9 tháng xử lý hơn 550.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông đã thông tin kết quả thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe container và kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn; giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông những tháng cuối năm 2023.
Theo đó, năm 2023, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được Đảng, chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm chỉ đạo.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 2,5 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Trong đó, có hơn 550.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm hơn 22% tổng xử phạt), hơn 1.700 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, hơn 52.000 trường hợp chở hàng quá tải...
Do việc triển khai quyết liệt nên tình hình trật tự, an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2022 đã giảm 2,3 % số vụ, giảm 2,5 % số người chết, tăng 2,8 % số người bị thương).
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, qua phân tích, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông có nhiều vụ liên quan đến xe kinh doanh vận tải.
Quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn
Để phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này, ngày 24/7/2023, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 382 về tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container.
Qua 40 ngày thực hiện, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 47.000 trường hợp vi phạm, tai nạn giao thông so với thời gian trước liền kề liên quan đến xe khách giảm cả 3 mặt (giảm 38,7% số vụ, giảm 43,9% số người chết, giảm 33,1% số người bị thương).
Cũng theo Cục Cảnh sát giao thông, để tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn, nhằm tạo chuyển biến tích cực tình hình, từng bước hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc vẫn đang triển khai quyết liệt, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn.
Xử lý 160 trường hợp công chức, công an, bộ đội, trong đó có đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Công an tỉnh vi phạm nồng độ cồn
Theo đó, Cục Cảnh sát giao thông đang phối hợp với Văn Phòng Bộ Công an, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động triển khai 6 Tổ công tác trực tiếp thực hiện việc kiểm soát, phát hiện vi phạm về nồng độ cồn.
Qua 25 ngày thực hiện, các Tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản hơn 3 nghìn trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bàn giao cho Công an các đơn vị, địa phương xử lý theo quy định. Trong đó, bước đầu xác định có 160 trường hợp người điều khiển là công chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nhà báo... Trong đó, có đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo Công an tỉnh.
Các tổ công tác đặc biệt này sẽ tiếp tục được duy trì và tấn công mạnh vi phạm nồng độ cồn trong thời gian tới.
Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác điều tra cơ bản, cập nhật, bổ sung thông tin, tài liệu về tình hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container; qua đó, tăng cường tổng kiểm soát, tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa về hiệu quả thực hiện kế hoạch.
Xử lý trách nhiệm ngường đứng đầu nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông xảy ra phức tạp
Trước đó, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách.
Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
Tất cả các vụ trật tự, an toàn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua xử lý vi phạm
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.
Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Quyết liệt xử lý lái xe có nồng độ cồn tiến tới hình thành thói quen đã uống rượu bia không lái xe
Các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…
Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.
Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch…
Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe Nhân dân, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.
Căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm tổ chức tổng kiểm soát các loại phương tiện trên toàn quốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm.
Mức phạt nồng độ cồn với xe máy
Nồng độ cồn | Mức tiền | Phạt bổ sung |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6) | Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6) |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. (Điểm c Khoản 7 Điều 6) | Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng. (Điểm e Khoản 10 Điều 6) |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6) | Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. (Điểm g Khoản 10 Điều 6) |
Mức phạt nồng độ cồn với ô tô
Nồng độ cồn | Mức tiền | Phạt bổ sung |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5) | Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm e Khoản 11 Điều 5) |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5) | Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng. (Điểm g Khoản 11 Điều 5) |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5) | Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. (Điểm h Khoản 11 Điều 5) |
Mức phạt nồng độ cồn với xe đạp
Nồng độ cồn | Mức tiền | Phạt bổ sung |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. (Điểm q Khoản 1 Điều 8) | - |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng. (Điểm e Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) | - |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng. (Điểm c Khoản 4 Điều 8) | - |
Mức phạt nồng độ cồn với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Nồng độ cồn | Mức tiền | Phạt bổ sung |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 7) | Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm d Khoản 10 Điều 7) |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm b Khoản 7 Điều 7) | Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 16 tháng đến 18 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 7) |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm a Khoản 9 Điều 7) | Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 tháng đến 24 tháng. (Điểm e Khoản 10 Điều 7) |