Tránh tối đa tình trạng "tăng lương nhưng đồng thời cũng tăng giá"
Thảo luận tại tổ về thực hiện cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7 tới, để đạt được mục tiêu cao nhất của các nội dung cải cách lần này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý thực hiện các đề nghị được cơ quan thẩm tra đưa ra, gồm: tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao.
Trong đó, khi được Quốc hội thông qua thì Chính phủ cần có những giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực, đặc biệt tránh tối đa tình trạng "tăng lương nhưng đồng thời cũng tăng giá" làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương cũng là đề nghị được các ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang), Lý Anh Thư (Kiên Giang), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)… đưa ra trong phiên thảo luận tại tổ chiều 25.6.
Đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, Chính phủ cần xem xét, đánh giá một số tác động ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát, bởi khi tăng tiền lương có nghĩa sẽ làm tăng chi tiêu công, hoặc cũng có thể làm tăng nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng. "Trong bối cảnh hiện nay bao giờ cũng có những tác động nhất định đến quan hệ cung - cầu và làm tăng giá", đại biểu Lê Minh Nam nói.
Cùng với đó, cần xem xét các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng chiến lược, kể cả từ bên trong và bên ngoài. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn, thì những yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đặc biệt khi phải nhập nhiều nguồn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước. Do đó, cần có những chính sách để hỗ trợ, kiểm soát nhằm hạn chế tác động của giá trên thế giới đến thị trường trong nước.
Về dài hạn, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, cần thực hiện tốt các chính sách về tài khóa, tiền tệ nhằm kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới khi việc tăng trưởng đặt ra chỉ tiêu rất cao là lạm phát giảm.
Nếu vẫn thực hiện theo cách trích lập quỹ tiền thưởng hiện nay sẽ gây giảm phần kinh phí chi thường xuyên của mỗi đơn vị
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp để kiểm soát, quản lý giá nhằm kiểm soát lạm phát, một số ý kiến cũng lưu ý, với những vấn đề mới, phức tạp, Chính phủ cần ban hành ngay văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở triển khai áp dụng, nhất là với quy định bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản và giao người đứng đầu xây dựng quy định chế độ tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Lý lẽ, theo đại biểu Lý Anh Thư, bởi các đơn vị, cơ quan hiện đang thực hiện chế độ lương khoán, nên nếu không có hướng dẫn sớm về nội dung này, vẫn thực hiện theo cách trích lập quỹ tiền thưởng hiện nay sẽ gây giảm phần kinh phí chi thường xuyên của mỗi đơn vị.
Trong bối cảnh giá hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tăng cao hiện nay, nếu chi thường xuyên của các đơn vị giảm sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “không đủ chi”, thiếu hụt nguồn lực thực hiện công tác khen thưởng hàng năm.
“Đây là một áp lực lớn với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Do đó, Chính phủ không chỉ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này mà phải ban hành ngay trong năm 2024, từ đó giúp các cơ quan, đơn vị yên tâm thực hiện”, đại biểu đề nghị.
Đồng thời, do việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội là vấn đề lớn, quan trọng, có tác động sâu sắc trong toàn xã hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh, Chính phủ cần tăng cường công tác truyền thông để người có công, người hưởng lương hưu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân hiểu đúng về chính sách và tạo sự đồng thuận xã hội khi tổ chức thực hiện.