Hiện nay, tại Điều 56 và Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định mức hưởng lương hưu thấp nhất cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng (theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP), nên mức lương hưu thấp nhất hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất với phương án chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, thay vào đó sẽ tăng lương cơ sở hơn 30% lên 2.340.000 đồng từ 1/7/2024.
Như vậy, khi lương cơ sở tăng lên 2.340.000 đồng, mức lương hưu thấp nhất sẽ là 2.340.000 đồng/tháng.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về mức lương hưu thấp nhất bằng mức tham chiếu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1.7.2025 (dự kiến thời điểm luật có hiệu lực), có thời gian đóng bảo hiểm đủ 20 năm trở lên.
Theo giải thích trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội.
Dự kiến vào ngày 26/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).