Đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu đối với những nhà giáo có thành tích đặc biệt xuất sắc
Trao đổi về chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc quy định tại Điều 30 và Điều 31, dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu quan điểm, chính sách nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ lương hưu chỉ áp dụng cho một số đối tượng có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ nhà giáo.
Quy định về kéo dài thời gian làm việc, mà chưa xem xét đầy đủ nhu cầu và nguyện vọng của nhà giáo ở các bậc học khác nhau ngoài đại học. Từ đó một số nhà giáo giỏi không có cơ hội cống hiến thêm, trong khi đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị tốt.
Đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu, bao gồm nhà giáo ở tất cả các bậc học và vùng khó khăn.
Đồng thời xem xét kéo dài thời gian làm việc không chỉ đối với các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, mà còn cho những nhà giáo có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giảng dạy.
Cần quy định cụ thể chính sách tiền lương, chế độ ưu tiên tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo
Liên quan tới quy định về chính sách tiền lương, chế độ ưu tiên về tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Đây là những nội dung còn nhiều bất cập đã được đề cập trong nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết, dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 8 đã đưa ra được một số giải pháp về vấn đề này.
Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị khi ban hành Nghị định, Thông tư, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cụ thể hóa các quy định chung này, đảm bảo thời gian, công sức lao động của giáo viên mầm non được ghi nhận với chế độ tương xứng.
Cùng với đó cần có quy định về chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong việc đào tạo, tự bồi dưỡng, tạo điều kiện về thời gian, tài chính, quyền lợi cho nhà giáo tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Song song đó cần có chế độ đặc thù quy định về nâng lương trước thời hạn và khen thưởng đối với nhà giáo có thành tích xuất sắc.
Thống nhất nhà giáo mầm non nếu có nguyện vọng sẽ được nghỉ hưu sớm
Cũng về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu bày tỏ thống nhất với quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm nghỉ hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
Cần quy định cụ thể về tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo
Cũng về vấn đề này, trao đổi bên hành lang Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Cơ quan chủ trì soạn thảo đối với dự án Luật Nhà giáo cũng như sự cần thiết của dự án Luật này, nhằm khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay, kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo; đồng thời tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
Đại biểu cho biết ông đặc biệt quan tâm và ủng hộ các chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật nhằm tôn vinh, động viên và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhà giáo, đặc biệt là các chính sách đối với nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các chính sách liên quan đến nhà ở công vụ, nâng bậc lương cho giáo viên mới ra trường, chế độ nghỉ hưu sớm cho giáo viên mầm non, kéo dài tuổi nghỉ hưu cho nhà giáo có trình độ, phẩm chất cao...
Tuy nhiên đối với nội dung quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng dự thảo Luật Nhà giáo cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn và chỉ áp dụng với trường hợp được yêu cầu và có sự thống nhất trong thỏa thuận.