Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến, với nội dung: “Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh các mức phụ cấp, trợ cấp đối với cán bộ Dân quân tự vệ ở cơ sở, mức trợ cấp ngày công đối với Dân quân tự vệ và quân nhân dự bị theo mức lương cơ sở hiện tại, tạo điều kiện cho cơ sở khi huy động, tập trung quân nhân dự bị làm nhiệm vụ” . Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
1. Mức phụ cấp, trợ cấp ngày công đối với Dân quân tự vệ
Về nội dung này, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ, trong đó có điều chỉnh tăng mức hưởng một số chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ theo mức lương cơ sở hiện hành (Tờ trình số 3037/TTr-BQP ngày 22/8/2023 của Bộ Quốc phòng).
Ngày 08/02/2024, Bộ Quốc phòng đã có Báo cáo số 523/BC-BQP giải trình tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP.
Phạm vi điều chỉnh theo hướng nâng mức hưởng một số chế độ, chính sách của Dân quân tự vệ, mức hưởng chế độ phụ cấp các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ; định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần Dân quân tự vệ; cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định “từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng”; ngày 27/11/2024 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tại điểm đ, khoản 3 Điều 12 quy định: “Dân quân thường trực được hưởng Bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm”.
Do vậy, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo Ban soạn thảo điều chỉnh dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng tăng mức hưởng một số chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ theo mức lương cơ sở mới 2.340.000 đồng/tháng và đối tượng được hưởng Bảo hiểm y tế (DQTT) để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, báo cáo và trình Chính phủ (Dự kiến Bộ Quốc phòng trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định tháng 12 năm 2024).
2. Mức trợ cấp gia đình đối với dự bị động viên
Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020; cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn Luật được ban hành, đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lực lượng dự bị động viên; theo đó Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 quy định trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên tham gia tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu tại điểm b khoản 1 Điều 4 “Thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu” Mức trợ cấp cho gia đình quân nhân dự bị được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 79/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, như sau:
“a) Mức trợ cấp 160.000 đồng/ngày áp dụng đối với gia đình quân nhân dự bị thuộc diện đang lao động, học tập, làm việc trong các cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, b) Mức trợ cấp 240.000 đồng/ngày áp dụng dối với gia đình quân nhân dự bị không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này, c) Trường hợp quân nhân dự bị ốm đau, tai nạn đi khám bệnh, chữa bệnh thì gia đình quân nhân dự bị được hưởng trợ cấp nhưng không vượt quá thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động”.
Mức 240.000 đồng/ngày đây là mức thu nhập bình quân của người lao động trên các vùng, miền và khu vực trong cả nước tại thời điểm năm 2020.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, cơ quan chức năng có liên quan và các địa phương nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ điều chỉnh chế độ chính sách (trợ cấp gia đình) đối với quân nhân dự bị khi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và điều kiện thực tế.