Thủ tướng đề nghị 2 nước Việt - Trung hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng

27/06/2024 10:30

(Chinhphu.vn) - Hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng cao và hiệu quả thực chất, bền vững; đề nghị hai bên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là hợp tác kết nối đường sắt, đường bộ, cửa khẩu trong khuôn khổ kết nối "Hai hành lang, một vành đai" với "Vành đai và con đường"; hoan nghênh Trung Quốc tăng đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị 2 nước Việt - Trung hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trung Quốc coi trọng cao độ và luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng

Chiều 26/6, tại Đại lễ đường Nhân dân (Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới đồng chí Tập Cận Bình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển quan hệ ổn định, bền vững, lâu dài với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Việt Nam ủng hộ Trung Quốc phát triển, hoàn thành thắng lợi mục tiêu "100 năm thứ hai", xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình gửi lời thăm hỏi thân thiết đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi trọng cao độ và luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng; khẳng định ủng hộ Việt Nam bảo vệ độc lập dân tộc và tôn nghiêm quốc gia; kiên định ủng hộ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIV, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình đất nước.

Thủ tướng đề nghị 2 nước Việt - Trung hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng- Ảnh 2.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, nhất là Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo phương hướng "6 hơn" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng ôn lại quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước đà phát triển tích cực của quan hệ Việt-Trung thời gian qua; nhất trí tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, nhất là Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo phương hướng "6 hơn".

Đồng chí Tập Cận Bình nhấn mạnh, hai bên cần tăng cường tin cậy chính trị, duy trì trao đổi cấp cao thường xuyên, phát huy tốt cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, đẩy mạnh giao lưu, trao đổi kênh Đảng và tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành quan trọng, như ngoại giao, quốc phòng, công an...; nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất; tăng cường giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng; phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương, đóng góp cho sự phát triển của khu vực và thế giới.

Thủ tướng đề nghị 2 nước Việt - Trung hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng- Ảnh 3.

Thủ tướng khẳng định, phát triển quan hệ ổn định, bền vững, lâu dài với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng cao và hiệu quả thực chất, bền vững; đề nghị hai bên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là hợp tác kết nối đường sắt, đường bộ, cửa khẩu trong khuôn khổ kết nối "Hai hành lang, một vành đai" với "Vành đai và con đường"; hoan nghênh Trung Quốc tăng đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại nông sản đối với đông đảo người dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác địa phương trở thành động lực tăng trưởng mới, nghiên cứu xây dựng thí điểm các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng hợp tác kinh tế cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu thông minh; các địa phương khác chủ động tăng cường hợp tác, kết nối các chiến lược phát triển vùng miền; mở rộng hợp tác tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế...
Thủ tướng đề nghị 2 nước Việt - Trung hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng- Ảnh 4.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi trọng cao độ và luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch

Đánh giá cao các đề xuất hợp tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc ủng hộ Việt Nam đẩy nhanh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng Trung Quốc và các nước xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định, bền vững tại khu vực và trên thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, phát huy tính bổ trợ và ưu thế địa lý gần gũi giữa hai nền kinh tế; xem xét lựa chọn triển khai thí điểm khu kinh tế qua biên giới; khẳng định Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam.

Khẳng định Trung Quốc tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, điều này sẽ đem lại cơ hội để hai bên triển khai hợp tác thương mại, hợp tác kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, kết nối kinh tế số.

Chính phủ Trung Quốc ủng hộ doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao, ngành nghề mới nổi.

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhất trí cùng kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở trên biển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không để bất đồng trên biển ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Thủ tướng đề nghị 2 nước Việt - Trung hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng- Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hộ Ninh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hộ Ninh

Chiều 26/6, tại Đại lễ đường Nhân dân (Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Trong không khí chân thành, hữu nghị, cởi mở và tin cậy lẫn nhau, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình của mỗi Đảng, mỗi nước; trao đổi tổng thể về sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua; cùng chia sẻ những ý kiến sâu sắc, toàn diện về công tác nghiên cứu lý luận, kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn cụ thể của mỗi Đảng, mỗi nước, nhất là những tổng kết, thành quả mới về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

Hai bên bày tỏ vui mừng và nhất trí cho rằng, sau các chuyến thăm lẫn nhau mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (năm 2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (năm 2023), quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc duy trì đà phát triển tích cực và có tiến triển mang tính lịch sử; tin cậy chính trị được củng cố và tăng cường; hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất; giao lưu nhân dân được duy trì và phát huy vai trò lan tỏa tích cực, góp phần tăng cường hiểu biết, tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Thủ tướng đề nghị 2 nước Việt - Trung hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng- Ảnh 6.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc duy trì đà phát triển tích cực và có tiến triển mang tính lịch sử; tin cậy chính trị được củng cố và tăng cường; hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, "núi liền núi, sông liền sông", có nhiều điểm tương đồng về chế độ chính trị, con đường phát triển, đặc điểm văn hóa-xã hội.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng phát triển đất nước ngày nay; khẳng định việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới, các cấp, các ngành hai bên cần tích cực đổi mới tư duy, sáng tạo biện pháp, không ngừng đi sâu quán triệt, đẩy mạnh triển khai thực chất các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nhất là Tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng "6 hơn"; quyết tâm phấn đấu giành được nhiều thành tựu thực chất, hiệu quả, thiết thực hơn nữa, hướng đến dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2025.

Thủ tướng đề nghị 2 nước Việt - Trung hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng- Ảnh 7.

Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới, các cấp, các ngành hai bên cần không ngừng đi sâu quán triệt, đẩy mạnh triển khai thực chất các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu với Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh một số thành tựu mới của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể Việt Nam, đặc biệt là những tìm tòi, phát triển, đúc kết lý luận về đường lối Đổi mới, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên cơ sở tổng kết thực tiễn 40 năm Đổi mới; khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển bền vững của Việt Nam cùng với những đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại-an ninh-quốc phòng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Bày tỏ coi trọng và hoàn toàn nhất trí với những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về quan hệ hai Đảng, hai nước, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh nhấn mạnh, Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc; nhất quán ủng hộ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đường lối Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và không ngừng nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Về hợp tác giữa hai nước thời gian tới, đồng chí Vương Hộ Ninh khẳng định sẵn sàng thúc đẩy cơ quan Chính hiệp các cấp Trung Quốc tăng cường giao lưu trao đổi, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cùng nhau quán triệt và triển khai tốt nhận thức chung cấp cao, thúc đẩy làm sâu sắc hợp tác thực chất, đưa quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược không ngừng phát triển đi vào chiều sâu theo định hướng "6 hơn" của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã đề ra.

Thủ tướng đề nghị 2 nước Việt - Trung hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng- Ảnh 8.

Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh nhấn mạnh, Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc; nhất quán ủng hộ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đường lối Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đánh giá cao những thành quả lý luận quan trọng của Việt Nam, đồng chí Vương Hộ Ninh nhấn mạnh, hai bên cần tăng cường trao đổi lý luận, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

Nhân dịp này, trên tinh thần "đồng chí, anh em", đồng chí Vương Hộ Ninh đã đi sâu chia sẻ, giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam một số thành quả sáng tạo mới về lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Đại hội XX đến nay, nhất là về đường lối "hai kết hợp" (xây dựng chủ nghĩa xã hội kết hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của Trung Quốc, kết hợp với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa), "hiện đại hóa kiểu Trung Quốc", phát triển "lực lượng sản xuất chất lượng mới"; nhấn mạnh những thành quả lý luận mới nhất của Trung Quốc đã được thể hiện tập trung, hệ thống hóa trong Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi