TOÀN VĂN: Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

19/05/2023 08:36

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023 của Kiểm toán nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, các Đoàn kiểm toán nhà nước, các thành viên của Đoàn kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY TRÌNH
Kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

(Kèm theo Quyết định số:  07/2023/QĐ-KTNN ngày 16 tháng 5 năm 2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (sau đây gọi là Quy trình) quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán; việc công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Quy trình này được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước (CMKTNN), Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và thực tiễn hoạt động kiểm toán.

Quy trình gồm 3 bước:

- Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng;

- Xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng;

- Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

2. Trong hoạt động kiểm toán nếu có các trường hợp phát sinh khác ngoài quy định của Quy trình này, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán, tổ chức và cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.

Về một số từ ngữ doanh nghiệp nhà nước

1. Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (sau đây gọi là Quy trình) quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán; việc công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Quy trình này được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước (CMKTNN), Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và thực tiễn hoạt động kiểm toán.

Quy trình gồm 3 bước:

- Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng;

- Xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng;

- Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

2. Trong hoạt động kiểm toán nếu có các trường hợp phát sinh khác ngoài quy định của Quy trình này, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán, tổ chức và cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy trình này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các cuộc kiểm toán, các Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (gọi tắt là Đoàn kiểm toán), các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát chất lượng kiểm toán; tổ chức, cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước; đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Mục đích ban hành

1. Nhằm tăng cường phát hiện, xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán nhà nước, Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán.

3. Làm căn cứ để tổ chức thực hiện các bước công việc khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình thực hiện kiểm toán. 

Điều 4. Về một số từ ngữ

1. Trong Quy trình này, các từ ngữ dưới đây được hiểu theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 như sau:

1.1. Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

1.2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

1.3. Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

1.4. Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố, cung cấp thông tin, giải trình về tổ chức bộ máy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

1.5. Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

1.6. Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.

2. Trong Quy trình này, các hành vi tham nhũng được hiểu theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 như sau:

2.1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

2.2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Điều 5. Tiếp nhận, xử lý thông tin vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của: cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng; cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước; thông tin phản ánh, tố cáo sai phạm, tham nhũng, tố giác về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tố giác tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Kiểm toán nhà nước; Kiểm toán nhà nước xem xét, xử lý như sau:

1. Thông tin tiếp nhận vào thời điểm xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm thì Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định đưa vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào Kế hoạch kiểm toán năm.

2. Thông tin tiếp nhận vào thời điểm Kế hoạch kiểm toán năm đã được ban hành thì Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định đưa vụ việc có dấu hiệu tham nhũng bổ sung vào Kế hoạch kiểm toán năm hoặc bổ sung vào nội dung, phạm vi của cuộc kiểm toán liên quan đã có trong Kế hoạch kiểm toán năm.

3. Thông tin tiếp nhận liên quan đến cuộc kiểm toán đang thực hiện kiểm toán thì Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, bổ sung vào mục tiêu, nội dung và phạm vi của cuộc kiểm toán liên quan đó hoặc tách thành một cuộc kiểm toán khác.

Điều 6. Kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

1. Các trường hợp kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước:

a) Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung của Kiểm toán nhà nước.

b) Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung.

c) Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được tiếp nhận liên quan đến một cuộc kiểm toán đang trong quá trình thực hiện kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tách thành một cuộc kiểm toán khác.

2. Trong quá trình thực hiện các cuộc kiểm toán theo quy định tại khoản 1 Điều này phát hiện các bằng chứng kiểm toán nghi ngờ dấu hiệu tham nhũng, tội phạm, ngoài việc thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định tại Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước thì Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán phải thực hiện các bước quy định tại Quy trình này.

Điều 7. Yêu cầu đối với Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán

1. Tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống CMKTNN, Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, các văn bản pháp luật và quy định của Kiểm toán nhà nước có liên quan.

2. Nâng cao trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động, tích cực phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tội phạm; xử lý kịp thời, hiệu quả các thông tin phản ánh, tố cáo sai phạm, tham nhũng, tố giác về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tố giác tội phạm.

3. Tổ chức tiến hành các công việc theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Quy trình này. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc ghi chép, tập hợp đầy đủ kết quả kiểm toán cụ thể của từng bước công việc vào hồ sơ kiểm toán; tăng cường ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, kỹ thuật công nghệ cao; thực hiện bảo mật thông tin theo quy định.

4. Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán thường xuyên giám sát, kiểm tra công việc của các thành viên Đoàn kiểm toán để đánh giá kết quả kiểm toán, rà soát và đánh giá bằng chứng kiểm toán, rút kinh nghiệm và quyết định các công việc tiếp theo; chỉ đạo, hướng dẫn thành viên Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Quy trình này.

Điều 8. Tài liệu, hồ sơ kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

1. Ghi chép tài liệu, hồ sơ kiểm toán, lập biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán, biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán, biên bản làm việc, biên bản đối chiếu... được thực hiện theo quy định có liên quan của Kiểm toán nhà nước.

2. Việc lập và lưu trữ tài liệu, hồ sơ kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống CMKTNN, Quy định Danh mục Hồ sơ kiểm toán, chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán, các quy định khác của Kiểm toán nhà nước và của pháp luật có liên quan.

Chương II

PHÁT HIỆN VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU THAM NHŨNG

Điều 9. Thu thập và đánh giá bằng chứng

1. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán (sau đây gọi chung là Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN)) phải vận dụng phù hợp các phương pháp, thủ tục kiểm toán, kiến thức và xét đoán chuyên môn, các văn bản quy phạm pháp luật để tiến hành kiểm toán các nội dung công việc được giao; chủ động, tích cực trong việc phát hiện gian lận, sai phạm, nhất là các dấu hiệu tham nhũng, tội phạm. 

Để nâng cao khả năng phát hiện gian lận, sai phạm, nhất là các dấu hiệu tham nhũng, tội phạm, KTVNN phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt cuộc kiểm toán, phải nhận thức được khả năng có thể tồn tại sai sót trọng yếu do gian lận; đặc biệt chú trọng tuân thủ các CMKTNN và/hoặc hướng dẫn thực hiện CMKTNN về: Trách nhiệm của KTVNN liên quan đến gian lận trong cuộc kiểm toán tài chính; Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính; Biện pháp xử lý rủi ro kiểm toán trong kiểm toán tài chính; Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính; Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ.

2. Khi nghi ngờ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua kiểm toán tài liệu, hồ sơ do đơn vị được kiểm toán cung cấp, KTVNN phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung cần thiết, như: phỏng vấn lãnh đạo và/hoặc những người, bộ phận (thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ...) có liên quan của đơn vị được kiểm toán, thực hiện các thủ tục phân tích để đánh giá các vấn đề bất thường, mở rộng mẫu chọn kiểm toán, kiểm tra các tài liệu, thông tin có liên quan...

3. Các phương pháp, thủ tục kiểm toán nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán thực hiện theo quy định của CMKTNN và/hoặc hướng dẫn thực hiện CMKTNN về: Bằng chứng kiểm toán và Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ (gồm: Quan sát; kiểm tra, đối chiếu; xác nhận từ bên ngoài; tính toán lại; điều tra; phỏng vấn; thủ tục phân tích; thực hiện lại) và các phương pháp khác như: kiểm tra hiện trường, kiểm định, thuê chuyên gia, kiểm kê, giám định, kiểm tra tài khoản. Việc vận dụng phương pháp, thủ tục kiểm toán tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán và yêu cầu về bằng chứng kiểm toán trong trường hợp cụ thể.

4. Khi xem xét, xác định có hay không dấu hiệu tham nhũng, tội phạm thì KTVNN cần phải đối chiếu với các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định pháp luật khác có liên quan về hành vi tham nhũng, tội phạm (tham khảo một số hành vi được trích dẫn theo Bộ luật Hình sự tại Phụ lục kèm theo Quy trình này).

5. KTVNN kiểm tra, soát xét và hệ thống hóa các bằng chứng kiểm toán đã thu thập được về vụ việc nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, tổng hợp phát hiện, lập bước đầu hồ sơ của vụ việc.

Điều 10. Thảo luận và xử lý ở Tổ kiểm toán

1. Sau khi thực hiện xong bước công việc quy định tại khoản 5 Điều 9 Quy trình này, KTVNN báo cáo ngay Tổ trưởng Tổ kiểm toán (trong trường hợp Đoàn kiểm toán không có Tổ kiểm toán thì báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán) kèm theo hồ sơ bước đầu của vụ việc.

2. Tổ trưởng Tổ kiểm toán tổ chức họp tổ để thảo luận về phát hiện, các bằng chứng KTVNN đã thu thập được và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng; đồng thời báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán để chỉ đạo. Việc thảo luận trong Tổ kiểm toán phải tuân thủ CMKTNN và/hoặc hướng dẫn thực hiện CMKTNN về: Trách nhiệm của KTVNN liên quan đến gian lận trong cuộc kiểm toán tài chính, Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ và các quy định khác có liên quan.

3. Trên cơ sở kết quả thảo luận trong Tổ kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán chỉ đạo KTVNN thực hiện các thủ tục, nội dung kiểm toán bổ sung, thu thập thêm các bằng chứng kiểm toán nếu cần thiết. Trường hợp cần thiết Tổ trưởng Tổ kiểm toán đề xuất với Trưởng Đoàn kiểm toán báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh bổ sung phạm vi, nội dung, phương pháp kiểm toán, đối chiếu, thời gian, nhân sự Đoàn kiểm toán …

4. KTVNN thực hiện các công việc theo chỉ đạo và kết luận của Tổ trưởng Tổ kiểm toán; tổng hợp bằng chứng kiểm toán, củng cố hồ sơ vụ việc và báo cáo Tổ trưởng Tổ kiểm toán để báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán.

Điều 11. Trưởng Đoàn kiểm toán kiểm tra, soát xét, đánh giá bằng chứng kiểm toán và xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

1. Ngay sau khi nhận được báo cáo của Tổ trưởng Tổ kiểm toán về vụ việc nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng và hồ sơ vụ việc, Trưởng Đoàn kiểm toán kiểm tra, soát xét, đánh giá các bằng chứng kiểm toán, hồ sơ vụ việc; xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các đề nghị của Tổ trưởng Tổ kiểm toán. Trường hợp cần thiết, Trưởng Đoàn kiểm toán tổ chức họp thảo luận trong Đoàn kiểm toán như quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy trình này. Thành phần họp do Trưởng Đoàn kiểm toán quyết định.

2. Trưởng Đoàn kiểm toán chỉ đạo Tổ trưởng Tổ kiểm toán thực hiện các thủ tục, nội dung kiểm toán bổ sung, thu thập thêm các bằng chứng kiểm toán nếu cần thiết.

3. Tổ trưởng Tổ kiểm toán triển khai thực hiện các công việc theo chỉ đạo và kết luận của Trưởng Đoàn kiểm toán; củng cố, tổng hợp bằng chứng kiểm toán, báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán.

4. Trên cơ sở báo cáo của Tổ trưởng Tổ kiểm toán (kèm theo hồ sơ vụ việc đã được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Trưởng Đoàn kiểm toán quy định tại khoản 3 Điều này), trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Trưởng Đoàn kiểm toán phải kết luận vụ việc có hay không có dấu hiệu tham nhũng và thông báo cho Tổ trưởng Tổ kiểm toán, KTVNN liên quan biết. Trưởng Đoàn kiểm toán chịu trách nhiệm trước pháp luật, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và Tổng Kiểm toán nhà nước về kết luận của mình.

a) Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì Trưởng Đoàn kiểm toán báo cáo và chuyển hồ sơ cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán xem xét, xử lý.

b) Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tham nhũng thì Trưởng Đoàn kiểm toán chỉ đạo Tổ kiểm toán tiếp tục kiểm toán theo kế hoạch.

c) Trường hợp không nhất trí với kết luận của Trưởng Đoàn kiểm toán thì Tổ trưởng Tổ kiểm toán, KTVNN liên quan có quyền bảo lưu ý kiến bằng văn bản theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước.

Chương III
XÁC MINH, LÀM RÕ VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU THAM NHŨNG

Điều 12. Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức thẩm định hồ sơ, bằng chứng kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

1. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các đề nghị của Trưởng Đoàn kiểm toán.

2. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chỉ đạo Trưởng Đoàn kiểm toán thực hiện các thủ tục, nội dung kiểm toán bổ sung, thu thập thêm các bằng chứng kiểm toán nếu cần thiết; và báo cáo ngay Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước phụ trách để chỉ đạo.

3. Trưởng Đoàn kiểm toán triển khai thực hiện các công việc theo chỉ đạo và kết luận của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; củng cố, tổng hợp bằng chứng kiểm toán, báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.

4. Trên cơ sở báo cáo của Trưởng Đoàn kiểm toán (kèm theo hồ sơ vụ việc đã được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán quy định tại khoản 3 Điều này), trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kết luận vụ việc có hay không có dấu hiệu tham nhũng, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước và thông báo cho Trưởng Đoàn kiểm toán biết về kết luận của mình. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chịu trách nhiệm trước pháp luật và Tổng Kiểm toán nhà nước về kết luận của mình.

a) Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, xử lý.

b) Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tham nhũng thì Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chỉ đạo Trưởng Đoàn kiểm toán tiếp tục kiểm toán theo kế hoạch.

c) Trường hợp không nhất trí với kết luận của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thì Trưởng Đoàn kiểm toán có quyền bảo lưu ý kiến bằng văn bản theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước.

Điều 13. Kiểm toán nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ, bằng chứng kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

1. Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng để thẩm định hồ sơ, bằng chứng kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và tham mưu, tư vấn cho Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc chỉ đạo xác minh, làm rõ và xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật.

2. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm: Chủ tịch Hội đồng là một Phó Tổng  Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế, Thanh tra Kiểm toán nhà nước, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành phần khác do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định. Vụ Tổng hợp có trách nhiệm tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng thẩm định và làm nhiệm vụ thư ký Hội đồng.

3. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trình, Hội đồng thẩm định phải tổ chức họp và kết luận vụ việc có hay không dấu hiệu tham nhũng; nếu chưa đủ căn cứ kết luận thì phải chỉ rõ những nội dung, vấn đề cần phải tiếp tục xác minh, làm rõ, các phương pháp, thủ tục cần phải thực hiện bổ sung, …  

a) Trường hợp đã đủ cơ sở, căn cứ kết luận dấu hiệu tội phạm, không cần xác minh, làm rõ thêm thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Quy trình này.

b) Trường hợp cần xác minh, làm rõ và củng cố thêm bằng chứng kiểm toán về dấu hiệu tham nhũng thì thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Quy trình này.

c) Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Quy trình này.

4. Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm gửi toàn bộ hồ sơ, tài liệu, bằng chứng liên quan đến vụ việc có dấu hiệu tham nhũng cho các thành viên của Hội đồng thẩm định và giải trình theo yêu cầu của Hội đồng.

Điều 14. Tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

1. Tổ trưởng Tổ kiểm toán có trách nhiệm lập Kế hoạch xác minh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trình Trưởng Đoàn kiểm toán xem xét, phê duyệt; gửi Kế hoạch xác minh được duyệt cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để theo dõi, chỉ đạo. Kế hoạch xác minh phải nêu rõ: nội dung, đối tượng, đơn vị (cá nhân) được xác minh, phương pháp, thời gian, địa điểm làm việc và KTVNN thực hiện.

2. Tiến hành xác minh theo Kế hoạch

a) KTVNN tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Kết quả xác minh phải được lập thành biên bản.

b) Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán chỉ đạo công tác xác minh, kiểm tra, soát xét trình tự, thủ tục xác minh và kết quả xác minh.

Điều 15. Báo cáo kết quả xác minh

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc xác minh, Trưởng Đoàn kiểm toán phải có Báo cáo kết quả xác minh, gửi Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều 12, Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều 13 và Tổng Kiểm toán nhà nước.  

Điều 16. Thẩm định Báo cáo kết quả xác minh

1. Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều 12 Quy trình này chịu trách nhiệm thẩm định Báo cáo kết quả xác minh, báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán kết quả thẩm định trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả xác minh và hồ sơ, tài liệu kèm theo.

2. Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều 13 Quy trình này chịu trách nhiệm thẩm định Báo cáo kết quả xác minh, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước kết quả thẩm định trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả xác minh, Báo cáo thẩm định của Hội đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này và hồ sơ, tài liệu kèm theo.

Chương IV
XỬ LÝ VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU THAM NHŨNG VÀ CÔNG KHAI
 BÁO CÁO KIỂM TOÁN VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU THAM NHŨNG

Điều 17. Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều 13 Quy trình này tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định tại Điều 62 Luật Phòng, chống tham nhũng, như sau:

1. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

2. Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Kiểm toán nhà nước.

3. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) ký gửi các cơ quan theo quy định.

4. Kết thúc cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán.

Điều 18. Công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

1. Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

2. Việc công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện theo quy định của Kiểm toán nhà nước về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán./.

Phụ lục

TRÍCH DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

1. Tội tham ô tài sản (Điều 353)

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Tội nhận hối lộ (Điều 354)

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;        

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

3. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355)

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356)

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

5. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357)

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

6. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358)

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

7. Tội giả mạo trong công tác (Điều 359)

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

8. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219)

1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

9. Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220)

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư;

b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư;

c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án;

d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

10. Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221)

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán;

b) Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;

c) Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán;

d) Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán;

đ) Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

11. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222)

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

12. Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223)

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm thất thoát tiền thuế phải nộp từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Thực hiện việc miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt, hoàn thuế không đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật về thuế;

b) Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế không đúng quy định của Luật Quản lý thuế và quy định khác của pháp luật về thuế.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Làm thất thoát tiền thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

13. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224)

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng quy định của Luật Xây dựng;

b) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật Xây dựng;

c) Lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng;

d) Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

14. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230)

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư;

b) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;            

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

15. Tội đưa hối lộ (Điều 364)

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

16. Tội môi giới hối lộ (Điều 365)

1. Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

17. Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366)

1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Những điểm mới của LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM sửa đổi

Những điểm mới của LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM sửa đổi

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Y tế đề xuất chế độ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI của viên chức, người lao động tại cơ sở y tế công lập: Mức phụ cấp 30%-40%-50%-60%-70% đối với các trường hợp cụ thể.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi