Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết, kế hoạch giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và thời kỳ trước và sau có liên quan, Đoàn giám sát làm việc với Bộ Tài chính.
Mục đích, yêu cầu giám sát đã nêu đầy đủ trong Kế hoạch số 06 của Đoàn giám sát, trong đó lưu ý Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu chiến lược thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách bao gồm ngân sách nhà nước thuế, phí, lệ phí, dự trữ nhà nước, các quỹ tài chính của nhà nước, đầu tư tài chính, tài sản doanh nghiệp, tài sản công, giá chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động dịch vụ tài chính…
Các lĩnh vực này đều liên quan rất lớn đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài lực của đất nước. Bộ Tài chính còn là cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Vì vậy, quá trình giám sát phải xem xét trên ba góc độ: việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; chức năng tham mưu giúp Chính phủ chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước thuộc quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí toàn diện trên cả nước ở tất cả các bộ, ngành theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, báo cáo của Bộ Tài chính có ý nghĩa rất quan trọng, cần có đánh giá toàn diện.
Trong quá trình xem xét cũng nghiên cứu việc ban hành, phát hiện những vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật liên quan để có kiến nghị cụ thể. Nếu phát hiện vi phạm, theo thẩm quyền xử lý và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát lưu ý, quá trình giám sát đề nghị quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí.
Các thành viên tập trung cho ý kiến vào bốn nội dung chủ yếu: Thứ nhất, xung quanh việc thực hiện chính sách pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2021. Thứ hai, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ trong phạm vi cả nước. Thứ ba, tham mưu cho Chính phủ để triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ tư, kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí, pháp luật chuyên ngành về tài chính ngân sách, pháp luật khác có liên quan.
Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xét đến cùng cũng là ý thức nhận thức, tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, lối sống, thói quen của từng người, đừng để lãng phí bất cứ xung quanh.
Do vậy, tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả từ phương diện của từng cá nhân đến phạm vi toàn xã hội và điểm xuất phát chính là vấn đề giáo dục truyền thống, giáo dục quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với mỗi công dân khi mà mà sinh ra cho đến khi lớn lên.
Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý các nguồn lực quan trọng của đất nước; chịu trách nhiệm tổng hợp chung, báo cáo hàng năm và 5 năm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước.
Kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch việc sử dụng Ngân sách Nhà nước
Báo cáo với Đoàn Giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 1.206 văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài chính, ngân sách, nhiều văn bản ban hành đã giúp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và từng bước cơ cấu lại Ngân sách Nhà nước (NSNN).
Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương. Từ năm 2016-2021, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã tiết kiệm được hơn 6.087 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN.
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, giai đoạn 2016-2021 đã cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản…
Bộ Tài chính chủ động tổ chức, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Bộ, theo đó đã giảm từ 36 đơn vị xuống còn 26 đơn vị, tương đương giảm khoảng 28% số lượng đơn vị sự nghiệp.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện tiết kiệm trong quá trình lập dự toán chi NSNN. Theo đó, giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài chính đã tính giảm cho NSNN khoảng hơn 22.300 tỷ đồng.
Bộ cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên. Đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công, đã có 28 bộ, ngành và 60 địa phương thực hiện rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung…
Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 104 luật, pháp lệnh, nghị quyết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành ở trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có 5 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đối với quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và quản lý đầu tư công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, cơ cấu chi giai đoạn 2016-2021 tiếp tục chuyển dịch tích cực, đạt mục tiêu đề ra, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn lên trên 28%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2016-2021 đạt 80,23% kế hoạch. Công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được chú trọng, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí….
Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như: còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về ban hành, thời hạn lập, gửi chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; công tác chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ đọng chưa đạt kết quả như mong muốn…
Việc thẩm định công tác lập dự toán thu và chi của các bộ, ngành, địa phương không sát với thực tế
Báo cáo rà soát kết quả bước đầu việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Tài chính, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà, Tổ trưởng Tổ công tác (Đoàn giám sát) trình bày đã khẳng định, giai đoạn 2016-2021, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Tài chính đạt được nhiều kiết quả đáng ghi nhận.
Tổ công tác đề nghị Bộ Tài chính chia sẻ kinh nghiệm, cách thức tiết kiệm trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí. Tuy nhiên, Bộ là cơ quan chuyên môn tham mưu cao nhất của Chính phủ trong lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch việc thu, chi ngân sách hàng năm nhưng quá trình thực hiện còn nhiều sai sót đã được cơ quan kiểm tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị xử lý; đề nghị Bộ Tài chính thực hiện nghiêm và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan về vấn đề này.
Đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổ công tác khẳng định, vẫn còn một số văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ Tài chính chưa hoàn thành đúng tiến độ, một số văn bản chi tiết chậm ban hành hoặc ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của Luật.
Báo cáo của Bộ Tài chính với Đoàn giám sát khẳng định không có dự án kém hiệu quả, vượt tiêu chuẩn, định mức, tuy nhiên qua giám sát, Tổ công tác nhận thấy vẫn còn công trình, dự án đầu tư vượt tiêu chuẩn, định mức, vừa kết thúc đầu tư có nhu cầu chuyển sang nhiệm vụ khác.
Về kinh phí khoa học công nghệ, quyết toán chi khoa học công nghệ giai đoạn 2016-2021 chỉ đạt 64,1%; vẫn còn nhiều đề tài chưa hoàn thành nghiệm thu, quyết toán; việc bố trí dự toán các khoản kinh phí này chưa sát yêu cầu.
Tổ công tác cũng nêu thực tế việc sắp xếp các cơ sở nhà, đất của Bộ còn chậm, vẫn còn 435 cơ sở nhà, đất thuộc trụ sở làm việc chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Ngoài ra, việc sắp xếp các cơ sở nhà đất sau sắp xếp bộ máy còn chậm, dẫn đến nhiều cơ sở nhà, đất, trụ sở làm việc sử dụng chưa bảo đảm đúng quy định, vượt định mức... gây lãng phí trong việc quản lý, sử dụng các tài sản này.
Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả nước thuộc lĩnh vực phân công quản lý của Bộ Tài chính, Tổ công tác nhận định, bên cạnh kết quả đạt được, công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán NSNN của cả nước do Bộ Tài chính chủ trì, tham mưu thực hiện còn nhiều tồn tại, bất cập. Việc thẩm định công tác lập dự toán cả thu và chi của các bộ, ngành, địa phương cơ bản không sát với thực tế, khả năng thu, chi NSNN dẫn tới hậu quả các cân đối bị động, chuyển nguồn, hủy dự toán lớn, huy động bội chi vượt quá nhu cầu cần thiết chi trong năm.
Bộ Tài chính chưa làm rõ số thất thoát, lãng phí, cũng như vi phạm trong quản lý các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo yêu cầu của Đoàn giám sát; Tổ công tác đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan bổ sung đánh giá đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng cho rằng, việc quản lý, sử dụng các khoản nợ công chưa thật sự hiệu quả, giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ rất chậm, thời gian triển khai dự án kéo dài, phải gia hạn thực hiện, không hoàn thành, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay….
Giám sát để tìm giải pháp hoàn thiện thể chế nhằm quản lý tài chính công, tài sản công hiệu quả hơn
Cho ý kiến tại buổi làm việc, đa số thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Bộ Tài chính được chuẩn bị công phu, dày dăn, cung cấp nhiều chi tiết, có bảng biểu, phụ lục kèm theo. Ông Bùi Đức Thụ, đại biểu Quốc hội khóa XIII, thành viên Đoàn giám sát đánh giá, thời gian gần đây, kết quả quản lý tài chính ngân sách có chuyển biến tích cực, có sự chỉ đạo quyết liệt sát sao, kịp thời, đem lại kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước tăng khá, cơ cấu thu có sự chuyển biến tích cực, thu nội địa đạt hơn 85%, giảm bớt phụ thuộc vào xuất nhập khẩu, tài nguyên, đất đai. Bộ Tài chính tích cực tham mưu giúp Chính phủ quản lý tài chính công, tài sản công; gương mẫu, nghiêm khắc trong quản lý tài chính công, tài sản công thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
Ông Bùi Đức Thụ cho rằng, những tồn tại, thách thức còn nhiều, trong đó có bất cập về cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật chưa phù hợp; có cả vướng mắc do công tác quản lý điều hành, tổ chức thực hiện. Vì vậy, hoạt động giám sát này không chỉ vì mục tiêu nêu bất cập, tồn tại, mà còn là cơ hội để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp hoàn thiện thể chế, nhằm quản lý tài chính công, tài sản công hiệu quả hơn.
Những tiêu chí đo lường đánh giá thực hành tiết kiệm chống lãng phí vẫn chưa thực sự hiệu quả. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được ban hành đã lâu, chưa được sửa đổi, bổ sung, văn bản hướng dẫn ít. “Qua giám sát ở các địa phương đều báo cáo số đã tiết kiệm nhưng không thống kê con số lãng phí. Đó là chưa kể việc tiết kiệm có thực chất không. Giao dự toán nhưng vì lý do dịch bệnh hoặc lý do khách quan chưa triển khai lại được tính vào khoản tiết kiệm. Hay vấn đề tinh giản biên chế, nhiều địa phương, bộ ngành căn cứ vào số liệu Bộ Nội vụ giao, nhưng không căn cứ vào thực tế thực hiện, như vậy liệu tinh giảm biên chế có thực chất”, đại biểu Bùi Đức Thụ băn khoăn.
Đối với công tác quản lý, sử dụng, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước, có ý kiến cho rằng vẫn còn tình trạng sắp xếp cơ học. Bộ Tài chính chưa làm rõ lý do tổng số biên chế thực hiện năm 2020 giảm còn 61.614 biên chế nhưng đến cuối năm 2021 lại tăng lên 64.864 biên chế.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đề nghị Bộ Tài chính làm rõ chênh lệch về số giao biên chế của Bộ Nội vụ và số thực hiện của Bộ Tài chính. Bởi việc cấp ngân sách nhà nước dựa theo số biên chế, nếu có sự không thống nhất dễ dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đề nghị Bộ Tài chính làm rõ hiệu quả công tác quản lý, sử dụng lao động, bởi theo thống kê tổng số cán bộ công chức, viên chức của Bộ lớn, chiếm tới 30,46% tổng số công chức, viên chức của các bộ, ngành.
Đối với việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, ý kiến thành viên Đoàn giám sát cho rằng, báo cáo của Bộ Tài chính chưa nêu rõ số liệu cụ thể về việc phê duyệt, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Qua khảo sát, các địa phương phản ánh cần có định mức kinh tế, kỹ thuật đơn giá để thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng vẫn phải chờ vì vấn đề này thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai khẳng định, giai đoạn 2016-2021, lần đầu tiên triển khai Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm. Đây là điểm nhấn của giai đoạn này, vì vậy Bộ Tài chính cần đánh giá việc thực hiện các kế hoạch này có góp phần vào việc thực hành tiết kiệm, cống lãng phí hay không.
Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Bộ đánh giá cụ thể về việc thực hiện chính sách thu ngay từ khâu xây dựng chính sách để tránh lãng phí. Ngoài ra, công tác thu đối với hoạt động giao dịch trên nền tảng số cũng cần được bổ sung trong báo cáo, bởi đây là vấn đề nhức nhối toàn cầu trong khi đó, Việt Nam có mức tăng trưởng đứng đầu trong Khu vực Châu Á.
Một số thành viên Đoàn giám sát cũng phản ánh kiến nghị của địa phương về một số định mức, tiêu chuẩn đã lạc hậu và tạo ra nhiều hệ lụy trong quản lý ngân sách; đồng thời đề nghị đẩy mạnh quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra, trong đó xác định rõ tiêu chí, đánh giá kết quả thực hiện. Bộ Tài chính cũng cần có giải pháp thực hiện hiệu quả quản trị vốn ngân sách linh hoạt trong bối cảnh thu chi khó khăn không đảm bảo bền vững. Số vượt thu ngân sách hiện nay chủ yếu là thu ngân sách địa phương và thu từ nhà đất, trong khi thu ngân sách trung ương gặp khó khăn, áp lực chi thường xuyên lớn.
Các ý kiến tại buổi giám sát cũng đề nghị Bộ Tài chính giải trình các vấn đề liên quan đến cơ chế phân bổ, bố trí ngân sách vẫn theo yếu tố đầu vào, dễ kiểm soát nhưng kém hiệu quả; cân nhắc tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; hiệu quả công tác định giá, điều hành giá và thẩm định giá; công tác quản lý vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; chi cho nghiên cứu khoa học đã phù hợp, bởi hiệu quả ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học thấp…
Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí toàn diện nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Báo cáo của Bộ Tài chính và báo cáo rà soát bước đầu của Tổ công tác (Đoàn giám sát); nhấn mạnh thời gian từ nay đến thời điểm trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến tại Phiên họp tháng 9 của không còn nhiều. Vì vậy, quá trình giám sát cần kiến nghị những chính sách lớn để có sản phẩm cuối cùng là Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý với Đoàn Giám sát nghiên cứu kiến nghị Chính phủ cải tiến và đổi mới việc ban hành và thực hiện Chương trình hành động hàng năm về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, bởi qua giám sát cho thấy có sự trùng lặp, giống nhau. Việc đổi mới Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên tập trung vào lĩnh vực trọng tâm trọng điểm, đặt mục tiêu cụ thể tạo sự chuyển biến rõ rệt trong từng lĩnh vực; khi ban hành cần tổ chức triển khai, đôn đốc thực hiện và tiến hành tổng kết.
Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ xây dựng báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng nên cải tiến, đổi mới từ việc xây dựng Chương trình hành động đến cách thức triển khai, sơ kết, thống kết, cách thức báo cáo trước Quốc hội, vừa đảm bảo tính toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, có mục tiêu cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, sau hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội nên đề xuất cuộc vận động hay phong trào thi đua thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phạm vi áp dụng cả trong sản xuất và tiêu dùng; khu vực công và khu vực tư; nhân lực và tài lực, trong đó có tiêu chí, tiêu chuẩn, văn bản cụ thể. Bên cạnh đó, nên có chính sách quốc gia về tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với cuộc thi đua về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Nếu Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội thông qua sẽ tạo được hiệu quả lớn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội cũng có ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài chính. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Bộ Tài chính là cơ quan thay mặt quản lý nhà nước về tài chính công, tài sản công, cần có nhận thức tiết kiệm tài chính không đơn thuần như cái kéo để cắt xén chi tiêu, mà theo tinh thần của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: với nhiệm vụ công việc được giao, tiêu tốn chi phí ít hơn; với nguồn lực nhất định, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn; với quan điểm 1 tỷ cần thiết chi ngay nhưng 1 đồng không cần thiết cũng không chi.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tài chính tiến hành rà soát các văn bản đang gây ách tắc, kiến nghị để xuất sửa đổi thể chế, chính sách kiến tạo phát triển để tạo nhiều giá trị gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực tài sản công, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ sản phẩm công ích. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát việc ban hành các định mức về phân bổ chi thường xuyên, chi tiêu công; đánh giá lại việc khoán xe công; việc phát hành trái phiếu Chính phủ; rà soát tổng nguồn phục vụ cải cách tiền lương; vấn đề thu hồi các khoản cho vay tạm ứng; rà soát lộ trình cải cách chính sách về thuế; tăng cường chống chuyển giá trong doanh nghiệp FDI đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư nhưng đảm bảo môi trường kinh doanh; tình trạng giải ngân vốn ODA chậm do cơ chế chính sách hay do việc triển khai thực hiện?...
Phát biểu tại buổi giám sát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, tiết tục chỉ đạo hoàn thiện báo cáo và nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình ý kiến thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến việc xây dựng chính sách pháp luật; quản lý, sử dụng biên chế; việc phân bổ kinh phí cho nhiệm vụ khoa học công nghệ; thực hiện tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập; công tác quản lý thu qua hoạt động kinh doanh trên nền tảng số; việc ban hành định mức, tiêu chuẩn…
Kết luận buổi giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịc Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc đã định hướng rõ để Đoàn Giám sát phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Tài chính chuẩn bị nội dung làm việc với Chính phủ dự kiến vào ngày 29/8 tới để xây dựng báo cáo chung. Chủ tịch Quốc hội đã gợi ý 2 vấn đề lớn và 9 vấn đề cụ thể, cùng với đề nghị của các bộ, ngành Trung ương, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đề nghị với Chính phủ tháo gỡ những vấn đề trước mắt và đề xuất sửa đổi thể chế, chính sách.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao Bộ Tài chính chuẩn bị báo cáo công phu, nghiêm túc, tuy nhiên đề nghị Bộ Tài chính tập trung bổ sung làm rõ các kiến nghị gửi tới Đoàn giám sát.
Đối với phần nguyên nhân tồn tại, hạn chế cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, đối chiếu với các hành vi lãng phí được nêu trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó có kiến nghị cụ thể.
Bộ Tài chính cũng cần nêu rõ lĩnh vực làm tốt của bộ cũng như các bộ, ngành để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Quốc hội….
Trên cơ sở chỉ rõ văn bản pháp luật chưa phù hợp, nhận thức khác nhau, mâu thuẫn, khó thực hiện, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc này.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cũng lưu ý, đối với những vấn đề đã rõ, thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, không đợi đến khi Quốc hội ban hành nghị quyết…