CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Chủ tịch UBND TPHCM: Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần

07:59 - 02/04/2023

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị có số lượng văn bản tồn đọng nhiều tập trung rà soát lại, phân nhóm và công bố trên website của đơn vị, báo cáo về UBND TPHCM, không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần - Ảnh 1.

Năm 2022, TPHCM đã lấy lại những gì đã bất, thế nhưng sang quý I/2023 GRDP giảm sâu hơn dự tính

Ngày 1/4, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp quý 2 năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm”.

Dự và chủ trì phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường điều hành hội nghị.

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, năm 2022 TPHCM đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, lấy lại những gì đã mất do đại dịch gây ra trong năm 2021. Cuối năm 2022, các chỉ số của TPHCM đạt được rất tích cực, nhiều điểm sáng.

Năm 2023, TPHCM đã tập trung vào chủ đề năm với quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, thích ứng, tận dụng mọi cơ hội vượt qua khó khăn. 

TPHCM cũng dự báo tình hình năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nên đặt ra chỉ tiêu GRDP thấp hơn so với năm trước. Thế nhưng, trong quý I/2023, chỉ số này giảm sâu hơn dự tính.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: "Chúng ta phải tự xem lại để nỗ lực hơn nữa".

Toàn xã hội rất quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM

Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, những ngày qua đã lắng nghe các ý kiến chia sẻ, phân tích và góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế - xã hội, nhà khoa học về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM. Điều này cho thấy toàn xã hội rất quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM. 

"Do đó, chúng ta phải tự xem lại để nỗ lực hơn nữa", đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TPHCM đặt vấn đề để hội nghị tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân, tình hình "sức khỏe" nền kinh tế TPHCM sau tác động của đại dịch COVID-19 đã thực sự khỏe lại chưa và có "phác đồ điều trị" phù hợp hay chưa? 

Từng lĩnh vực, sở ngành, địa phương, cán bộ… phải xem lại những nỗ lực, giải pháp đề ra đã mang lại hiệu quả hay chưa? Qua đó, đề ra các giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội TPHCM phát triển trong những quý còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thu ngân sách đạt 26% dự toán năm; chi ngân sách đạt 7% dự toán, giảm 8% so cùng kỳ

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thời gian qua, UBND TPHCM đã chủ động quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Trung ương, Thành ủy, HĐND bằng những giải pháp cụ thể. 

Các địa phương cũng đã kịp thời ban hành các văn bản để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ. Nhờ đó, kinh tế - xã hội quý I-2023 đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, quý I/-2023, tăng trưởng GRDP ước đạt 360.600 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2022. 

Có 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng khá như: Bán buôn, bán lẻ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú, ăn uống. 4 ngành tăng trưởng âm gồm: Vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 124.700 tỷ đồng, đạt 26% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương là 9.500 tỷ đồng, đạt 7% dự toán, giảm 8% so cùng kỳ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I-2023.

Đầu tư công còn nhiều hạn chế, giải ngân chỉ đạt khoảng 2%

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, đến ngày 24/3, Thành phố đã giải ngân 951 tỷ đồng, đạt 2% tổng số vốn giao. Thành phố cũng đã họp giao ban giải ngân vốn đầu tư công, đề ra giải pháp khắc phục các hạn chế để đảm bảo giải ngân đạt 95% trong năm 2023 theo yêu cầu của Thủ tướng.

“Mặc dù Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác thực hiện các dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế. Việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt khoảng 2%”, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai thông tin.

Phân tích nguyên nhân còn tồn tại nhiều hạn chế, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, kinh tế TPHCM bị tác động bởi đà suy giảm của thế giới; thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu nhiều ngân hàng; doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh...

Công khai thông tin công chức, viên chức xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn

TPHCM sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; thống kê hằng tháng những cơ quan, đơn vị nhận được yêu cầu phối hợp nhưng không thực hiện hoặc chậm phản hồi gây ảnh hưởng tiến độ chung.

Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ đánh giá thi đua, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị tổ chức công khai thông tin công chức, viên chức xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn.

Đồng thời TPHCM cũng sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở ngành, quận huyện; hoàn thành đề án về chính sách, giải pháp tạo động lực cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần - Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu từng lĩnh vực, sở ngành, địa phương, cán bộ… phải xem lại những nỗ lực, giải pháp đề ra đã mang lại hiệu quả hay chưa?. Ảnh: VIỆT DŨNG

Khẩn trương ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, người dân 

Đưa ra 12 giải pháp thực hiện trọng tâm cho quý II/2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, TPHCM sẽ tập trung giải quyết những nhóm việc trễ hạn của quý 1, kiên quyết không để việc trễ hạn nhiệm vụ của quý 1, quý 2 chuyển qua quý 3.

Đồng thời, hoàn thiện dự thảo 3 Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch của UBND TPHCM thực hiện Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ; Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM. 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 33 Nghị quyết ban hành tại kỳ họp thứ 8 và 138 Nghị quyết ban hành từ đầu nhiệm kỳ HĐND TPHCM đến nay, tập trung giải quyết các kiến nghị cử tri.

“Khẩn trương nghiên cứu, trình HĐND TPHCM ban hành một số chính sách đặc thù trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thông qua những công cụ tài khóa thuộc thẩm quyền của TPHCM”, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai nói.

Trong quý II/2023, TPHCM cũng sẽ chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 để hoàn thiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5. Đồng thời chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết mới ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; minh bạch, lành mạnh hóa thị trường bất động sản

TPHCM cũng sẽ đồng thời triển khai chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, đề xuất đầu tư dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP; đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà ga T3, Metro 1, dự án Rạch Xuyên Tâm, nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 50... và các công trình đã khởi công.

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ triển khai cách làm minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; có phương án xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư.

TPHCM sẽ tổ chức thi tuyển ý tưởng Quy hoạch không gian xây dựng ngầm khu vực trung tâm hiện hữu thành phố và Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng đề án phối hợp giữa Sở TN-MT với các địa phương; rà soát quy hoạch đô thị dọc 2 bên tuyến đường Vành đai 3…

Tiếp tục triển khai nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm, tái khởi động lại các dự án bãi giữ xe cho thành phố. Tập trung triển khai chỉnh trang khu vực trung tâm: chợ Bến Thành, đường Lê lợi, bến Bạch Đằng, Công viên 23/9.

Ngoài ra, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động du lịch; đẩy nhanh nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo; đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe và an sinh, phúc lợi xã hội; tổ chức đón tiếp chu đáo và trọng thị các đoàn nguyên thủ và khách quốc tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần - Ảnh 5.

Các đại biểu tham gia phiên họp, đồng thời đóng góp ý kiến để thúc đẩy kinh tế TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mức tăng trưởng của TPHCM chỉ đạt 0,7% trong quý I-2023 là bất ngờ hơn so với dự báo

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, tình hình phát triển kinh tế của TPHCM chịu tác động rất lớn từ tình hình thế giới và trong nước. 

Khi kinh tế thế giới và trong nước phát triển tích cực thì yếu tố tích cực luôn được TPHCM khai thác vượt trội, ngược lại thì ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên mức tăng trưởng của TPHCM chỉ đạt 0,7% trong quý I-2023 là bất ngờ hơn so với dự báo.

TS Trần Du Lịch cho rằng có nguyên nhân khách quan là trong quý IV-2022 rất không may cho kinh tế TPHCM và cả nước nói chung là bên ngoài chịu tác động của tình hình kinh tế thế giới, trong nước thì diễn ra chấn chỉnh thị trường bất động sản và tài chính. Hai yếu tố này cộng hưởng dẫn đến rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế, đặc biệt TPHCM là địa bàn chịu tác động trực tiếp và mạnh nhất trong cả nước.

Đến thời điểm này hai yếu tố diễn ra vào quý IV-2022 đã giảm, nguy cơ đổ vỡ các ngân hàng trong nước đã vượt qua, kiểm soát được lãi suất, tỷ giá. Tác động tiêu cực đến thành phố giảm, nhưng tại sao tăng trưởng lại thấp như vậy?

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần - Ảnh 6.

TS Trần Du Lịch phân tích nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Liều thuốc” để vực dậy kinh tế TPHCM chưa được sử dụng hiệu quả

Theo TS. Trần Du Lịch, có 3 động lực để thúc đẩy nền kinh tế là sử dụng công cụ đầu tư công, hấp thụ vốn và phát triển thị trường nội địa. 

Tuy nhiên, trong quý I-2023, TPHCM giải ngân đầu tư công chỉ đạt 2%, xem như đã bỏ hoàn toàn công cụ này. 

Thứ hai là việc gỡ các thể chế để hấp thụ vốn vẫn chưa được quyết liệt, phải công khai minh bạch trong kêu gọi các dự án. Thứ ba là việc khai thác thị trường nội địa của TPHCM chưa được hiệu quả.

Như vậy, vấn đề là cả 3 trụ cột để thúc đẩy kinh tế, nói nôm na là “liều thuốc” để vực dậy TPHCM chưa được sử dụng hiệu quả - TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm.

TPHCM hoàn toàn có thể vực dậy nền kinh tế nếu giải quyết được các điểm nghẽn

Từ đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là TPHCM phải hấp thụ được vốn, đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân. 

Dẫn chứng Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ, Nghị quyết 31 về phát triển TPHCM đã khẳng định vị trí liên kết vùng của TPHCM, TPHCM hoàn toàn có thể vực dậy nền kinh tế nếu giải quyết được các điểm nghẽn. 

Bên cạnh đó, TPHCM phải công khai minh bạch toàn bộ vấn đề. Đây là mấu chốt để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có niềm tin thì TPHCM sẽ phát triển được.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần - Ảnh 7.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Trong quý I-2023, tình hình kinh tế của cả nước và TPHCM gặp rất nhiều khó khăn.

Suy nghĩ nghiêm túc, quyết liệt hành động để sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, trong quý I-2023, tình hình kinh tế của cả nước và TPHCM gặp rất nhiều khó khăn. 

Do đó, thành phố cần tiếp tục suy nghĩ một cách nghiêm túc, xác định các nhiệm vụ trọng tâm để quyết liệt hành động ngay với mong muốn sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn để vươn lên.

Đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá trong quý I-2023, TPHCM đã có những nỗ lực rất lớn, từng sở, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức… tuy nhiên tình hình khó khăn hơn, kết quả đạt được chưa như mong muốn. 

“Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong quý II và thời gian sắp tới”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp tháng 4 và quý II-2023, TPHCM đã đặt ra 12 nhóm cụ thể. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung triển khai để làm sao đạt kết quả tốt nhất.

Đi vào các nội dung cụ thể, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu từng cơ quan đoàn thể, các sở ngành, địa phương và mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải quyết liệt hành động, tập trung rà soát lại với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất chức trách của mình.

"Trong đó, rà soát cụ thể từng nhiệm vụ được phân công, công việc, kết quả để tập trung đôn đốc, chỉ đạo, có giải pháp thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương mình", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, với khối lượng công việc tồn đọng lớn, nhiệm vụ phát sinh lớn thì thành phố phải làm việc với cường độ cao hơn, năng suất cao hơn, phải làm việc với tinh thần thi đua của kế hoạch thi đua năm 2023 và phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đó, thành phố cần rà soát lại công việc, đôn đốc tiến độ và động viên nhau thực hiện các kế hoạch này.

Từ đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương rà soát lại công việc. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm đã được thống nhất. 

Với nhóm công việc có thể giải quyết được ngay thì phải giải quyết trong thời gian quy định và cố gắng giải quyết trước hạn. Nhóm cần sự phối hợp với các sở, ngành, địa phương khác thì cần chủ động phối hợp và phải đeo bám, chấm dứt việc ngồi chờ lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Đối với nhóm vướng mắc cần báo cáo để UBND TPHCM giải quyết hoặc kiến nghị các bộ, ngành Trung ương thì phải tổng hợp báo cáo ngay để xử lý.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần - Ảnh 9.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần

Không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần

Đề cập đến một số sở ngành, đơn vị có số lượng văn bản tồn đọng nhiều, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát lại, phân nhóm và công bố trên website của đơn vị, báo cáo về UBND TPHCM, không để một vấn đề mà văn bản “chạy ra chạy vào” nhiều lần. Bên cạnh đó, rà soát các dự án đang tồn đọng, tháo gỡ khó khăn để các dự án này được triển khai.

Để khắc phục tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định việc giải quyết thủ tục hành chính để triển khai các dự án, chuyển động dòng vốn là quan trọng nhất. Do đó, lãnh đạo các sở ngành, địa phương phải tập trung giải quyết cụ thể trong quý II-2023.

Với việc giải quyết các thủ tục này, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, các đầu mối Ban Quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các quận huyện tập hợp lại các vấn đề của doanh nghiệp. 

Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của từng đơn vị thì giải quyết ngay, vấn đề nào thuộc UBND TPHCM thì báo cáo để trong quý II-2023, Thường trực UBND TPHCM sẽ chia theo từng nhóm, từng lĩnh vực và giám đốc một số sở để họp giải quyết.

Các dự án trọng điểm cần giao ban hàng tuần, thậm chí hàng ngày để kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn

Về thúc đẩy đầu tư, tập trung đầu tư công cũng như tháo gỡ để thu hút đầu tư ngoài ngân sách, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu các ban chiếm tỷ lệ đầu tư công lớn, các công trình trọng điểm, các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc để giải quyết. 

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị với các dự án trọng điểm, cần có giao ban hàng tuần, thậm chí hàng ngày với một số khoảng thời gian cụ thể để cập nhật được các khó khăn vướng mắc, phối hợp giải quyết…

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tập trung củng cố các tổ công tác đầu tư công; chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp chuyên đề của HĐND TPHCM sắp tới để phân bổ vốn dự phòng trung hạn và vốn năm 2023. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ việc làm…