Người trực tiếp xây dựng pháp luật được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương

17/05/2025 15:58

(Chinhphu.vn) - Ngày 17/5, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Người trực tiếp xây dựng pháp luật được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương- Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp.

Người trực tiếp xây dựng pháp luật được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng

Sáng 17/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật với 416/443 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 93,90%.

Nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp). Bao gồm:

Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách.

Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Trường hợp cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này có thay đổi về tên gọi, chức năng hoặc mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc xác định đối tượng được hỗ trợ quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định; Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định; Đối tượng không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. 

Quy định đối tượng khác được hỗ trợ hàng tháng tại các điểm d, đ và e khoản này phải bảo đảm đúng đối tượng là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị quyết này.

Quy định tại khoản 1 Điều 7 không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 7. Khoản hỗ trợ hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều 7 được trả cùng kỳ lương và không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.

Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều 7 thuộc đối tượng được hưởng đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ hằng tháng thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất.

Người tốt nghiệp xuất sắc và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về pháp luật được ưu tiên xét tuyển

Nghị quyết xác định người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật thì được ưu tiên xét tuyển vào các cơ quan, đơn vị tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Người thực hiện nhiệm vụ, hoạt động theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết này được ưu tiên cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài phù hợp với yêu cầu công tác.

Thực hiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng, kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ đối với cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật.

Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, nghiên cứu viên theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết này được ưu tiên quy hoạch, biệt phái, điều động, luân chuyển giữa các Bộ, ngành, địa phương; được rút ngắn thời gian xét nâng lương, nâng ngạch cao hơn, nâng ngạch vượt cấp hoặc bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý trên cơ sở kết quả đánh giá năng lực, thành tích làm việc.

Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế; đưa chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế.

Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang được lựa chọn tham gia, làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế được hưởng chế độ, chính sách tham gia, làm việc tại tổ chức quốc tế và giữ nguyên chế độ, chính sách trong nước.

Người đứng đầu cơ quan quản lý người được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 7 Nghị quyết này có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc để bảo đảm yêu cầu, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật.

Người trực tiếp xây dựng pháp luật được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Trường hợp chưa được xem xét hỗ trợ hàng tháng nhưng có thực hiện nhiệm vụ trong quy trình xây dựng pháp luật thì nhận hỗ trợ theo mức khoán chi

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách và lãnh đạo, công chức trực tiếp giúp việc thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Chính phủ xin tiếp thu tiếp thu, bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách, bởi đây là nhóm cán bộ cơ bản bảo đảm tiêu chí “trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu chính sách, xây dựng pháp luật” quy định tại Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị .

Chưa xem xét, bổ sung ngay một số đối tượng khác do đại biểu Quốc hội đề nghị vì đây là những đối tượng cũng đã được đưa ra thảo luận trong quá trình xây dựng Nghị quyết nhưng chưa đạt được sự thống nhất cao của các cơ quan, có thể dẫn tới việc so sánh, mở rộng hơn đối tượng thụ hưởng ở nhiều cơ quan Trung ương khi xét tới tính chất công việc “trực tiếp, thường xuyên” liên quan đến công tác xây dựng pháp luật. 

Do vậy, dự thảo Nghị quyết hoàn thiện theo hướng giao cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung sau trên cơ sở bảo đảm đúng đối tượng theo quy định.

Trường hợp các đối tượng chưa được xem xét hỗ trợ hằng tháng nhưng có thực hiện nhiệm vụ trong quy trình xây dựng pháp luật thì vẫn nhận hỗ trợ theo mức khoán chi, thù lao vượt trội trong việc tham gia xây dựng từng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nêu trong Phụ lục II.

Người trực tiếp xây dựng pháp luật được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương- Ảnh 3.

Toàn cảnh Phiên họp

Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Trước đó, chiều 16/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Tại Phiên họp, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo một số ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến về nội dung này.

Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền và đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.

Đồng thời, nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính; bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Qua đó, tạo bước đổi mới đột phá, chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Dự thảo Nghị quyết được kết cấu thành 12 Điều với phạm vi điều chỉnh là quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Về cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định, ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển, nguồn ngân sách không chỉ để bảo đảm chi cho xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế mà còn bảo đảm chi cho những lĩnh vực, nội dung quan trọng, thiết yếu, cơ bản của công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và đáp ứng cao nhất yêu của thực tiễn phát triển về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, để xây dựng pháp luật thực sự là “đột phá của đột phá”, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu quản lý nhà nước, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới.

Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế thực hiện khoán chi, trả thù lao, thuê khoán theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động trong xây dựng pháp luật; gắn với quyền chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc về áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, về định mức chi vượt trội quy định tại Nghị quyết và theo quy định của Chính phủ (ít nhất gấp từ 3 lần đến gấp 5 lần so với định mức hiện tại); bảo đảm quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết quy định về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ nguồn ngân sách 0,5% nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật, được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước.

Về chính sách liên quan đến bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo Nghị quyết có 02 nội dung cơ bản. 

Cụ thể, về đảm bảo chế độ hỗ trợ cho nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp) cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật. 

Chế độ này được xây dựng trên nguyên tắc kịp thời thể chế hóa đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm theo đúng tinh thần Nghị quyết 66- NQ/TW, ghi nhận những đối tượng đã rõ, theo hướng chặt chẽ hơn, có sự thống nhất cao giữa các cơ quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nghị quyết.

Về đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể các giải pháp để Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật từ tổ chức đào tạo chuyên sâu, ưu tiên tuyển dụng, thu hút trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế quy hoạch, biệt phái cán bộ; cho đến áp dụng cơ chế tự chủ lựa chọn cách thức hợp tác hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

Về chính sách phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách cho xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển trợ lý ảo về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở khai thác các nguồn cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý, xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. 

Các ý kiến nhận thấy, dự thảo Nghị quyết đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66/NQ-TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. 

Các cơ chế, chính sách đặc biệt sẽ tạo động lực mới để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công

Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công

Tham vấn chính sách

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy mô dân số và diện tích; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công.

Thủ tướng: Chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính

Thủ tướng: Chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính

Phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp dân tộc

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; xử lý ngay các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc phải trả chi phí không chính thức cho cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức.

Đề xuất hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố

Đề xuất hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định.

TOÀN VĂN: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

TOÀN VĂN: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp dân tộc

(Chinhphu.vn) - Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết này.

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

(Chinhphu.vn) - Theo quy định của Bộ GDĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi