CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

13:42 - 31/10/2022

(Chinhphu.vn) - Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Quốc hội thảo luận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh 1.

Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Phát biểu điều hành phiên làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại phiên họp này, có đại diện 10 đoàn Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố đến dự thính phiên họp về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, được dư luận, cử tri, nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn chỉ đạo sát sao ngay từ đầu và trong quá trình giám sát.

Vì phạm vi giám sát rất rộng, liên quan tất cả các ngành, các lĩnh vực đời sống xã hội trong thời gian dài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giới hạn giám sát tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước.

Đoàn đã hoàn thành hồ sơ giám sát gửi đến các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đoàn cũng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Quốc hội thảo luận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Đề nghị làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, về hệ thống báo cáo của Đoàn giám sát và Báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành, đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến xem xét các nội dung nêu trong các báo cáo, đã bảo đảm đầy đủ các vấn đề trọng tâm, đáp ứng yêu cầu giám sát tối cao của Quốc hội, các kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các nội dung trọng điểm và 07 lĩnh vực trọng tâm mà Đoàn giám sát đã tập trung giám sát.

Thứ hai, đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về giải pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện chính sách pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới; đặc biệt các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách trong dài hạn và trước mắt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thứ ba, đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến trực tiếp và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tên gọi, bố cục, nội dung các nhiệm vụ, giải pháp đối với từng cơ quan và các phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết…

Quốc hội thảo luận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh 3.

Tập trung giám sát 5 nội dung trọng điểm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Nội dung giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chủ tịch Quốc hội luôn chỉ đạo sát sao Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức triển khai thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian tại 4 Phiên họp để thảo luận, cho ý kiến, xác định mục tiêu, phạm vi, nội dung, phương pháp, kế hoạch, đề cương báo cáo và kết quả của từng thời điểm giám sát.

Do phạm vi rất rộng nên Đoàn giám sát lần này tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước, tập trung vào 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đoàn giám sát đã làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 15 địa phương và khối cơ quan Tư pháp.

Đây là cuộc giám sát có quy mô rộng, nên đã huy động một lực lượng lớn tham gia. Kết quả hoạt động giám sát chuyên đề này bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát.

Quốc hội thảo luận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo.

Một số trường hợp thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế;

Việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Những tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân do một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện, nguyên nhân chính là: kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm.

Nhận thức pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ; còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự làm một quốc sách hàng đầu.

Tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quốc hội thảo luận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh 5.

Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm, theo hướng vừa đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng; quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản…