Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức kiểm toán khoa học, hiệu quả, không gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, giảm số cuộc và đầu mối kiểm toán; đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Theo Kiểm toán nhà nước, mặc dù năm 2022, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong đó có hoạt động của Kiểm toán nhà nước, song toàn ngành đã chủ động tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 22.036 tỷ đồng
Năm 2022, Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm toán với 178 nhiệm vụ kiểm toán. Ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương, địa phương để xác nhận quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm và kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển của ngành.
Năm 2022, Kiểm toán nhà nước đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; nhiều chuyên đề có phạm vi rộng được dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ trung ương đến địa phương trong đó có chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ; việc quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021; việc thực hiện chính sách xã hội trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề; việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích; công tác quản lý nhà nước về đất đai…
Tính đến 31/8/2022, toàn ngành đã xét duyệt 200 kế hoạch kiểm toán, triển khai 184/231 đoàn kiểm toán theo kế hoạch; kết thúc 140 cuộc kiểm toán; phát hành 162 báo cáo kiểm toán bảo đảm tiến độ. Tổng hợp kết quả từ 162 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 22.036 tỷ đồng.
Kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản pháp luật
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản pháp luật không phù hợp và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật với nhiều tập thể và cá nhân đối với từng sai phạm.
Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng cung cấp 724 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, điều tra; cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Quốc hội, Chính phủ; cho ý kiến về các chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Kiểm toán nhà nước cũng nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế như số lượng kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động trong tổng số cuộc kiểm toán chiếm tỷ trọng thấp; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại một số đơn vị chưa cao làm giảm hiệu lực kiểm toán.