Quyết liệt tháo gỡ rào cản, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển

07/09/2022 18:55

(Chinhphu.vn) - Chính phủ cần tiếp tục khẳng định và quyết liệt thực thi quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương để các doanh nghiệp có đủ điều kiện trong chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Quyết liệt tháo gỡ rào cản, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển

Chính phủ luôn quan tâm cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Doanh nghiệp Việt Nam tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống dân cư. Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực doanh nghiệp, Chính phủ luôn quan tâm cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Tuy vậy, trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi đại dịch COVID-19 (đại dịch) nổ ra, kinh tế thế giới và trong nước phải đương đầu và trải qua nhiều biến cố bất định, khó lường với tần suất dày hơn khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn.

Đại dịch và bất ổn địa chính trị gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến doanh nghiệp trên nhiều phương diện như: Tiếp cận khách hàng; dòng tiền; thuê lao động; gián đoạn chuỗi cung ứng; phát sinh thêm chi phí; trì hoãn, giãn tiến độ, hủy dự án đầu tư đang hoặc sẽ thực hiện. Sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ, thậm chí dừng hoạt động dẫn tới giảm doanh thu, phát sinh rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.

Các bất cập do đại dịch gây ra chưa được khắc phục, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã làm trầm trọng hơn những biến cố, đưa kinh tế thế giới tới khủng hoảng 3 chiều: Năng lượng, lương thực và tài chính, trong đó khủng hoảng năng lượng, cụ thể là khủng hoảng xăng dầu, khí đốt - mặt hàng chiến lược, có vai trò quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng đối với kinh tế thế giới và với tất cả các quốc gia.

Hệ lụy của bất ổn giá các mặt hàng chiến lược đối với kinh tế thế giới

Đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng lương thực, đặc biệt khủng hoảng năng lượng do bất ổn địa chính trị, do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu tăng đột biến sau đại dịch là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới lạm phát cao tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Cộng đồng chung châu Âu (EU), cũng như các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ số giá hàng hóa chung thế giới 6 tháng đầu năm 2022 tăng 72,5% so với cùng kỳ năm trước, với tất cả các nhóm hàng đều tăng. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2021, chỉ số giá nhóm thực phẩm và đồ uống tăng 28,01%; chỉ số giá nhóm hàng đầu vào công nghiệp tăng 7,68%; nhóm kim loại quý tăng 1,3%; nhóm phân bón tăng 157,33%; đặc biệt, chỉ số giá nhóm nhiên liệu, mặt hàng chiến lược của kinh tế thế giới và tất cả các nền kinh tế tăng 145,69%, với cả 3 nhóm đều tăng, cụ thể: Dầu thô tăng 97,42%, than tăng 298,44%, khí tự nhiên tăng tới 304,49%.

Để phục hồi kinh tế sau đại dịch, Mỹ và chính phủ các nền kinh tế lớn đã thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Năm 2021, kinh tế thế giới có sự phục hồi đặc biệt ấn tượng với GDP toàn cầu tăng 5,9%; kinh tế Mỹ tăng 5,7%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1984 sau khi suy giảm 3,4% trong năm 2020 và cao hơn 3,1% so với trước đại dịch; Khu vực Eurozone tăng 5,2%; Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 8,1%, cao nhất trong một thập kỷ qua.

Kinh tế thế giới đã có sự phục hồi ngoạn mục. Tuy vậy, do đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt giá xăng dầu tăng cao và khủng hoảng lương thực do bất ổn địa chính trị đã gây nên lạm phát cao của các nền kinh tế hàng đầu, đẩy kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái.

Tại Mỹ và EU lạm phát tăng cao liên tiếp, lập kỷ lục trong 40 năm qua. Lạm phát ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 9,1% vào tháng 6/2022 và giảm xuống 8,5% vào tháng 7/2022. Trong khi đó, tại EU, lạm phát tháng 6/2022 ở mức 8,6%, lập kỷ lục mới 8,9% vào tháng 7/2022 - tháng thứ 9 lạm phát tăng liên tiếp, nhiều nước thành viên EU phải gánh chịu lạm phát 2 con số.

Đáng chú ý, tại EU, lạm phát tăng cao chủ yếu do biến động tăng của giá năng lượng, trong đó giá xăng dầu tháng 8/2022 tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước; giá khí đốt cao gấp 10,4 lần; giá điện cao gấp 10 lần so với cùng thời điểm năm 2021. Khi hóa đơn tiêu dùng năng lượng ngày càng tăng, khiến người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ buộc phải cắt giảm nhu cầu đối với các hàng hoá và dịch vụ khác.

Cùng với đó, chi phí đầu vào gia tăng tạo ra sức ép lớn lên doanh nghiệp. Các ngân hàng trung ương không thể kiểm soát được giá năng lượng và chỉ còn cách tăng lãi suất để chống lại lạm phát mỗi lúc một dâng cao, việc tăng lãi suất lên mức cao sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế. Tạp chí The Economists dự báo EU sẽ rơi vào suy thoái trong mùa đông năm 2022 và năm 2023.

Quyết liệt tháo gỡ rào cản, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Bích Lâm: Chính phủ luôn quan tâm cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2022, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay ở mức 3,2% và 2,9% cho năm 2023; lạm phát năm 2022 ở mức 6,6% đối với các nền kinh tế phát triển và 9,5% ở các thị trường mới nổi; mức sống của người dân trên thế giới ngày càng bị thắt chặt.

Để kiềm chế lạm phát, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương nhiều nước trên thế giới đã nâng lãi suất với mức khá cao. Điều này sẽ tác động đến kinh tế thế giới trên 5 phương diện:

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới suy giảm;

Thứ hai, đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác làm cho đồng nội tệ của các nước yếu đi so với USD, vì vậy kích thích xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ đắt hơn, đặc biệt nhập khẩu xăng dầu;

Thứ ba, lãi suất USD tăng, các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Điều này tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài;

Thứ tư, lãi suất USD tăng sẽ tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nước thuộc thị trường mới nổi vì các tổ chức cho vay sẽ đòi trả lãi cao hơn lãi suất khi họ đầu tư an toàn hơn tại Mỹ. Điều này gây khó khăn đối với chính phủ các nước thuộc thị trường mới nổi khi phải đương đầu với giá năng lượng và lương thực nhập khẩu tăng cao do đại dịch và cuộc chiến tại Ukraine;

Thứ năm, Mỹ tăng lãi suất khiến giá trị đồng USD, tỷ giá giữa đồng nội tệ và USD tăng, gây thêm gánh nặng cho các quốc gia khi phải trả nợ nước ngoài tăng lên, khiến cho dự trữ ngoại tệ cạn kiệt.

Bên cạnh đó, khi FED tăng lãi suất sẽ thúc đẩy ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất để ổn định cán cân vãng lai, dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế. Các chỉ số kinh tế và dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF phản ánh một thực tế kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh lạm phát cao, nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. IMF mô tả bức tranh kinh tế thế giới năm 2022 "u ám và bất định".

Hệ lụy của bất ổn giá các mặt hàng chiến lược đối với khu vực doanh nghiệp Việt Nam

Doanh nghiệp là chủ thể kinh tế quan trọng nhất, quyết định sự phát triển và thịnh vượng của đất nước.

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 850 nghìn doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 1,4%; doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,84%; doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 66,76%.

Trong lĩnh vực dịch vụ, có tới 51,33% doanh nghiệp hoạt động bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.

Trong tổng số trên 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp chưa cao với chỉ số quay vòng vốn và hiệu suất sinh lợi thấp (năm 2019 chỉ số sinh lời đạt 0,6 lần, hiệu suất sinh lợi (ROA) đạt 2,2%).

Làn sóng đại dịch lần thứ tư và hệ luỵ của kinh tế thế giới đã tác động và gây nhiều khó khăn cho khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Theo điều tra xu hướng kinh doanh và tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, hiện nay doanh nghiệp nước ta đang đương đầu với 5 nhóm khó khăn chính, đó là: (1) Giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao; (2) Tình trạng thiếu hụt lao động; (3) Khó khăn về vốn; (4) Thiếu hụt linh kiện; (5) Các rào cản pháp lý.

Khó khăn của doanh nghiệp khi giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, 37% nguyên vật liệu dùng cho sản xuất của nền kinh tế phải nhập từ bên ngoài, tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm 50,98%; nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất ở một số ngành phụ thuộc vào một số ít thị trường.

Chẳng hạn, kinh tế nước ta phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc với 25% kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của toàn nền kinh tế đến từ thị trường này; kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất từ Trung Quốc chiếm 34% trong tổng kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất. Nhiều ngành, tư liệu sản xuất nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao như: Phân bón chiếm 42%, sợi dệt 56,6%; vải 63,3%; sản phẩm từ sắt thép chiếm 60,5%…

Theo điều tra xu hướng kinh doanh, có đến 31,1% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất và 3,3% số doanh nghiệp thiếu năng lượng.

Do sản xuất trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, khi giá hàng hóa thế giới tăng dẫn đến giá đầu vào dùng cho sản xuất cũng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,04%, mức tăng cao nhất 10 năm qua, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,01%, dùng cho xây dựng tăng 9,32%, dùng cho công nghiệp tăng 5,78%.

Đặc biệt, thị trường vật liệu xây dựng có biến động lớn, nhiều chủng loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng đột biến. Trong mức tăng chung 9,32% giá nguyên vật liệu dùng cho xây dựng, nhóm kim loại, gang, sắt, thép tăng 13,24%; sản phẩm nguyên liệu chế biến từ dầu mỏ dùng cho xây dựng tăng tới 42,24%; dịch vụ lắp đặt hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước tăng 13,31% so với cùng kỳ năm trước đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng và giải ngân vốn đầu tư.

Theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12-16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép tăng 10% thì giá công trình tăng thêm 1%. Trong khi đó, đối với nhà thầu, lãi của một công trình chỉ dao động dưới mức 5% với điều kiện chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng.

Bên cạnh đó, ngành vận tải - ngành mang tính huyết mạch, chuyên chở hàng hóa của nền kinh tế có giá cước tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay. Giá cước vận tải đường sắt, đường bộ tăng 5,94%; giá dịch vụ vận tải đường thủy tăng 12,91%, trong đó giá dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương tăng 14,28%; đặc biệt, giá dịch vụ vận tải đường hàng không tăng đến 18,32%.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá dịch vụ vận tải tăng cao là dấu hiệu chỉ báo chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm. Khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng 1% sẽ làm cho chỉ số giá sản xuất tăng 2,06%. Điều này gây nên khó khăn cho doanh nghiệp trong nỗ lực tiêu thụ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước, làm giảm tốc độ tăng GDP của nền kinh tế.

Đối với kinh tế Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số ngành có tỷ lệ chi phí xăng dầu trong tổng chi phí rất cao như: Khai thác thủy sản 76,73%; Vận tải 63,36%; Khai thác than 45,18%; Lâm sản 25,59%; Sản xuất và phân phối điện 6,55%. Bên cạnh đó, xăng dầu cũng chiếm tới 1,5% trong chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng 10% dẫn tới lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và GDP giảm 0,5%.

Khi giá các mặt hàng chiến lược, giá nguyên vật liệu tăng sẽ tạo nên mặt bằng giá mới trong nền kinh tế, điều này đồng nghĩa với gia tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả đầu tư, làm chậm quá trình phục hồi và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Quyết liệt tháo gỡ rào cản, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển - Ảnh 3.

Khó khăn về vốn của doanh nghiệp

Hiện tại trong nền kinh tế nước ta, thị trường tiền tệ vận hành chưa "khớp nhịp" với thị trường hàng hóa nên doanh nghiệp phải vay lẫn nhau, chiếm dụng vốn của nhau.

Theo điều tra xu hướng kinh doanh, có đến 31,8% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo gặp khó khăn về tài chính; có tới 48% các doanh nghiệp nợ lẫn nhau và trả nợ không đúng hạn; 21,4% doanh nghiệp vay vốn với lãi suất cao; có 4% doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay.

Trong tổng số trên 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nguồn vốn duy nhất đến từ hệ thống ngân hàng, vì loại hình doanh nghiệp này không thể phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán. Từ tháng 8/2022, một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay, các doanh nghiệp phải trả thêm 1,7% khi vay tín dụng; nhiều doanh nghiệp bị chậm thanh toán. Thực trạng này phản ánh phần nào việc các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.

Hiện nay, sức ép tài chính đối với khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19 là rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ nhằm khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp.

Khó khăn của doanh nghiệp về môi trường pháp lý

Trong những năm qua, Chính phủ đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Tuy vậy hệ thống luật pháp vẫn còn nhiều bất cập, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa thực sự thông thoáng, không gian cải cách còn rất lớn. Nhiều địa phương và doanh nghiệp phản ánh tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều các quy định pháp luật. Điển hình nhất là sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác.

Cụ thể khi làm thủ tục, các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan Nhà nước khác nhau. Chi phí giao dịch rất tốn kém.

Trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan khác nhau với cùng nội dung giống nhau. Không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí mà rủi ro nhất đối với doanh nghiệp là nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết phải thực hiện theo quy định nào, thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia.

Theo điều tra xu hướng kinh doanh và tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, có tới 8,3% số doanh nghiệp điều tra đánh giá chính sách, pháp luật của Nhà nước tác động không thuận lợi tới hoạt động của doanh nghiệp. Có 18,2% doanh nghiệp xây dựng nhận định hỗ trợ của hệ thống hành chính nhà nước cho doanh nghiệp khó khăn hơn.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước có sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan thực thi chính sách trở nên lúng túng, bị động khi giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Tâm lý sợ rủi ro, sợ sai rất phổ biến trong bộ máy nhà nước từ thực trạng chồng chéo, xung đột pháp luật.

Cùng với đó, có tình trạng ở nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ ngành hiện nay không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ và nhiều việc phải đẩy lên đến cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Nhìn chung, các xung đột, chồng chéo này đã hạn chế những tác động tích cực trong thực thi các đạo luật, tạo rào cản trong quá trình triển khai thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Xung đột này đã tạo ra thực tiễn thực thi rất khác nhau giữa các địa phương. Nó cũng là cơ hội phát sinh các nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện dự án.

Tháo gỡ rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền

Để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn và phát triển bền vững, thiết nghĩ, Chính phủ cần tiếp tục khẳng định và quyết liệt thực thi quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương để các doanh nghiệp có đủ điều kiện trong chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Các bộ, ngành, địa phương cần bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất toàn diện các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đồng thời, chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chính phủ chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng kinh doanh và thị trường mới để có thể vươn lên, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt cần khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%. Khi nền kinh tế phát triển tốt, lạm phát được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu, sớm nới thêm trần tín dụng để doanh nghiệp có đủ vốn cho sản xuất và lưu thông hàng hóa của nền kinh tế.

Chính phủ cần có giải pháp đột phá về tín dụng cho doanh nghiệp, vì vốn, tài chính là tiền đề, đóng vai trò quyết định cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển, việc bảo đảm nguồn vốn, tài chính cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm và các năm sau rất quan trọng.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường, tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường nhất định; thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp, sử dụng hàng hóa của nhau, giữ vững và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các địa phương tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt tiến độ thẩm tra, giải ngân gói hỗ trợ nhà trọ cho người lao động; hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách.

Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, tận dụng từng cơ hội, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới; quan tâm đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chế độ giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường.

Với tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo và linh hoạt, sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nhân, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động vượt qua khó khăn thách thức, nắm bắt cơ hội, tạo đà phát triển, khẳng định vị thế kinh tế Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới./.

TS. Nguyễn Bích Lâm

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ, NGHỈ LỄ 30/4-1/5, NGHỈ QUỐC KHÁNH 2025

LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ, NGHỈ LỄ 30/4-1/5, NGHỈ QUỐC KHÁNH 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ 25/1 - 2/2/2025; Nghỉ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày; nghỉ Quốc khánh 2025 kéo dài 4 ngày.

Những điểm mới của LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM sửa đổi

Những điểm mới của LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM sửa đổi

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi