Y tế Việt Nam luôn có những biện pháp hữu hiệu để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân
Ngày 9/1, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2024.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ: Nói đến nghề Y là nói đến nghề "chữa bệnh cứu người"; nói về ngành Y là nói về truyền thống "Sâu y lý - giàu y đức - giỏi y thuật". Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người dành cả cuộc đời mình cho Tổ quốc và Nhân dân đã căn dặn: Người bệnh phó thác tính mệnh của họ cho các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang…
Thực hiện lời dạy của Bác, lớp lớp các thế hệ thầy thuốc cách mạng Việt Nam, cả thời chiến cũng như thời bình đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn, gian khổ, thậm chí cả hy sinh để xây dựng nền y tế nước nhà với nhiều trang sử vẻ vang và đầy tự hào. Điều này đã được minh chứng rất sống động và rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khốc liệt, cam go thời gian qua.
Qua nghe báo cáo và các ý kiến tham luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ ấn tượng về những thành tựu của ngành y tế trong những năm qua. Nổi bật là y tế Việt Nam luôn có những biện pháp hữu hiệu để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Theo đó, đã tự chủ sản xuất được 09/11 loại vaccine dùng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Việt Nam là một trong những nước đang phát triển có tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em giảm nhanh nhất thế giới.
Ngành y tế đã phòng, chống thành công nhiều bệnh dịch nguy hiểm, đã sớm thanh toán đậu mùa, uốn ván, dịch hạch. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như SARS, cúm A/H7N9…
Đặc biệt là, gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam là hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về các phương diện trong phòng, chống đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, ngành y cũng luôn tiếp cận, tiến đến làm chủ các tiến bộ y khoa, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện các kỹ thuật khó như: Ghép tạng, nội soi, phẫu thuật bằng robot…
Nhìn lại năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, ngành y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là, cạnh tranh chiến lược, xung đột trên thế giới diễn biến phức tạp làm các chuỗi cung ứng nói chung bị đứt gãy, trong đó có thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… làm cơ cấu dịch bệnh có nhiều thay đổi, gánh nặng của bệnh không lây nhiễm tăng trong khi bệnh truyền nhiễm vẫn còn nguy cơ cao; công tác ứng phó của ngành y ngày càng khó khăn, vất vả.
Quy mô dân số ngày càng tăng công việc thường xuyên của các cấp, các ngành, nhất là ngành y ngày càng nhiều. Đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe.
Đặc biệt là, số lượt khám chữa bệnh tăng cao sau dịch COVID-19 gây quá tải ở nhiều cơ sở y tế, làm gia tăng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, y tế... Thực tế xảy ra tại một số bệnh viện lớn, nhiều bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi ra ngoài viện mua thuốc, vật tư trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên tại các cơ sở y tế khu vực công lập.
Tháo "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, trước nhiều khó khăn, ngành y vẫn đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2023.
Cụ thể, đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao và 7/9 chỉ tiêu cụ thể về y tế. Hoạt động khám chữa bệnh thông thường cơ bản đáp ứng nhu cầu. Khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới tiếp tục được tăng cường. Đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan Bảo hiểm xã hội, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế có mặt được nâng lên. Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh, làm cơ sở, nền tảng quan trọng giải quyết những vướng mắc, bất cập của ngành y ở cả trước mắt và lâu dài.
Cụ thể, ngành y tế đã tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 2 Nghị quyết; Ban Bí thư ban hành 1 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 6 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Quyết định. Bộ Y tế ban hành 34 Thông tư theo thẩm quyền.
Nhờ đó, ngành y tế đã giải quyết cơ bản giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tháo "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: Bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bổ sung đối tượng được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế; nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành y tế được củng cố, kiện toàn
Một thành tích quan trọng cũng cần phải nhấn mạnh đó là, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Theo đó, ngành y tế đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê y tế; bước đầu hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu y tế để thực hiện một số thủ tục hành chính như cấp đổi giấy phép lái xe, cấp giấy chứng sinh, báo tử…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái điểm lại một loạt con số ấn tượng của ngành đã đạt được: 100% đơn vị thuộc Bộ Y tế thành lập Tổ chuyển đổi số. 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip. 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. 100% hồ sơ công việc của Bộ Y tế được thực hiện, quản lý trên môi trường điện tử. 100% (161/161) thủ tục hành chính đủ điều kiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Đặc biệt, năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên. Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành y tế được củng cố, kiện toàn. Mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế tiếp tục phát triển cả công lập và ngoài công lập, các chuyên ngành đào tạo được mở rộng.
Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
Ngành y Việt Nam tiếp tục làm chủ thêm nhiều kỹ thuật cao. Đơn cử, năm 2023 lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ghép đa tạng tim - thận cùng lúc cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những thành tích quan trọng mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2023 đầy khó khăn, thử thách vừa qua, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành y nói riêng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, thể chế, pháp luật về y tế vẫn còn bất cập. Nguồn lực toàn xã hội đầu tư cho ngày y tế còn hạn chế, hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao. Năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu. Còn có khoảng cách về chất lượng dịch vụ y tế giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giữa dịch vụ công và dịch vụ tư.
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế chưa đạt yêu cầu. Ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc vẫn còn chưa mạnh. Công tác đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng nhu cầu. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn diễn ra cục bộ.
Đổi mới cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, cả nước phải tăng tốc và bứt phá, theo đó ngành y tế cần bám sát và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phương châm hành động của Chính phủ là: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế. Trong đó tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Hoàn thiện trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế.
Đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.
Tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine
Thứ hai, tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%.
Thứ ba, tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh. Tăng cường khả năng phân tích, dự báo và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Nâng cao năng lực điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích. Bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến. Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân.
Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Nghiên cứu điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và trình độ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.
Tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng
Thứ năm, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Khẩn trương hoàn thành và triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó Bộ trưởng Bộ Y tế cần tập trung rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới.
Thứ sáu, tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Quyết liệt triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở.
Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, nhất là phương thức đối tác công - tư, đẩy mạnh tự chủ tại các cơ sở y tế công lập và phát triển y tế tư nhân.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trong năm 2024 Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện việc mua sắm thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa vào sử dụng 2 bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho các cơ sở y tế tiếp cận các nguồn vốn bao gồm vốn vay ưu đãi của Chính phủ, vay thương mại để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…
Nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách tiền lương
Thứ bảy, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, gắn bó lâu dài.
Nhấn mạnh, từ ngày 1/7/2024, chúng ta sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, xét thăng hạng cho viên chức y tế, xây dựng bảng lương mới cho ngành theo đúng thời hạn quy định.
Thứ tám, đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc Generic, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu.
Phát huy thế mạnh, tiềm năng sản xuất vaccine và thuốc từ dược liệu. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển y dược cổ truyền; kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.
Thứ chín, nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, góp phần kéo dài và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng. Trong đó, sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển Dân số Việt Nam gắn với xây dựng, ban hành Khung chính sách quốc gia thích ứng, giải quyết vấn đề già hóa dân số.
Thứ mười, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới từng căn dặn ngành y: "Thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như là mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu".
Ghi nhớ những lời dặn của Bác; với tinh thần "đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết", với niềm tin, tâm thế mới và khát vọng phát triển, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn và tin tưởng rằng ngành y tế sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế và toàn ngành, Bộ trưởng Đào Hồng Lan trân trọng cảm ơn, tiếp thu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để chỉ đạo việc cụ thể hóa ngay thành nhiệm vụ trong Chương trình công tác năm 2024. Bộ trưởng Đào Hồng Lan gửi lời cảm ơn và tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tại các điểm cầu địa phương.
Đối với những kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm trao đổi bằng văn bản gửi đến các đại biểu/địa phương để làm rõ, giải đáp các vấn đề còn vướng mắc...
* Cũng tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 3 tập thể thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.
Trần Mạnh