Theo Công văn do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), cử tri tỉnh Hòa Bình kiến nghị như sau:
“Theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng quy định mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Như vậy, có thể hiểu theo quy định của pháp luật thì không có mức tối thiểu cho nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Đây là quy định khá nghiêm khắc trong luật, áp dụng để ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông với tỷ lệ tuyệt đối mà không có nới lỏng về ngưỡng giới hạn bị xử phạt.
Thực tế cho thấy, việc quy định tuyệt đối mà không có ngưỡng giới hạn tối thiểu nồng độ cồn bị xử phạt như hiện nay là rất khó khăn cho người dân và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ.
Nhiều trường hợp người dân có sử dụng rượu bia từ trưa hoặc tối hôm trước nhưng khi kiểm tra nồng độ cồn thì đa số vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở nên các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định.
Đề nghị điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông.”.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, Bộ GTVT đã dự thảo các nội dung nêu trên để phù hợp với Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định hành vi bị nghiêm cấm là: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Đồng thời, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng; xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các Bộ, ban ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ đồng ý ban hành.
Có thể thấy, việc quy định như đã nêu nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, qua đó hạn chế tai nạn giao thông; người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn; thời gian qua khi lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, ý thức của người dân đã được nâng cao.
Hiện nay, quy định trên tiếp tục được đưa vào Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm tính khả thi.