CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Quy định mới về tổ chức tham mưu quản lý nhà nước chính sách, chế độ tiền lương

07:47 - 09/12/2022

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành Quyết định số 999/QĐ-BNV, ngày 7/12/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ Tiền lương.

Theo đó, Vụ Tiền lương là tổ chức của Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về chính sách, chế đội tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; và giúp bộ trưởng nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền về thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Tiền lương

Theo quyết định, Vụ Tiền lương tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn sau:

Thứ nhất, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng các Đề án về cải cách chính sách tiền lương theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các VBQPPL trình cấp có thẩm quyền ban hành về chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí và tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành các văn bản: Hướng dẫn thực hiện quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách, chế độ tiền lương (mức lương; bảng lương; nguyên tắc xếp lương; chế độ trả lương; chế độ phụ cấp, sinh hoạt phí, tiền thưởng; quản lý tiền lương, thu nhập và các chế độ khác theo lương) đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Hướng dẫn việc xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức; hướng dẫn vẹc xếp lương vào bậc trong ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đối với người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu) và trong doanh nghiệp khi được điều động, tiếp nhận, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ ba, thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Xây dựng và thực hiện chế độ tiền lương, tiền công đối với người làm việc trong các hội, tổ chức phi chính phủ,…

Tham gia ý kiến về nội dung liên quan đến tiền lương, phụ cấp, các khoản chi có tính chất lương tại các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính đặc thù của các cơ quan, đơn vị để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Kiểm tra việc thực hiện và có ý kiến về những đề nghị, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực có liên quan đến chính sách, chế độ tiền lương phụ cấp, sinh hoạt phí và tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ tư, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp sinh hoạt phí và thiền thưởng đối với Vụ (hoặc Ban) Tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ năm, thực hiện công tác thống kê tổng hợp về tiền lương và thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, thống kê về chỉ số giá tiêu dụng giữa các thời kỳ. Áp dụng CNTT trong công tác chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng CSDL thông tin về lĩnh vực tiền lương…

Thứ sáu, chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về chính sách, chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước,…

Thứ bẩy, tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí vfa tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo thẩm quyền của Bộ Nội vụ.

Thứ tám, giúp Bộ trưởng nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước và thực hiện nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về tổ chức và chế độ làm việc, Vụ Tiền lương có Vụ trưởng, không quá 2 Phó Vụ trưởng và các công chức. Vụ Tiền lương làm việc theo chế độ chuyên viên kết hợp với chế độ thủ trưởng.

Trong trường hợp lãnh đạo Bộ Nội vụ làm việc trực tiếp với Phó Vụ trưởng, chuyên viên Vụ Tiền lương thì Phó Vụ trưởng, chuyên viên có trách nhiệm thi hành ý kiến của lãnh đạo Bộ; sau đó báo cáo kịp thời với Vụ trưởng và Phó Vụ trưởng phụ trách lĩnh vực công tác của chuyên viên (nếu có).

Toàn văn Quyết định số 999/QĐ-BNV, ngày 7/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ Tiền lương.