Để chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Công tác đại biểu phối hợp tổ chức Hội thảo “Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội dồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn – những vấn đề cần hoàn thiện”.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã nghiên cứu, dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Dự thảo Nghị quyết đã thể chế Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thay thế cho Quy định số 262-QĐ/TW. So với Quy định số 262-QĐ/TW, điểm mới quan trọng nhất, đó là hệ quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, để chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Soạn thảo đề nghị, các vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi ý kiến thiết thực, trực tiếp vào nội dung dự thảo Nghị quyết.
Tại Hội thảo, các đại biểu tán thành cao với việc sửa đổi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Đồng thời, khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quy định và thực tiễn thực hiện, cũng như để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, góp ý kiến cụ thể về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm;Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm; Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm; Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm;...
Để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, các ý kiến lưu ý, cần bảo đảm tính kế thừa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong các văn bản về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13 tập trung sửa đổi, bổ sung những điều, khoản chưa phù hợp.
Ngoài ra, phải rà soát các quy định của Hướng dẫn số 321/HD-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân các cấp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn lấy phiếu tín nhiệm là đúng, hợp lý để bổ sung vào Nghị quyết.
Kết thúc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, hội nghị đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều bày tỏ nhất trí với cách thức tiếp cận, đặt vấn đề của Ban soạn thảo cũng như những nội dung cơ bản được sửa đổi tại dự thảo Nghị quyết....
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, xác đáng của các vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ nội dung góp ý, khẩn trương rà soát, hoàn thiện Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23 tới đây.