Cần nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội
Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu tại điều 72 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái nêu rõ mong muốn người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm, giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đại biểu đề nghị nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội cao hơn.
Hiện dự thảo quy định mức trợ cấp một lần bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tính đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần tình bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những tháng đóng trước 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm từ 2014 trở đi.
Đối với quy định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, đại biểu Triệu Thị Huyền thống nhất với phương án 1 và cho rằng phương án này đảm bảo được tính kế thừa quy định của luật hiện hành, không tạo ra sự xáo trộn lớn trong xã hội, hạn chế tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần như thời gian qua. Phương án này cũng góp phần tăng các đối tượng được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội chính từ việc tích lũy thông qua quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của mình, từ đó giảm gánh nặng cho xã hội, cho ngân sách nhà nước.
Đề xuất quy định tuổi hưởng lương hưu cho từng nhóm đối tượng
Góp ý về biện pháp xử lý vi phạm đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nêu rõ, để tăng thêm chế tài, nâng cao trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, đại biểu đề xuất bổ sung thêm một khoản vào nội dung của Điều 40 dự thảo Luật, cụ thể như sau: "Không được đấu thầu, thi công mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của nhà nước; không được các tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, học nghề cho người lao động."
Về quy định đối với tuổi nghỉ hưu, đại biểu cho biết, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tuổi nghỉ hưu được tăng dần theo lộ trình đến mức nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi đối với mọi đối tượng lao động chịu tác động trong bộ luật này.
Tuy nhiên, trong thực tế, một số ngành nghề đặc thù như công nhân lao động, giáo viên mầm non thì đòi hỏi sức khỏe tốt để đảm bảo thực hiện công việc. Công nhân lao động làm việc nặng nhọc dẫn đến việc giảm sút sức lao động, từ đó năng suất lao động giảm, không đạt hiệu quả cao.
Thực tế hiện nay cho thấy, ở những ngành nghề lao động nặng hay lao động đòi hỏi sự tỉ mỉ, đa số người lao động không thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu mà sẽ phải nghỉ hưu trước tuổi, từ đó không được hưởng lương hưu mức tối đa theo quy định.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Luật theo hướng tách riêng quy định tuổi hưởng lương hưu cho từng nhóm đối tượng, trong đó xét tuổi đối tượng công nhân lao động, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non vào trong nhóm đối tượng lao động có công việc nặng nhọc, độc hại để giảm độ tuổi nghỉ hưu.