Sửa Luật Đất đai: Phải bịt kín các lỗ hổng pháp luật, ngăn chặn lợi ích nhóm

22/02/2023 16:50

(Chinhphu.vn) - Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc. Giải quyết đúng chính sách, pháp luật về đất đai góp phần kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực phát triển, bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Sửa Luật Đất đai: Phải bịt kín các lỗ hổng pháp luật, ngăn chặn tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm - Ảnh 1.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Sửa Luật Đất đai: Phải bịt kín các lỗ hổng pháp luật, ngăn chặn tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm - Ảnh 2.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho rằng, việc lấy ý kiến lần này là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn dân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai.

Sửa Luật Đất đai: Phải bịt kín các lỗ hổng pháp luật, ngăn chặn tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm - Ảnh 3.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Theo ông Phan Xuân Dũng, Hội nghị tập trung vào 12 nội dung có gợi ý gồm: 

- Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

- Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất;

- Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 

-Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số;

- Các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH; 

-Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; 

- Việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất; 

- Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm;

- Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất cụ thể;

- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai;

- Chế độ sử dụng đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp;

-  Chính sách đất đai đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động và các nội dung khác mà các nhà khoa học, các chuyên gia quan tâm.

Sửa Luật Đất đai: Phải bịt kín các lỗ hổng pháp luật, ngăn chặn tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Giải quyết đúng chính sách, pháp luật về đất đai góp phần kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực phát triển, bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực đất đai 

Nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 là sự kiện chính trị pháp lý quan trọng của đất nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao việc tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân rất thiết thực, cụ thể, có nhiều ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng nêu rõ, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao... Luật Đất đai có thể coi là đạo luật gốc. Giải quyết đúng chính sách, pháp luật về đất đai góp phần kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực phát triển, bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng góp phần đánh giá năng lực của cơ quan hành pháp, lập pháp và hệ thống chính trị trong việc thể chế hoá những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này, cụ thể là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Theo Phó Thủ tướng, các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đóng góp ý kiến không chỉ có sự tâm huyết, trí tuệ, chuyên sâu mà còn thể hiện tinh thần dân chủ, tập thể.

Phó Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý tiếp tục góp ý trực tiếp vào những điều, chương trong dự thảo Luật mà chưa thể chế hoá đầy đủ, khoa học, chặt chẽ, khả thi theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW; bảo đảm ngôn ngữ diễn đạt có tính đại chúng, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào một số nội dung.

Thứ nhất, là tính hiệu quả của các cơ chế kiểm soát, phân bổ, sử dụng đất đai được thiết kế trong dự thảo Luật Đất đai, cũng như khả năng giải quyết mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch quốc gia, liên ngành khác nhằm tạo ra những công cụ quản lý tốt hơn, không chồng chéo.

Thứ hai, là tính khả thi của các quy định về kinh tế đất đai, tài chính đất đai, định giá đất đai theo cơ chế thị trường.

Thứ ba, là cơ chế thu hồi đất, hỗ trợ, đền bù, tái định cư đã bảo đảm người dân có điều kiện sống, sinh kế tốt hơn sau tái định cư, được hưởng lợi từ các dự án trên cơ sở đánh giá toàn diện, đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội, chuyển dịch lao động, mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân.

Thứ tư, là chính sách chuyển, nhượng quyền thuê đất nhằm bảo đảm sự ổn định về tài chính, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển, không tạo ra lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó là những vấn đề về phân cấp, phân quyền, cơ chế kiểm soát hoạt động quản lý, sử dụng đất đai.

Sửa Luật Đất đai: Phải bịt kín các lỗ hổng pháp luật, ngăn chặn tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội nghị

Sửa luật phải phát huy được nguồn lực, phòng, chống tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là một dự án Luật có phạm vi tác động rộng, liên quan nhiều ngành, lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, gắn với toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. 

Qua 10 thực hiện, bên cạnh những tác động tích cực, Luật Đất đai cũng bộc lộ những bất cập, do đó, việc sửa đổi toàn diện nhằm khắc phục những bất cập, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. 

Sửa luật để phát triển kinh tế, xã hội, bảo phát huy được nguồn lực, phòng, chống tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

“Với tinh thần từ sớm, từ xa, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ cùng với các chuyên gia trong từng lĩnh vực để tham gia sửa đổi Luật Đất đai lần này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Sửa Luật Đất đai: Phải bịt kín các lỗ hổng pháp luật, ngăn chặn tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm - Ảnh 6.

GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị

Ngăn chặn tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật đặc biệt quan trọng; việc sửa đổi, điều chỉnh có các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân. 

Do đó, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của dự thảo Luật lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, với các điều luật được cụ thể hóa nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”.

GS.TS Phan Trung Lý cho rằng, đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai, nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho lợi ích quốc gia, phục vụ cho phát triển đất nước. 

Bởi vậy, phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Đặc biệt, phải ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Sửa Luật Đất đai: Phải bịt kín các lỗ hổng pháp luật, ngăn chặn tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm - Ảnh 7.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Cần xem xét phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không khác so với Luật 2013, song đây là nguyên tắc chung nên hợp lý, tuy vậy với bối cảnh mới cần xem xét. 

Cụ thể hơn việc giải thích từ ngữ trong dự thảo. Dự thảo nêu 56 từ ngữ, trong khi Luật 2013 chỉ nêu 30 từ ngữ, như vậy là đã cập nhật một số khái niệm có tính thực tiễn. Tuy vậy cần xem xét điều chỉnh khái niệm đã nêu trong dự thảo về: đất xây dựng công trình ngầm, khái niệm hủy hoại đất, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất... còn chưa gắn với thực tế có thể hiểu khác nhau. 

Ngoài ra, cần bổ sung một số khái niệm như: người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người sử dụng đất, mặt nước chuyên dùng, tích tụ đất...

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, so với Luật 2013, dự thảo Luật lần này đã có nhiều quy định cụ thể hơn và khoa học hơn. 

Tuy nhiên, về quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 điều 67) cần xem lại vì với khối lượng lớn thì quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế cần nghiên cứu từ kết quả giám sát quy hoạch của Quốc hội sau Luật Quy hoạch 2017. 

Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngoài quy định tại điều 68 cần nêu rõ phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Góp ý vào điều 71 về rà soát, điểu chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Nghiêm bày tỏ sự thống nhất với các nguyên tắc về căn cứ để điều chỉnh đã nêu trong dự thảo. Đây là các nguyên tắc đúng với điều chỉnh định kỳ. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn tới thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW về phát triển đô thị bền vững, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ có nhiều đột phá về phát triển đô thị và nông thôn nên cần cụ thể hơn về điều chỉnh định kỳ và điều chỉnh cục bộ với quy hoạch và nhất là với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. 

Ông Nghiêm cho rằng, việc bổ sung yêu cầu này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sửa Luật Đất đai: Phải bịt kín các lỗ hổng pháp luật, ngăn chặn tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm - Ảnh 8.

Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Vinh

Thỏa thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất các dự án đô  thị khổi phải "cốt ở đôi bên"

Góp ý về việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần làm rõ nhà đầu tư được thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất trong việc bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án đô thị, nhà ở thương mại hay không? 

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã nêu: "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất" thì mới khắc phục được hạn chế, bất cập lớn hiện hành. Do đó, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh phải kiên trì thực hiện nguyên tắc xuyên suốt này.

“Thỏa thuận quyền sử dụng đất là một quyền dân sự, nhưng việc thỏa thuận gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các dự án đô thị, nhà ở thương mại là nội dung liên quan đến lợi ích chung, không phải “cốt ở đôi bên” nữa mà phải bảo đảm nguyên tắc và quản lý của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất, công bằng, hài hòa lợi ích và mục đích phát huy hiệu quả sử dụng đất. 

Thực tế, các dự án đô thị, nhà ở thương mại nếu chỉ mình chủ đầu tư cũng không thực hiện được nếu nhà nước không làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.”, ông Thực nói.

Sửa Luật Đất đai: Phải bịt kín các lỗ hổng pháp luật, ngăn chặn tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm - Ảnh 9.

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Cân nhắc thêm về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tại Hội nghị, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung quy định của dự thảo luật. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tham khảo, cân nhắc thêm về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. 

Cụ thể, khoản 2 Điều 225 quy định “Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại”.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam mà dự thảo Luật Đất đai lần này chỉ giao cho Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai, mà không giao cho UBND giải quyết như trước, là không phù hợp, không khả thi và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết. 

Vì vậy, ông Luyến kiến nghị nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì UBND cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho UBND cấp có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND, thì có thể đề nghị UBND cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Quy định của dự thảo làm hạn chế quyền công dân

Bên cạnh đó, ông Luyến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại Điều 226 của dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền khiếu nại của công dân, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Luật Khiếu nại.

Theo ông Luyến, quy định của dự thảo Luật là làm hạn chế quyền công dân, không được khiếu nại lần 2 lên cấp trên của người giải quyết khiếu nại lần đầu và quy định này không thống nhất với quy định của Luật Khiếu nại.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào một số nội dung khác như: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại...

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi