Lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Hải Dương

Lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Hải Dương. Đồ họa Báo Hải Dương
Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Hải Dương
Tại kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã vừa được ban hành, UBND tỉnh Hải Dương đã nêu các nguyên tắc cụ thể khi thực hiện sắp xếp.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã phải bám sát các quy định của Trung ương, đặt trong bối cảnh chung về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã tại địa phương dự kiến sáp nhập; đồng thời tính đến đặc thù của tỉnh và các địa phương.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cần căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hiện trạng khu vực bị ảnh hưởng hạ tầng như: đường cao tốc, quốc lộ, hệ thống sông lớn, dãy núi lớn chia cắt khó kết nối với các đơn vị hành chính liền kề và điều kiện tự nhiên - xã hội có thể hình thành đơn vị hành chính có quy mô (diện tích, dân số) lớn hơn hoặc nhỏ hơn quy định.
Đối với một số khu vực mang tính đặc thù (như khu vực quy hoạch khu kinh tế chuyên biệt tại huyện Thanh Miện và huyện Bình Giang, vùng đô thị động lực định hướng theo Quy hoạch tỉnh), việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của cấp huyện, cấp xã hiện nay.
Tại các khu vực này, sắp xếp thành một số đơn vị hành chính cấp cơ sở mang tính đặc thù với sứ mệnh, vai trò quan trọng trong dẫn dắt của vùng động lực và cực tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội để mở rộng không gian phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư đáp ứng yêu cầu, tạo sự phát triển đồng đều giữa các khu vực sau sắp xếp.
Trong thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã phải cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, kết nối hệ thống di tích lịch sử; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quá trình sắp xếp bảo đảm các quy định của Trung ương, bám sát nguyên tắc và tiêu chuẩn theo quy định mới để thành lập các xã, phường sau sắp xếp tạo liên kết giữa các đơn vị hành chính không ngắt quãng, liên thông giữa các đơn vị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khi xây dựng đề án, phương án sắp xếp, lựa chọn trụ sở của 1 đơn vị hành chính trung tâm làm trụ sở của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Tên gọi bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, gắn với tên của đơn vị hành chính cấp huyện, giữ lại giá trị lịch sử, văn hóa để xác định và được đánh theo số thứ tự.
Trong đó, lưu ý vùng trung tâm phát triển, vùng lõi đô thị trở thành động lực xác định thành đơn vị hành chính thứ nhất theo tên gọi huyện, thị xã, thành phố (như phường Hải Dương 1, phường Hải Dương 2, xã Nam Sách 1, xã Nam Sách 2...).
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gắn với giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.
Kết quả rà soát cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã ở Hải Dương để phục vụ sắp xếp
Tính đến ngày 1/3, toàn tỉnh Hải Dương có 841 công chức đang làm việc tại HĐND, UBND 12 huyện, thị xã, thành phố và 542 cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Uỷ ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện.
Toàn tỉnh Hải Dương có 1.383 cán bộ, công chức cấp huyện. Số công chức cấp huyện đến nay chưa có nhiều biến động lớn.
Bình quân mỗi đơn vị cấp huyện có 115 cán bộ, công chức có mặt. Tuy nhiên, số lượng cán bộ, công chức ở các huyện, thị xã, thành phố có sự chênh lệch do các điều kiện về quy mô, diện tích, dân số
Hiện nay, Sở Nội vụ đang tiếp tục rà soát số lượng, chất lượng cán bộ, công chức tại các sở, ngành tỉnh.
Trước đó, thực hiện yêu cầu của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp về số lượng, chất lượng công chức các xã, phường, thị trấn.
Theo kết quả rà soát, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trong toàn tỉnh Hải Dương tính đến ngày 31/12/2024 là 4.203 người, gồm 2.192 cán bộ, 2.011 công chức.
Như vậy, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 5.500 cán bộ, công chức ở 2 cấp huyện, xã.
Ngoài rà soát về số lượng, độ tuổi, Sở Nội vụ đã chủ động rà soát về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nguồn tuyển dụng, điều động, luân chuyển...
Việc rà soát để có tổng hợp, đánh giá toàn diện, thực chất về thực trạng số lượng, chất lượng cán bộ và công chức trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ việc giải quyết, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.