Thủ tướng: Quyết tâm hoàn thành 1200km cao tốc cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km trên địa bàn các tỉnh Cần Thơ và Hậu Giang.
Trước đó, vào chiều 12/7, Thủ tướng đã đi kiểm tra công trường thi công tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.
Trong buổi sáng, Thủ tướng đã kiểm tra tình hình thi công dự án thành phần 2 tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ; dự án thành phần 3 tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại nút giao QL61C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang.
Tiếp đó, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với các cơ quan liên quan tại UBND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Tuyến cao tốc 188 km với tổng mức đầu tư gần 45.000 tỷ đồng
Theo quy hoạch, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 6 tuyến cao tốc/1.188 km, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc (597 km) và 3 tuyến cao tốc trục ngang (591 km). Đến nay, toàn vùng đã đưa vào khai thác 120 km.
Trong đó, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km (bố trí 18 nút giao, trung bình 10km/nút, 133 cầu dài gần 28km); quy mô phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng; tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản.
Dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù, gồm cơ chế chỉ định thầu, cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Công tác thu hồi đất đã cơ bản hoàn thành (đạt 99%), chỉ còn khoảng 1% tập trung tại 86 hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là 15 vị trí đường điện cao thế.
Về nguyên vật liệu, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 29 triệu m3. Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đến nay đã cơ bản giải quyết đủ nguồn cung vật liệu cát về trữ lượng. Tuy nhiên, công suất khai thác còn thấp (chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu) nên cần nâng công suất.
Về công tác thi công, giải ngân, dự án khởi công 4/14 gói thầu xây lắp đầu tiên từ tháng 6/2023. Đến tháng 12/2023, các địa phương đã khởi công toàn bộ 14/14 gói thầu.
Lũy kế sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 9,3% giá trị hợp đồng; trong đó, An Giang đạt 20,5%, Hậu Giang đạt 11,9%, Cần Thơ đạt 5,0%, Sóc Trăng đạt 2,3%.
Để đáp ứng yêu cầu hoàn thành dự án năm 2026 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương rà soát, khẩn trương điều chỉnh tiến độ thực hiện của từng dự án, từng gói thầu nhằm bù đắp phần chậm.
Trong đó lưu ý xác định cụ thể các mốc thời gian khống chế, đặc biệt là công tác thi công nền đường và các công trình trên tuyến phải hoàn thành toàn bộ trước tháng 4/2026.
Cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long
Sau khi nghe các báo cáo, đại diện các nhà thầu trình bày các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tuyến đường Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng, là cao tốc trục Đông - Tây kết nối với cao tốc Bắc - Nam.
Chúng ta đang phấn đấu, quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km còn lại, để đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.200 km cao tốc theo quy hoạch.
Cùng với hệ thống giao thông thủy nội địa, các cảng lớn, như Cái Cui, Ô Môn, Trần Đề, các sân bay, chúng ta sẽ cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương phải đồng hành, sát cánh cùng Trung ương với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, có trọng tâm trọng điểm hơn nữa.
Theo Thủ tướng, hệ thống giao thông cùng với các biện pháp đồng bộ khác sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển đồng bằng sông Cửu Long, đẩy nhanh đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng "phố trong làng", tạo việc làm sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người dân không phải ly hương tìm việc làm, sinh kế.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực, quyết tâm của các địa phương đã cùng các bộ, ngành trong khảo sát hướng tuyến, cân đối nguồn vốn cho dự án cao tốc này trong điều kiện khó khăn sau đại dịch COVID-19; tích cực giải quyết các khó khăn liên quan tới nguyên vật liệu thông thường (cát, đá, sỏi…) cho dự án.
Đồng thời, Thủ tướng biểu dương các nhà thầu Trường Sơn, Trung Nam và các nhà thầu khác đã tích cực tham gia dự án.
Về một số công việc trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục mở rộng các mỏ nguyên vật liệu đã có và triển khai nhanh các thủ tục để mở các mỏ mới cung cấp nguyên vật liệu cho dự án. Các đơn vị điện lực tích cực di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Về thi công, với phương châm "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để lấy lại thời gian, tiến độ bị chậm và phấn đấu vượt tiến độ, Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu huy động nhân lực, trang thiết bị để làm việc "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm".
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các nhà thầu lớn cần hợp tác các nhà thầu địa phương để huy động nhân lực tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà thầu địa phương cùng trưởng thành, cùng phát triển, đủ năng lực đảm nhận các công trình khác.
Chỉ rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, xã và nhân dân, doanh nghiệp vào cuộc, thường xuyên quan tâm, kiểm tra, động viên các lực lượng thi công, hỗ trợ về ăn ở, nhân công…
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm người dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.
Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hạ tầng giao thông chiến lược khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 13/7, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông chiến lược khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cách đây 3 năm, cũng tại Cần Thơ, ông đã có cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long để thống nhất quyết tâm cao triển khai các tuyến cao tốc trong vùng.
Trước đây, việc phát triển hạ tầng giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long đã được quan tâm qua các thời kỳ, song do điều kiện khó khăn nhiều mặt nên các tuyến cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long chưa được triển khai mạnh mẽ.
Theo quy hoạch tới năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 1.200 km cao tốc với 3 tuyến theo trục Bắc - Nam và 3 tuyến theo trục Đông - Tây, kết nối TPHCM, miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Cùng với đó, chúng ta đã hoàn thành quy hoạch cảng biển, quy hoạch hàng không, giao thông thủy nội địa và quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, chúng ta quyết tâm, phấn đấu trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 500-600 km cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long và chuẩn bị để nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km nữa.
Nhìn lại những công việc, kết quả đã đạt được thời gian qua, Thủ tướng chúc mừng, hoan nghênh các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đã đồng hành, sát cánh cùng các cơ quan Trung ương, có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch, xác định hướng tuyến các dự án cao tốc ngắn nhất, thẳng nhất có thể; cảm ơn các địa phương, các cấp, các ngành đã hợp tác, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia và người dân đã ủng hộ, nhường mặt bằng cho các dự án.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng các dự án cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên cả nước nói chung là công việc rất vinh dự, tự hào, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng và phát triển hạ tầng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có mục tiêu 3.000 km cao tốc tới năm 2025 và 5.000 km cao tốc tới năm 2030.
Thủ tướng đánh giá, các công việc đến giờ này tương đối suôn sẻ, với 8 kết quả nổi bật về quy hoạch, xác định hướng tuyến, bố trí nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguyên vật liệu, thúc đẩy tiến độ các dự án, công tác hỗ trợ tái định cư và chăm lo đời sống cho nhân dân.
Trong đó, khó khăn lớn nhất về nguồn vốn được khắc phục bằng cách huy động đa dạng nguồn vốn Trung ương, địa phương, ngắn hạn và dài hạn, trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó, khó khăn về nguyên vật liệu cho các dự án cũng cơ bản được tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các bộ trưởng đã nhiều lần vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long để tháo gỡ vấn đề này.
Công tác giải phóng mặt bằng các dự án đang triển khai cũng cơ bản hoàn thành, đến nay dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chỉ còn khoảng 1%.
Cùng với đó, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp ngày càng trưởng thành, có kinh nghiệm hơn, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, tự hào; những sản phẩm đạt được khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể phát triển hệ thống cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long.
Những kết quả đạt được cũng cho thấy, muốn phát triển đất nước thì phải có đội ngũ cán bộ giỏi, có tâm, có đức, có trí tuệ, hoài bão, trách nhiệm và sản phẩm cụ thể.
Đồng thời quản trị đất nước phải thông minh, số hóa; phát triển kinh tế-xã hội và môi trường phải hài hòa, hợp lý, nhanh, bền vững, xanh, sạch, đẹp.
Thủ tướng: Đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững
Theo Thủ tướng, cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục tạo động lực, truyền cảm hứng để hoàn thành khoảng 500-600 km cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long trong nhiệm kỳ này, thiết thực kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, 80 năm Quốc khánh và chào mừng Đại hội XIV của Đảng.
Đồng thời những kết quả trong nhiệm kỳ này sẽ là nền tảng, cơ sở để tiếp tục xây dựng khoảng 600 km cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Thủ tướng cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long tuy còn khó khăn nhưng tương lai rất sáng, hoàn toàn có thể "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Cùng với việc xây dựng các tuyến cao tốc, chúng ta triển khai đồng bộ việc xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp các cảng biển, sân bay để hoàn thiện hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long, cũng như các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, hạn mặn… đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Các dự án này gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm 02 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần do 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng) là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu gồm dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 (Tiền Giang); dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (Bộ GTVT là cơ quan chủ quản).
Đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công, trong đó dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã khởi công dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 do tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản dự kiến khởi công trong tháng 7/2024; dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công, cụ thể: Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt 98,9%; dự án Cần Thơ-Cà Mau đạt 99,9%; dự án Cao Lãnh - An Hữu: Thành phần 1 - tỉnh Đồng Tháp đạt 99,7%, thành phần 2 - tỉnh Tiền Giang đạt 82%; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận đoạn qua địa phận tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 18% (khởi công tháng 3/2024).
Mặc dù khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều, nhưng nếu không được giải quyết dứt điểm trong tháng 7/2024 sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành thi công toàn bộ các dự án.
Về công tác triển khai thi công, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, 2 dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025 (gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận); dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và dự án Mỹ An - Cao Lãnh hoàn thành năm 2027.
Các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện.
Để có thể hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu cát đắp, vật liệu cấp phối đá dăm và công tác chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư, cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công là yếu tố quyết định đến tiến độ hoàn thành các dự án.
Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường, để đảm bảo hoàn thành các dự án, Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp mỏ vật liệu nhằm rút ngắn quá trình thực hiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cùng với sự nỗ lực của các tỉnh, đến nay, đã xác định nguồn cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 63,1 triệu m3 so với nhu cầu 55,5 triệu m3 (An Giang 22 triệu m3, Đồng Tháp 9,3 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3, Bến Tre 5,4 triệu m3, Tiền Giang 9,3 triệu m3, Sóc Trăng 12,1 triêu m3 bao gồm cả 5,5 triệu m3 cát biển), trong đó đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 26,27 triệu m3.
Biến quyết tâm hành hành động, biến không thể thành có thể
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL sau 3 năm tích cực triển khai bước đầu đã hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc với kết quả nhìn thấy, lượng hóa, đo đếm được, đang phát triển mạnh mẽ hệ thống hạ tầng giao thông theo đúng tinh thần đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các phương thức giao thông đã phát triển rất nhanh, bao trùm, toàn diện tại ĐBSCL.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, cảm ơn và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, sự nỗ lực, tinh thần làm việc hết sức mình vì công việc của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động "vượt nắng, thắng mưa", trực tiếp làm việc tại các công trường dự án; trân trọng cảm ơn và biểu dương những gia đình, người dân, cộng đồng đã tích cực hỗ trợ, nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thi công các dự án.
Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan đã biến quyết tâm chính trị và thống nhất nhận thức rất cao thành hành động quyết liệt, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tháo gỡ đến cùng các vướng mắc, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, qua việc triển khai các dự án đường bộ cao tốc thời gian qua, tất cả các chủ thể đều học hỏi lẫn nhau, có kinh nghiệm, trưởng thành và tự tin hơn để triển khai các dự án cao tốc tiếp theo, các sân bay, cảng biển, cảng thủy nội địa… để biến cái không thể thành có thể, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên.
Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai các dự án.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, làm hết trách nhiệm của mình, cán bộ phải có tâm, có đức, có tài, có trách nhiệm, hiệu quả.
Công tác quản lý phải thường xuyên được hoàn thiện, phù hợp thực tiễn theo hướng thông minh, số hóa, giảm phiền hà, giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, phải tìm ra các giải pháp, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Làm tốt công tác truyền thông chính sách với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng". Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, đặt mình vào địa vị của người khác để giải quyết các công việc.
Không để đơn vị thi công 'cô đơn' trên các công trường
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ quan điểm định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2025 ĐBSCL phải có 600 km và đến năm 2030 có 1.200 km đường bộ cao tốc và giao mục tiêu tiến độ đối với từng dự án, trong đó, tập trung cho 2 tuyến cao tốc Bắc-Nam và Đông-Tây.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt và tập trung thực hiện quan điểm "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phấn đấu đưa công trình về đích đúng và trước tiến độ; tổ chức thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "3 ca 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ"; huy động cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào 500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành 3.000 km đường cao tốc để chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Quốc khánh và Đại hội XIV của Đảng.
Về vốn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương tính toán kỹ để báo cáo cấp thẩm quyền. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu, điều tiết vốn hợp lý và Chính phủ sẽ giải quyết theo thẩm quyền.
Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các bí thư, chủ tịch địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay hỗ trợ triển khai dự án, đặc biệt là việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; tập trung giải quyết dứt điểm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có đất cho thi công các dự án.
Về vật liệu, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung cấp, hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, về cát đắp nền, các địa phương phải chủ động theo thẩm quyền để nâng công suất khai thác mỏ vật liệu; điều chuyển nguồn vật liệu giữa các dự án để phù hợp với yêu cầu tiến độ; thực hiện đúng cam kết, trong tháng 7 phải hoàn thành thủ tục để cấp mỏ. Các tỉnh miền Tây hỗ trợ các tỉnh miền Đông về cát; các tỉnh miền Đông hỗ trợ các tỉnh miền Tây về đá sỏi.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công "3 ca 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ các dự án; thường xuyên làm việc với các địa phương có nguồn vật liệu để kiểm soát tình hình cung ứng, chủ động giải quyết ngay tại cơ sở đối những vướng mắc phát sinh nếu có.
Các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu để tham gia thực hiện các dự án, huy động lực lượng tại chỗ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
"Các địa phương không để ban quản lý dự án, nhà thầu, các kỹ sư, công nhân cô đơn trên các công trường, trên đồng ruộng mênh mông hiện nay nhưng sẽ trở thành những công trình hiện đại ngày mai", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục làm tốt công tác chăm lo đời sống cho người dân tái định cư, bảo đảm điều kiện của người dân tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ; phối hợp giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, trên các công trình xây dựng; lưu ý triển khai đầu tư tuyến đường đầu nối với tuyến cao tốc, các khu công nghiệp, khu đô thị,… để phát huy tối đa hiệu quả công trình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ dự án, đồng thời bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng công trình, bảo đảm cảnh quan, môi trường, an toàn lao động trong quá trình triển khai dự án và khi hoàn thành đi vào khai thác.
Các cơ quan truyền thông tiếp tục thông tin kịp thời, chính xác tình hình triển khai các dự án; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; tạo khí thế, thi đua thực hiện các nhiệm vụ; biểu dương các tấm gương người tốt, việc tốt; phản ánh các vấn đề một cách khách quan, trung thực, mang tính xây dựng, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong chỉ đạo để với sự nỗ lực, cố gắng, tập trung cao độ của các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động tại các công trường và sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân, các dự án cao tốc sẽ hoàn thành đúng và vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, mang lại diện mạo mới và mở ra cơ hội, không gian phát triển rộng lớn cho vùng ĐBSCL, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.