồn cung và giá lại tăng.

Không nên phản ứng thái quá với câu chuyện giá cả

Nêu quan điểm về quản lý giá cả tại tọa đàm tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – thực trạng và giải pháp", chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng: Cần tính cả 2 nhóm giải pháp bao gồm trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính bền vững chính sách.

Với nhóm trước mắt, chúng ta phải đồng bộ các giải pháp cả kinh tế, hành chính và biện pháp thông tin tuyên truyền,...

"Đặc biệt là, không nên phản ứng thái quá với câu chuyện về giá cả vì đấy là thị trường", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Tập trung kiểm soát đúng trọng điểm, không thể xử lý dàn trải được

Thứ hai, phải làm rõ là chúng ta có thể tác động vào những cấu phần giá nào. Vì có những nhóm mặt hàng tăng giá, nhưng cũng có những nhóm lại giảm. Ví dụ phí giáo dục, công nghệ thông tin viễn thông vừa rồi giảm…

Theo TS. Cấn Văn Lực, chúng tôi phân tích, có 3 nhóm mặt hàng khiến chỉ số CPI tăng nhanh mạnh như vừa qua, chiếm đến 80%.

Một là nhóm có liên quan đến giao thông vận tải, chiếm tới 55%, về cơ bản vẫn do giá xăng dầu tăng. Thứ hai là lương thực thực phẩm, chiếm khoảng 13% tổng mức tăng của CPI. Thứ ba chính là nhà ở, vật liệu xây dựng…

Nhấn mạnh, cần phải tập trung kiểm soát cả ba nhóm này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Công điện 679 của Thủ tướng về cơ bản đã xử lý trúng 3 nhóm này. Theo ông, đây là điểm rất quan trọng, vì chúng ta phải tập trung chứ không thể xử lý dàn trải được.

Không thể làm triệt để nếu người dân, doanh nghiệp không vào cuộc

Về câu chuyện thanh tra kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý giá, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ đồng tình là phải làm nhưng lưu ý là "chúng ta không thể làm hết, không thể làm triệt để nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp không vào cuộc". Chính vì vậy phải có giải pháp để làm sao tăng cường thêm ý thức của cả doanh nghiệp và người dân.

Với doanh nghiệp, biện pháp trước mắt có thể là truyền thông để họ nhận thức tốt hơn. Thứ hai là kiểm tra giám sát. Thứ ba là phải tạo được văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam. Đây là biện pháp cả trước mắt và lâu dài.

Với người dân, đúng là có thể phản ánh, có thể báo cáo nhưng một vấn đề quan trọng nữa chính là thực hành tiết kiệm. Cả doanh nghiệp, cả các bộ ngành, cả người dân, trong thời buổi còn nhiều bấp bênh, lạm phát cao, thì phải thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm tốt cũng là phòng chống lạm phát tốt.

Chuyên gia Cấn Văn Lực hy vọng thời gian tới, giá cả xăng dầu thế giới, lương thực thực phẩm đi theo chiều hướng dịu hơn và giảm bớt. 

Ông cũng cho rẳng, chúng ta cũng không nên lo lắng thái quá, sợ hãi với lạm phát mà không dám làm gì, vì như thế thì kinh tế lại đình trệ, dẫn đến thiếu nguồn cung và giá lại tăng. Do đó, luôn luôn phải đảm bảo đủ nguồn cung, nhất là vào những thời kỳ trọng điểm.

Với Việt Nam, tâm lý lạm phát rất quan trọng. Người dân để ý các phát biểu của lãnh đạo, các cơ quan bộ ngành có liên quan và lập tức có dự báo, có hành vi kinh doanh. Chính vì thế, việc truyền thông rất quan trọng, để giảm bớt tâm lý lạm phát, hay hiện tượng vẫn gọi là "té nước theo mưa".

Quản lý giá: Phải bảo đảm hài hòa lợi ích, hai bên cùng có lợi

Bày tỏ đồng tình với chuyên gia, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT nhấn mạnh việc thực hiện quản lý giá phải theo định hướng thị trường xã hội chủ nghĩa, bảo đảm yếu tố cân đối vĩ mô có sự tăng trưởng, bảo đảm đời sống người dân, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, đôi bên cùng có lợi.

Ông Ngọc cũng đồng tình với ý kiến các chuyên gia về việc cần bảo đảm nguồn cung, cốt lõi là làm sao đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường. Ví dụ trong vận tải, cung phương tiện ít, nhu cầu vận tải lớn, dù kêu gọi áp dụng mệnh lệnh hành chính thì chỉ tác dụng nhất định. Quan trọng là làm sao đáp ứng cung đủ cầu, lúc đó tự thị trường điều tiết.

Thứ hai, yếu tố quan trọng là không chỉ cơ quan hành chính mà các doanh nghiệp cần phải vào cuộc, bảo vệ người tiêu dùng thì hiệp hội người tiêu dùng lên tiếng, hiệp hội vận tải lên tiếng. Không chỉ vì quyền lợi của doanh nghiệp vận tải mà đôi khi tuyên truyền các doanh nghiệp vận tải nhận thức về trách nhiệm chung. Vừa rồi các cơ quan báo đài tuyên truyền tích cực và đã có tác dụng tích cực tới thị trường.